/ Luật sư trực ban
/ Vụ thầy giáo cấp 3 lan truyền, để lộ video nhạy cảm tại nhà máy thực hiện "03 tại chỗ": Vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo, cần phải xử lý nghiêm

Vụ thầy giáo cấp 3 lan truyền, để lộ video nhạy cảm tại nhà máy thực hiện "03 tại chỗ": Vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề giáo, cần phải xử lý nghiêm

02/11/2021 08:04 |

(LSVN) - Với một nhà giáo cùng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đồng thời lại là người truyền dạy các kiến thức xã hội, phải là người hiểu biết pháp luật, làm gương cho thế hệ học trò. Tuy nhiên, hành vi của các đối tượng đã khiến các học sinh nhìn thấy, gây bức xúc cho phụ huynh và dư luận. Việc này cần sự vào cuộc nhanh chóng từ phía Thanh tra Sở GD&ĐT cùng cơ quan chức năng, truy cứu trách nhiệm người quay và lan truyền clip để dẫn tới việc thầy giáo vô tình làm lộ clip này và xử lý nghiêm những người liên quan để làm trong sạch ngành giáo dục.

Trường THPT TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp.

Vừa qua, Cơ quan chức năng tỉnh Đồng Tháp đã được đề nghị xử lý nghiêm vụ thầy giáo cấp 3 lan truyền, để lộ video cảnh đi tắm của nữ công nhân nhà máy "03 tại chỗ".

Cụ thể, khi đang dạy online, một nam giáo viên Anh văn trường THPT TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp đã để lộ trên màn hình đoạn trò chuyện chứa video nhạy cảm hình ảnh một người phụ nữ khoả thân, khiến các học sinh nhìn thấy. Thầy giáo đã yêu cầu các em không phát biểu, chia sẻ những hình ảnh nói trên. Phụ huynh bức xúc, đã gửi đơn đến Sở GD&ĐT Đồng Tháp và yêu cầu làm rõ vụ việc.

Video sau đó được xác định là do Hiệu phó của trường này gửi cho thầy giáo. Vị Hiệu phó này cũng xác nhận và cho biết video trên là do người quen gửi, ghi cảnh các nữ công nhân nhà máy "03 tại chỗ" chuẩn bị đi tắm.

Theo đó, vị Hiệu phó này đã chuyển tiếp video cho đồng nghiệp xem nhằm "chia sẻ đời sống công nhân quá khó khăn". Đồng thời, cũng cho rằng "việc này đối với người lớn cũng bình thường. Lỗi do thầy giáo không cẩn thận, vô tình mở lên để học sinh thấy".

Vi phạm nghiêm trọng đến đạo đức nhà giáo!

Theo Chuyên gia giáo dục tiểu học, TS Vũ Thu Hương, đây là hành động vi phạm pháp luật. Việc lan truyền hình ảnh nhạy cảm của người khác, đặc biệt là khi họ chưa đồng ý là hành động dâm ô. Và đó không phải là hành vi bình thường, được phép.

Chuyên gia cho hay, các cá nhân trên đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo. Giáo viên không chỉ là người truyền thụ kiến thức mà còn là người trực tiếp rèn luyện đạo đức cho học sinh.

Việc người thầy vi phạm đạo đức, vi phạm pháp luật sẽ gây tổn hại lớn cho học sinh. Việc này có thể nói là không thể chấp nhận được.

Còn đối với học sinh, Chuyên gia cho biết, những hình ảnh bị phát tán trên sẽ gây ra bức xúc cho học sinh. Cũng sẽ có học sinh sẽ bắt chước làm theo, cũng sẽ có học sinh bị ám ảnh bởi các hình ảnh này. Theo đó, những ảnh hưởng đến tâm lý học sinh là thiệt hại đầu tiên mà các em phải chịu. Người giáo viên đó phải chịu trách nhiệm trước tất cả những thiệt hại này.

Đồng quan điểm với Chuyên gia, Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, nếu là một người bình thường thì có thể nói là do thiếu hiểu biết pháp luật. Tuy nhiên, với một nhà giáo cùng chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp, đồng thời, lại là người truyền dạy các kiến thức xã hội, phải là người hiểu biết pháp luật, làm gương cho thế hệ học trò, hành vi trên đã khiến các học sinh nhìn thấy gây bức xúc cho phụ huynh và dư luận.

Theo Luật sư, phía Thanh tra Sở GD&ĐT cùng cơ quan chức năng cần nhanh chóng vào cuộc truy cứu trách nhiệm người quay và lan truyền clip để dẫn tới việc thầy giáo vô tình làm lộ clip này và xử lý nghiêm những người liên quan để làm trong sạch ngành giáo dục.

Xử lý thế nào?

Luật sư Hà Thị Khuyên, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, đối với cá nhân, tổ chức vi phạm, căn cứ vào tính chất, mức độ và hậu quả của hành vi vi phạm mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt về vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Luật sư phân tích, người có hành vi đăng tải, truyền đưa clip nhạy cảm lên mạng xã hội là xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của người khác có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020 của Chính Phủ:

“Điều 101. Vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội - 1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:

b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Trường hợp hành vi được xác định đã tiết lộ bí mật đời tư của cá nhân, người phát tán clip có thể bị xử phạt tối đa 30 triệu đồng, theo quy định tại khoản 2 Điều này".

Ngoài ra, theo Điều 32 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về quyền của cá nhân đối với hình ảnh như sau: Quyền của cá nhân đối với hình ảnh, việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Theo đó, việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định tại Điều này thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Mức bồi thường thiệt hại do danh dự, nhân phẩm bị xâm phạm, tại Điều 592 Bộ luật Dân sự 2015.

Đặc biệt, hành vi đưa lên mạng và lan truyền clip, hình ảnh nhạy cảm chính là hành vi “phát tán văn hóa phẩm đồi trụy”, nên hành vi này có thể cấu thành tội “Truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” theo Điều 326 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cụ thể, người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có nội dung khiêu dâm, đồi trụy hoặc hành vi khác truyền bá vật phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Trong đó, dữ liệu được số hóa có dung lượng từ 01 gigabyte (GB) đến dưới 05 gigabyte (GB). Ảnh có số lượng từ 100 ảnh đến dưới 200 ảnh. Sách in, báo in hoặc vật phẩm khác có số lượng từ 50 đơn vị đến dưới 100 đơn vị. Phổ biến cho từ 10 người đến 20 người. Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi quy định tại Điều này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Người truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Tùy thuộc tính chất, mức độ hành vi này gây ra mà người đưa lên mạng, phát tán clip, hình ảnh nhạy cảm có thể bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

Luật sư khuyến cáo, thời gian gần đây hàng loạt vụ việc xảy về việc đăng tải, phát tán clip, hình ảnh nhạy cảm liên quan đến đời sống riêng tư của nhiều người, gây ảnh hưởng vô cùng xấu tới các cá nhân. Theo Luật sư, các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm những người quay clip, đưa lên mạng và lan truyền clip, hình ảnh nhạy cảm; mọi người khi lưu trữ những hình ảnh, clip nhạy cảm của bản thân cần hết sức thận trọng, ngoài ra cần bảo mật thông tin tài khoản, thông tin cá nhân, clip, hình ảnh liên quan đến bản thân nhằm tránh bị kẻ xấu lợi dụng chắp ghép, đăng tải, lan truyền trên không gian mạng. Cá nhân khi bị xâm phạm hình ảnh, clip liên quan đến đời tư cần tố giác hành vi này đến cơ quan chức năng để xem xét xử lý các đối tượng đăng tải, lan truyền.

Ngày 30/10, ông Nguyễn Mạnh Kiên, Phó ban Tuyên giáo Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết đã yêu cầu Công đoàn tỉnh Đồng Tháp báo cáo rõ vụ việc hai nam giáo viên trường THPT TP. Cao Lãnh lan truyền, làm lộ video các nữ công nhân nhà máy "03 tại chỗ" đi tắm.

Bên cạnh đó, Công đoàn Việt Nam cũng sẽ đề nghị Cơ quan chức năng tỉnh này làm rõ trách nhiệm những người liên quan để có hình thức xử lý phù hợp.

Theo ông Kiên, việc chia sẻ những hình ảnh riêng tư như trên đã xâm phạm quyền tự do cá nhân, ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm của các nữ công nhân liên quan. Sự việc còn gây dư luận không tốt trong bối cảnh phục hồi sản xuất sau dịch.

Đại diện Tổng liên đoàn cho rằng, giải thích gửi video nhằm "chia sẻ đời sống khó khăn của công nhân" mới là trình bày một phía từ vị hiệu phó, khi cơ quan chức năng vào cuộc sẽ làm rõ động cơ của những người này. "Có nhiều cách để chia sẻ đời sống khó khăn với công nhân, song lan truyền những hình ảnh riêng tư của nữ công nhân như trên thì rất khó thuyết phục", ông Kiên nói.

Phía Tổng liên đoàn cũng sẽ yêu cầu công đoàn cơ sở rà soát lại điều kiện ăn ở của công nhân, dặn dò người lao động cẩn trọng hơn trong sinh hoạt, để tránh sự việc tương tự xảy ra. Theo ông Kiên, khi thực hiện "03 tại chỗ", người lao động sản xuất - ăn - nghỉ tại chỗ trong nhà máy, hạn chế đi lại, tiếp xúc để tránh lây nhiễm Covid-19, các điều kiện sẽ không được tiện lợi như bình thường.

Trước đó, ngày 28/10, lãnh đạo Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết đã làm việc với nhà trường. Hai nam giáo viên nhận lỗi và nghiêm túc rút kinh nghiệm. Song Phó chủ tịch tỉnh Đồng Tháp - ông Đoàn Tấn Bửu không đồng tình với cách xử lý của nhà trường. Ông yêu cầu ngành giáo dục cùng Công an Đồng Tháp vào cuộc làm rõ vụ việc trên.

 VŨ MINH

Thu phí phương tiện cơ giới vào nội đô Hà Nội: Không thực tế và thiếu tính khả thi

Admin