Nghị quyết 100 có được coi là căn cứ pháp lý?
Chiều ngày 26/3/2024 vừa qua, TAND tỉnh Gia Lai đã đưa vụ án hủy hoại rừng xảy ra vào năm 2018 thuộc địa bàn xã Chư Drăng Huyện Krông Pa ra xét xử phúc thẩm.
Ngày 25/08/2023 TAND huyện Krông Pa đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt các bị cáo Lê Hoàng Phúc 42 tháng, Lục Văn Khoa 27 tháng và Lê Đình Tuyển 24 tháng tù giam. về hành vi hủy hoại rừng.
Cho rằng không có hành vi phạm tội hủy hoại rừng, các bị cáo đã đồng loạt kháng cáo kêu oan.Tại phiên tòa phúc thẩm các bị cáo vẫn giữ nguyên nội dung kháng cáo, một mực kêu oan, đồng thời khẳng định chỉ phát dọn thực bì trong phần diện tích đất đã được Ban QLRPH Nam Sông Ba bàn giao theo bản đồ hiện trạng do Công ty Nhật Tuấn lập được xác nhận bởi các cơ quan ban ngành thuộc tỉnh Gia Lai.
Biên bản kiểm tra thực địa của các Sở ban ngành tỉnh Gia Lai ngày 12 và 13/9/2018 có ghi rõ khu vực Công ty Phúc Phong tổ chức phát dọn thực bì (tiểu khu 1396) thuộc đất quy hoạch rừng sản xuất.
Luật sư Ngô Thanh Quảng, Luật sư bảo vệ cho các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm cho rằng, các cơ quan tố tụng huyện Krông Pa căn cứ vào kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 03 loại rừng được HĐND tỉnh thông qua tại Nghị quyết số 100/NQ-HĐND xác định phần đất 30.000m2 tại lô 03 khoảnh 03 Tiểu khu 1396 thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp để quy kết tội hủy hoại rừng cho các bị cáo là chưa đảm bảo tính pháp lý. Tại biên bản kiểm tra hiện trạng thực hiện dự án của Công ty Phúc Phong do các Sở ngành của tỉnh Gia Lai , kiểm tra, xác lập cũng ghi rõ, các khoản 1, 3, 4, 6, 7, 9 tiểu khu 1396 thuộc đất quy hoạch rừng sản xuất.
Luật sư Quảng cũng viện dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và khoản 3 Điều 3 Nghị định 34/2016/NĐ-CP được bổ sung bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 154/2020/NĐ-CP để chứng minh Nghị quyết số 100 không phải là văn bản quy phạm pháp luật mà chỉ là tài liệu phục vụ cho công tác phê duyệt quy hoạch rừng. Bởi lẽ, theo điểm b khoản 1 Điều 18 Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004, thẩm quyền phê duyệt, quyết định quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng, quyết định xác lập các khu rừng... thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh.
Ngoài ra, Nghị quyết 100 có một số nội dung chưa phù hợp với thực tiễn, vì vậy HĐND tỉnh Gia Lai đã ban hành Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 10/8/2021 về việc điều chỉnh Nghị quyết số 100. Đến ngày 23/8/2021 UBND tỉnh Gia Lai mới ban hành Quyết định số 527/QĐ-UBND phê duyệt Nghị quyết số 100 và Nghị quyết số 45. Có nghĩa là Nghị quyết số 100/NQ-HĐND tỉnh Gia Lai không những không có ý nghĩa về mặt pháp lý mà nội dung cũng còn có nhiều vấn đề chưa phù hợp với thực tiễn.Do đó, các cơ quan tố tụng huyện Krông Pa căn cứ vào Nghị quyết 100để cho rằng khu vực bị hủy hoại là rừng, tiến hành khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tuyên án các bị cáo về tội "Hủy hoại rừng" là một sai lầm hết sức nghiêm trọng trong việc áp dụng và thực thi pháp luật, Luật sư Quảng nhấn mạnh.
Khu vực bị hủy hoại có phải là rừng?
Tại phiên tòa sơ thẩm, Luật sư Nguyễn Văn Thắng, Luật sư bảo vệ cho bị cáo Lê Hoàng Phúc cũng đã viện dẫn Văn bản số 341 ngày 25/2/2019 của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai để minh chứng khu vực bị hủy hoại không phải là rừng như cáo buộc.
Còn theo hồ sơ tài liệu, vào các ngày 13 và 14/3/2017, Sở NN&PTNT, Sở TN&MT, Ban QLRPH Nam Sông Ba, UBND huyện Krông Pa, đại diện UBND xã Chư Drăng và đại diện Công ty Phúc Phong tiến hành khảo sát, đo đạc trên thực địa khu đất thuộc Tiểu khu 1395 và 1396 mà Công ty Phúc Phong xin thuê để trồng rừng.
Văn bản của Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai trả lời cơ quan CSĐT.
Kết quả đo đạc, khảo sát tại khoảnh 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 Tiểu khu 1395; khoảnh 1, 3, 4, 6, 7, 9 Tiểu khu 1396 xã Chư Drăng có tổng diện tích đất (Công ty Phúc Phong xin thuê)là 859,49ha. Trong đó, đất trồng cây lâu năm: 1,21ha; đất trồng cây hàng năm: 17,30ha; đất trống chưa có rừng: 822,70ha ; đất giao thông: 6,21ha; đất sông suối: 12,07ha.
Theo Quyết định số 53/QĐ-UBND ngày 04/02/2008 của UBND tỉnh Gia Lai phê duyệt kết quả rà soát, quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Gia Lai, thì khoảnh 2, 3, 4, 5, 6, 7 Tiểu khu 1395; khoảnh 4, 6, 7, 9 Tiểu khu 1396 thuộc quy hoạch đất rừng sản xuất; khoảnh 8, 9 Tiểu khu 1395; khoảnh 1, 3 Tiểu khu 1396 không thuộc quy hoạch đất lâm nghiệp (diện tích này Ban Quản lý rừng phòng hộ Nam Sông Ba đang thực hiện rà soát, quy hoạch vào đất rừng sản xuất để trồng rừng).
Bản đồ hiện trạng vị trí đề nghị xin thuê đất của Công ty TNHH Nông Lâm sản Phúc Phong Gia Lai, do Công ty Nhật Tuấn lập cũng đã được UBND xã Chư Drăng xác nhận ngày 14/4/2017; BQL RPH Nam Sông Ba xác nhận ngày 15/4/2017; UBND huyện Krông Pa xác nhận ngày 25/4/2017; và Sở NN&PTNT xác nhận ngày 29/4/2017.
Ngày 14/6/2017, UBND tỉnh Gia Lai có Công văn số 2144/UBND-NL gửi Sở NN&PTNT, trong đó tỉnh đôn đốc các cơ quan, Sở ngành khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp đã được UBND tỉnh Gia Lai thống nhất chủ trương thực hiện dự án, khẩn trương tiến hành kế hoạch trồng rừng.
Ngày 03/7/2017, đại diện BQL RPH Nam Sông Ba phối hợp cùng với Công ty Phúc Phong và Công ty Nhật Tuấn lập biên bản bàn giao hiện trường để phát dọn thực bì, chuẩn bị đất trồng rừng cho Công ty Phúc Phong.
Từ các căn cứ viện dẫn nêu trên, Luật sư Nguyễn Văn Thắng, cho rằng trong suốt quá trình khảo sát, đo đạc hiện trạng và bàn giao đất cho công ty Phúc Phong đều có sự tham gia giám sát của các sở ban ngành, tuy nhiên không có bất kỳ một ý kiến nào của các cơ quan chức năng về việc tại lô 3 khoảnh 3 tiểu khu 1396 là đất rừng tái sinh thường xanh hồi phục như cáo trạng đã nêu. Tuy nhiên, các quan điểm và kiến nghị của các Luật sư tại phiên tòa sơ thẩm đã bị TAND Huyện Krông Pa bác bỏ.
Còn tại phiên tòa phúc thẩm ngày 26/3/2024, do chưa có đủ căn cứ để đánh giá chính xác đối với tính chất mức độ hành vi ban đầu của từng đối tượng, Hội đồng xét xử đã quyết định hủy Bản án sơ thẩm số 27/2023/HS-ST của TAND huyện Krông Pa và chuyển hồ sơ về Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Pa để tiến hành điều tra lại.
TẢ THANH THIÊN
Thừa Thiên - Huế: Thượng sĩ Công an thành phố Huế kháng cáo kêu oan