Trên cơ sở thực hiện sắp xếp lại, xử lý các cơ sở nhà đất của các xã, thị trấn trên địa bàn theo quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ; quản lý, xử dụng tài sản công có hiệu quả, đảm bảo tiết kiện chống lãng phí, thất thoát ngân sách nhà nước, ngày 29/8/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 1966 về việc thu hồi chuyển mục đích sử dụng đất và giao Uỷ ban nhân dân huyện Lạc Thủy thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất tại các xã, thị trấn huyện Lạc Thủy, trong đó có nhà văn hóa thôn Đầm Đa 268,9 mét vuông.
Ngày 16/11/2023, Uỷ ban nhân dân tỉnh Hòa Bình ban hành Quyết định số 2659 về việc phê duyệt giá khởi điểm để bán đấu giá tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với 08 cơ sở nhà đất thuộc Uỷ ban nhân dân xã quản lý sử dụng, trong đó, nhà văn hóa thôn Đầm Đa có giá khởi điểm 616.870.000 đồng và đã tổ chức đấu giá lần 2 thành công. Trong quá trình thực hiện kế hoạch đánh giá, Uỷ ban nhân dân xã có Biên bản niêm yết và Biên bản kết thúc thời gian niêm yết công khai tại các nhà văn hóa và trụ sở Ủy ban nhân dân xã, có Biên bản xác nhận niêm yết thông báo đấu giá tài sản.
Sau khi tổ chức đấu giá nhà văn hóa, Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc, đoàn thể xã đã báo cáo Uỷ ban nhân dân huyện đề nghị đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn Đầm Đa để đảm bảo tiêu chí thôn kiểu mẫu, xã kiểu mẫu. Mức đề nghị xây dựng 1 tỉ đồng.
Ngày 20/4, người dân thôn Đầm Đa phát hiện có người đào “trộm” cây tùng La Hán tại nhà văn hoá thôn nên đã giữ trường hợp này lại, đồng thời báo cáo trưởng thôn, Công an xã và Phó Chủ tịch UBND xã Đầm Đa tiến hành xác minh. Tuy nhiên, tại nhà văn hoá thôn Đầm Đa, người này đã xuất trình giấy tờ đầy đủ là chủ nhân của nhà văn hoá thông qua đấu giá và trúng đấu giá.
Bức xúc trước việc nhà văn hoá bị mang đi đấu giá mà người dân không được cán bộ thôn cũng như chính quyền xã thông báo hay bất cứ cuộc họp nào cho người dân được biết, ngày 09/5, người dân thôn Đầm Đa đã làm đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng để nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của họ.
Theo trình bày của bà Nghiêm Thị Lịch, thường trú tại thôn Đầm Đa, xã Phú Nghĩa, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình, đại diện cho người dân thôn Đầm Đa gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan chức năng thì: “Nhà văn hóa thôn Đầm Đa là công trình được xây dựng lâu đời do người dân trong thôn đóng góp đến 90% giá trị của công trình. Nhà văn hóa đã trở thành địa điểm sinh hoạt cộng đồng của toàn thể người dân trong thôn, được sử dụng lâu dài và hiệu quả đến thời điểm hiện tại”.
Được biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh ngày 21/5/2021, Sở Tài chính ban hành Công văn số 1099/STC-QLG&CS gửi các sở, ban, ngành, đoàn thể, Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố về hướng dẫn bán tài sản công trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đối với tài sản là nhà, đất công trình và các tài sản gắn liền với cơ sở nhà, đất dôi dư khi sắp xếp lại theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP.
Ông Phạm Ba Chiến, nguyên trưởng thôn An Lão, nay là thôn Đầm Đa sáp nhập cho biết: "Từ ngày còn làm trưởng thôn đến ngày phát hiện nhà văn hoá thôn bị bán tôi cũng như những người dân khác của thôn không được biết bất cứ thông tin nào từ lãnh đạo địa phương hay thông báo họp dân của thôn".
Ông Nguyễn An Ninh, nguyên là trưởng Công an xã cho biết: "Thực tế việc bán nhà văn hoá thôn như thế nào người dân không hề biết, chỉ vỡ lẽ ra khi phát hiện “vụ trộm cây tùng” chúng tôi mới biết nhà văn hoá đã bị bán”.
Ông Đỗ Danh Vũ, trưởng thôn Đầm Đa khẳng định: “Tôi nói rõ, cấp uỷ và lãnh đạo thôn từ 2019 đến năm 2024 chưa hề nhận các văn bản và họp dân báo cáo về việc nhà văn hoá dôi dư và không ký bất cừ giấy tờ nào về việc bán nhà văn hoá thôn Đầm Đa lúc này. Xuyên suốt từ năm 2019 đến nay chúng tôi chưa nhận được bất cứ văn bản nào về việc đấu giá nhà văn hoá cả. Tài sản trên đất gồm cây cối, công trình đều giao cho người dân thôn Đầm Đa quản lý không phải thích thu là thu…”.
Qua sự việc này, người dân thôn Đầm Đa mới biết nhà văn hoá thôn Đầm Đa đã được đấu giá mà người dân cũng như cán bộ thôn không hề hay biết. Phải chăng tại địa phương này chưa thực hiện đúng theo quy định tại Luật Thực hiện dân chủ cơ sở?
Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022, tại Điều 3, Điều 10 quy định về nguyên tác thực hiện dân chủ cơ sở; các hành vi vi phạm luật dân chủ cơ sở.
Điều 3 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022 quy định rõ các nguyên tác thực hiện dân chủ cơ sở gồm:
- Bảo đảm quyền của công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được biết, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ ở cơ sở;
- Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở;
- Thực hiện dân chủ ở cơ sở trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm trật tự, kỷ cương, không cản trở hoạt động bình thường của chính quyền địa phương cấp xã, cơ quan, đơn vị, tổ chức có sử dụng lao động;
- Bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
- Bảo đảm công khai, minh bạch, tăng cường trách nhiệm giải trình trong quá trình thực hiện dân chủ ở cơ sở;
- Tôn trọng ý kiến đóng góp của Nhân dân, kịp thời giải quyết kiến nghị, phản ánh của Nhân dân.
Điều 10 Luật Thực hiện dân chủ cơ sở 2022 nêu rõ, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tổ chức vi phạm quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Cán bộ, công chức, viên chức lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.
Như vậy, các nhân hoặc tổ chức vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý bằng các hình thức như: Xử phạt vi phạm hành chính, xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.