Trụ sở Tòa án Tối cao Mỹ. (Ảnh: AFP).
Những nỗ lực của Đảng Dân chủ nhằm áp thuế tài sản liên bang đối với các tỷ phú Mỹ có thể “phá sản” do một vụ kiện sẽ được các thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ xét xử trong tuần này.
Thách thức về khoản thuế một lần của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đối với các khoản lợi nhuận ở nước ngoài đã bùng phát thành một cuộc chiến ủy nhiệm mà các chuyên gia cho rằng có thể gây ra hậu quả sâu sắc đối với các tập đoàn tạo doanh thu lớn trong tương lai, và thậm chí đặt ra câu hỏi về tính hợp pháp của các nội dung quan trọng của luật thuế hiện hành.
Nguyên đơn là vợ chồng Charles và Kathleen Moore, những người bị buộc phải trả gần 15.000 USD thuế hồi hương bắt buộc áp dụng với các khoản thu nhập chuyển từ nước ngoài về Mỹ, đã kiện chính phủ để đòi hoàn lại tiền.
Hai người này lập luận rằng chính sách trên là hành động vi hiến với phần lợi nhuận “chưa thực hiện được” từ khoản đầu tư của họ tại một doanh nghiệp nông nghiệp ở Ấn Độ hơn một thập kỷ trước.
Hai Tòa án cấp dưới đã ra phán quyết chống lại vợ chồng này, nhưng Tòa án Cấp cao đã đồng ý xét xử đơn kháng cáo của cặp đôi.
Don Susswein, người đứng đầu nhóm thuế đối tác tại văn phòng Washington của công ty kế toán RSM, cho biết vụ việc này là vụ tranh chấp thuế quan trọng nhất được đưa ra trước Tòa án Tối cao trong một, thậm chí là hai thế kỷ qua.
Kết quả phiên xét xử sẽ tác động tới khả năng thông qua hay bác bỏ những đề xuất về thuế đánh vào giá trị tài sản hay thuế tỷ phú đối với lãi chưa thực hiện của chính quyền Tổng thống Joe Biden.
Phòng Thương mại Mỹ, đại diện cho các doanh nghiệp lớn nhất nước Mỹ, cho biết nếu không thay đổi, các quyết định này sẽ dẫn đến “các loại thuế liên bang mới đánh vào tất cả các loại tài sản".
Chính quyền Biden, có quan điểm phản hồi vụ Moore, đã lập luận trong bản tóm tắt gửi Tòa án Tối cao rằng việc vô hiệu hóa thuế hồi hương bắt buộc “có thể khiến chính phủ phải trả khoảng 340 tỉ USD trong thập kỷ tới” và “có thể còn nhiều hơn thế” nếu tòa án cũng đặt ra câu hỏi về các loại thuế liên bang lâu đời khác.
Dave Kautter, Trợ lý Bộ trưởng về Chính sách Thuế tại Bộ Tài chính Mỹ dưới thời Tổng thống Trump và đã giúp soạn thảo dự luật này, cho biết quyết định trong vụ Moore có thể dẫn đến “toàn bộ các phần của luật thuế bị gián đoạn.”
Kautter, hiện là đối tác của RSM, cho biết khả năng Quốc hội đánh thuế các khoản lãi chưa thực hiện đối với danh mục đầu tư chứng khoán nằm trong số những khả năng có thể bị áp dụng.
Phán quyết cũng có thể gây rủi ro về thuế đối với các hình thức thu nhập chưa thực hiện khác, chẳng hạn như thu nhập kiếm được thông qua quan hệ đối tác hoặc các công ty con ở nước ngoài.
Trong bản tóm tắt, Chính quyền Biden tuyên bố Moores trên thực tế đang tìm cách áp đặt “giới hạn văn bản” đối với quyền đánh thuế của Quốc hội và vấn đề pháp lý trọng tâm của vụ việc không liên quan gì đến thuế tài sản tiềm năng.
Tổng thống Biden cho biết đề xuất thuế tỷ phú của ông, vốn sẽ buộc những người có tài sản ròng hơn 100 triệu USD phải trả 25% thuế đối với những thay đổi tài sản ròng, sẽ tạo ra doanh thu 440 tỉ USD trong thập kỷ tới.
Phiên bản đầu tiên của dự thảo luật này đã bị Thượng viện bỏ phiếu bác bỏ, nhưng dự luật này đã được các thành viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện giới thiệu lại vào tuần trước.
Trong khi đảng Cộng hòa vẫn kiên quyết phản đối thuế tài sản, một số nhân vật của Đảng Cộng hòa đã đứng ra ủng hộ quan điểm của chính phủ, bao gồm cả cựu Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan, một trong những người soạn thảo luật thuế hồi hương bắt buộc.
Trước đó, Tổng thống Biden đã kêu gọi nỗ lực công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế, trong đó nhấn mạnh giới siêu giàu cần trả phần thuế phù hợp hơn với thu nhập thực tế của mình.
Phát biểu tại sự kiện tranh cử, ông Biden nhấn mạnh tầng lớp lao động là lực lượng then chốt của nền kinh tế Mỹ, có ý nghĩa quan trọng giúp duy trì sự ổn định của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, ông đề xuất biện pháp cải cách thuế trong bối cảnh số lượng tỷ phú của Mỹ đã tăng lên khoảng 1.000 người. Tổng thống Biden cho rằng giới siêu giàu cần phải trả mức thuế tương đương trung bình 8% thu nhập của họ.
PV/TTXVN