(LSVN) - Theo thông tin từ Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trong thời gian thi môn Toán, có một thí sinh lợi dụng sơ hở của cán bộ coi thi, dùng điện thoại di động chụp trang 1 và trang 3, mã đề thi 112 gửi lên ứng dụng gia sư trực tuyến Snapask để nhờ hỗ trợ giải đáp (vào lúc 15 giờ 46 phút).
Ảnh minh họa.
Sở GD&ĐT TP. Đà Nẵng cho biết ngày 09/7, sau khi nhận được thông tin về việc nghi vấn để lọt đề thi môn Toán tại Hội đồng thi Đà Nẵng, lãnh đạo Hội đồng thi đã làm việc, trao đổi với đại diện Công an thành phố để phối hợp làm rõ vụ việc.
Theo đó, sau quá trình điều tra, làm việc trực tiếp với thí sinh nghi vấn, sáng 15/7, Công an thành phố đã có Công văn gửi Hội đồng thi Đà Nẵng trao đổi thông tin liên quan vụ việc nghi vấn lọt, lộ đề thi môn Toán Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Tại Hội đồng thi Đà Nẵng, chiều 07/7, trong thời gian thi môn Toán, có một thí sinh lợi dụng sơ hở của cán bộ coi thi, dùng điện thoại di động chụp trang 1 và trang 3, mã đề thi 112 gửi lên ứng dụng gia sư trực tuyến Snapask để nhờ hỗ trợ giải đáp (vào lúc 15 giờ 46 phút).
Ngoài ra, thí sinh này không kết nối với bất kỳ cá nhân nào khác để hỗ trợ giải đáp đề thi và cũng không có ai khác giúp đỡ thí sinh thực hiện hành vi vi phạm.
Sau khi kết thúc thời gian làm bài thi môn Toán, thí sinh ký nộp bài theo quy định và ra về. Cán bộ coi thi không phát hiện được vi phạm của thí sinh.
Thực hiện Quy chế thi, Hội đồng thi Đà Nẵng sẽ phối hợp với Công an thành phố cập nhật, bổ sung hồ sơ, xử lý hành vi vi phạm Quy chế thi của thí sinh theo quy định; đồng thời làm rõ vai trò, trách nhiệm của cán bộ coi thi để xảy ra sai sót.
Công an thành phố tiếp tục xác minh, củng cố thông tin và đề xuất hình thức xử lý đối với thí sinh có hành vi làm lọt đề thi theo quy định của pháp luật.
Sở GD&ĐT tiếp tục rà soát, đánh giá công tác tổ chức thi để rút kinh nghiệm cho các kỳ thi khác.
Trao đổi với Tạp chí Luật sư Việt Nam, Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, hành vi làm lọt hay lộ đề thi là hành vi gian lận trong thi cử. Thí sinh để lộ lọt đề thi ra ngoài làm ảnh hưởng đến kết quả kỳ thi, gây ra sự bất công bằng trong thi cử sẽ bị kỷ luật theo quy định về quy chế thi tốt nghiệp THPT. Ngoài ra, trong một số trường hợp, hành vi làm lộ hoặc lọt đề thi còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Làm lộ bí mật Nhà nước". Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT về Quy chế thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT quy định, thí sinh nào mang vật dụng trái phép vào phòng thi, đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi sẽ bị đình chỉ thi. Các vật dụng bị cấm đem vào phòng thi gồm: Giấy than; Bút xóa; Đồ uống có cồn; Vũ khí và chất gây nổ gây cháy; Tài liệu, thiết bị truyền tin hoặc chứa thông tin có thể lợi dụng để gian lận trong quá trình làm bài thi và quá trình chấm thi. Trường hợp giám thị, thanh tra hoặc người có chức năng phát hiện thí sinh có vi phạm quy chế thi, mang vật dụng trái phép vào phòng thi, đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi sẽ bị áp dụng hình thức kỷ luật nghiêm khắc nhất là đình chỉ thi. Theo đó, thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi và ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định. Thí sinh bị đình chỉ thi chỉ được ra khỏi khu vực thi sau khi hết 2/3 (hai phần ba) thời gian làm bài thi tự luận và sau khi hết giờ làm bài thi trắc nghiệm. Thí sinh bị đình chỉ thi bài thi nào sẽ bị điểm 0 bài thi đó và không được tiếp tục dự thi các bài thi tiếp theo. Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi trong kỳ thi năm đó. Cũng theo Luật sư Cường, đối với trường hợp đề thi đã được mở, phát cho thí sinh mà thí sinh sao chụp, chuyển ra bên ngoài cần phải làm rõ trách nhiệm của giám thị coi thi trong việc để xảy ra vụ việc nghiêm trọng trong phòng thi và trách nhiệm của các tổ chức cá nhân có liên quan. Tùy vào tính chất mức độ, yếu tố lỗi, sai phạm nếu có thì giám thị sẽ bị kỷ luật ở các mức độ khác nhau. |
QUÝ NGUYỄN
TP. Hồ Chí Minh: Số vụ án lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng gia tăng