/ Dọc đường tố tụng
/ Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản tại Thanh Miện, Hải Dương: Bị đơn kháng cáo và kêu cứu

Vụ tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản tại Thanh Miện, Hải Dương: Bị đơn kháng cáo và kêu cứu

26/10/2023 15:38 |

(LSVN) - Cho rằng Hội đồng xét xử (HĐXX) không đánh giá khách quan, toàn diện đối với các chứng cứ đã thu thập được có trong hồ sơ vụ án, dẫn đến quyết định của bản án hoàn toàn sai lệch, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của gia đình, bị đơn đã kháng cáo và có đơn kêu cứu gửi đến cơ quan chức năng và báo chí.

Bà Tuyết phản ánh việc HĐXX sơ thẩm TAND huyện Thanh Miện đã không đánh giá khách quan, toàn diện với hệ thống chứng cứ đã được thu thập có trong hồ sơ vụ án.

Tạp chí Luật sư Việt Nam mới đây đã nhận được đơn kêu cứu của bà Vũ Thị Tuyết (trú tại xã Lê Hồng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) với nội dung bà là bị đơn trong vụ án “Tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản” do Toà án nhân dân (TAND) huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương thụ lý giải quyết.

Theo bà Tuyết, ngày 26/9/2023, TAND huyện Thanh Miện đã xét xử sơ thẩm và ban hành Bản án số 22/2023/DS-ST gây bất lợi cho gia đình bà. Bởi lẽ, trong quá trình xét xử vụ án, HĐXX đã không đánh giá khách quan, toàn diện với hệ thống chứng cứ đã được thu thập được có trong hồ sơ vụ án, dẫn đến quyết định của bản án hoàn toàn sai lệch với bản chất khách quan, làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của bà và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan.

Nội dung vụ án được tóm tắt như sau: Ngày 16/12/2020, nguyên đơn là vợ chồng ông Nguyễn Văn Đồng và bà Nguyễn Thị Hằng (ngụ tại huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương) khởi kiện bà Nguyễn Thị Tuyết cùng các con ra TAND huyện Thanh Miện để đòi khoản nợ mua bán thức ăn chăn nuôi giữa ông Đồng và chồng bà Tuyết là ông Vũ Văn Truyền (hiện đã chết) là 1.629.331.000 đồng.

Căn cứ mà vợ chồng ông Đồng sử dụng đó là cuốn sổ ghi chép về số lượng hàng hóa thức ăn chăn nuôi thể hiện: Ngày 30/5/2017, là ngày khởi sổ với số tiền nợ cũ là 1.937.863.000 đồng; chốt sổ vào ngày 02/10/2018 với số tiền 1.629.331.000 đồng. Trong đó có một số ngày có chữ ký của bà Tuyết. Khi nhận được đoạn sổ cùng yêu cầu trả số tiền 1.629.331.000 đồng từ phía ông Đồng, bà Tuyết rất bất ngờ và không đồng ý trả khoản tiền này. 

Trong quá trình giải quyết vụ án, bà Tuyết đã đưa ra các chứng cứ để chứng minh việc mua bán cám chăn nuôi giữa vợ chồng bà Tuyết và vợ chồng ông Đồng đã được thanh toán đầy đủ với nhau, bởi hệ thống sổ sách ghi chép về số lượng hàng hóa và số tiền thực trả của gia đình bà vẫn còn đầy đủ, trùng khớp.

“Việc mua bán cám được chia làm hai giai đoạn: Giai đoạn 1: Từ ngày 23/8/2014 đến ngày 19/10/2015, giai đoạn này giữa chồng tôi và vợ chồng ông Đồng giao dịch và hai bên không lập sổ giao nhận tiền mặt. Giai đoạn 2: Từ ngày 19/10/2015 đến ngày 02/10/2018, trong giai đoạn này hai bên đã lập sổ giao nhận tiền mặt. Đối chiếu số tiền vợ chồng ông Đồng đã nhận và số lượng hàng hóa đã giao là hoàn toàn phù hợp với nhau. Bằng chứng trả tiền là cuốn sổ giao tiền, và chứng từ chuyển khoản. Và nếu đối chiếu với sổ giao hàng mà ông Đồng cung cấp, chúng tôi đã trả đủ, thậm chí trả dư”, bà Tuyết cho biết.

Còn đối với cuốn sổ giao nhận hàng của ông Đồng cung cấp cho tòa án thì chỉ thể hiện có liệt kê một số lần giao nhận hàng hóa và một số ghi nhận tiền đã trả chứ không phải là sổ ghi chép chi tiết về việc thanh toán tiền. Thậm chí, nhiều lần chuyển tiền của bà Tuyết dù được ông Đồng xác nhận là thanh toán tiền mua hàng, nhưng không hiểu sao lại không được HĐXX xem xét trong vụ án này mà lại “đẩy” sang vụ án khác?

“Khi đã có đủ sổ giao hàng, sổ giao tiền, chứng từ chuyển khoản, tôi yêu cầu tòa căn cứ vào các chứng cứ hai bên cung cấp cho đối chiếu sổ sách để giải quyết vụ án, nhưng HĐXX đã không thực hiện”, bà Tuyết bức xúc.

Luật sư Chu Thanh Nhân, Văn phòng Luật sư Chu Văn Chiến, Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương, là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà Tuyết cho biết. quá trình giải quyết vụ án, TAND huyện Thanh Miện xác định quan hệ tranh chấp trong vụ án là “tranh chấp hợp đồng mua bán tài sản”, vì vậy toàn bộ những khoản tiền thực hiện cho việc giao dịch mua bán hàng hóa phải được xem xét trong cùng một vụ án mà không được tách thành vụ án khác. Bên cạnh đó, bị đơn đã nhiều lần đề nghị tổ chức buổi đối chiếu sổ sách giữa hai bên để chốt sổ thanh toán về số lượng hàng hóa cũng như số tiền đã giao dịch thanh toán nhưng không được HĐXX giải quyết, dẫn đến việc đánh giá tài liệu, chứng cứ không được khách quan, toàn diện... 

HĐXX sơ thẩm TAND huyện Thanh Miện có dấu hiệu cố tình bỏ qua chứng cứ pháp lý rất quan trọng (sổ giao tiền, hồ sơ chuyển khoản) mà bà Tuyết đã cung cấp làm căn cứ chứng minh dẫn đến đánh giá sai bản chất của vụ án, áp dụng sai quy định của pháp luật theo Điều 108 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về đánh giá chứng cứ: “Việc đánh giá chứng cứ phải khách quan, toàn diện, đầy đủ và chính xác; Tòa án phải đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định tính hợp pháp, tính liên quan, giá trị chứng minh của từng chứng cứ”.

Trong vụ án này có một vấn đề quan trọng là căn cứ pháp lý về việc ngày 30/5/2017 là ngày khởi sổ với số tiền nợ cũ là 1.937.863.000 đồng từ đâu mà có? “Đây là chứng cứ quan trọng nhất có tính quyết định đến toàn bộ vụ án nên trong quá trình giải quyết vụ án chúng tôi đều yêu cầu nguyên đơn đưa ra căn cứ để chứng minh, nhưng nguyên đơn không chứng minh được. Đối với HĐXX khi quyết định (trong bản án sơ thẩm) cũng không đưa ra được bất cứ chứng cứ vật chất nào để xác định khoản tiền này xuất phát từ đâu”, Luật sư Chu Thanh Nhân cho biết thêm. 

SONG ANH

Nguyễn Mỹ Linh