/ Pháp luật - Đời sống
/ Vụ Việt Á: Các Luật sư đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ nhằm xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo

Vụ Việt Á: Các Luật sư đưa ra nhiều luận điểm, luận cứ nhằm xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo

09/01/2024 15:29 |

(LSVN) - Sáng ngày 09/01, phiên tòa xét xử 38 bị cáo trong vụ án Việt Á tiếp tục với phần tranh luận. Các Luật sư bào chữa đã tham gia tranh luận, phân tích nhiều luận điểm, luận cứ nhằm giảm nhẹ mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo.

Phát biểu quan điểm bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Thăng (cựu Bí Thư Tỉnh ủy Hải Dương), Luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) đề nghị Hội đồng xét xử (HĐXX) xem xét bối cảnh, hoàn cảnh thời điểm tỉnh Hải Dương chống dịch Covid-19.

Luật sư Cường cho rằng, từ việc giới thiệu của lãnh đạo Bộ Y tế thời điểm đó (bị cáo Nguyễn Thanh Long - cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) cùng các ý kiến tham mưu và hoàn cảnh dịch bệnh tại địa phương, bị cáo Thăng chỉ là người kết luận cuộc họp.

Luật sư cũng chỉ ra rằng, các cuộc họp, thông báo, chỉ đạo, bị cáo không có vụ lợi. Các kết luận đều phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan, cũng như nhận thức của bị cáo về năng lực của Công ty Việt Á.

Luật sư dẫn chứng, thời điểm dịch Covid-19, CDC Hải Dương chỉ có xét nghiệm được 800 trường hợp/ngày, trong khi đó Việt Á khẳng định xét nghiệm 60.000 - 80.000 trường hợp/ngày. Mặt khác về kinh phí cũng không thể khẩn trương được, do đó Hải Dương có vay kit test, sinh phẩm xét nghiệm của Việt Á. Ngoài ra, Việt Á thời điểm đó được tặng thưởng Huân chương, bằng khen thể hiện việc doanh nghiệp này có năng lực.

Luật sư còn dẫn chứng, quá trình chỉ đạo phòng chống dịch, trong 66 văn bản chỉ đạo có tới 62 văn bản đúng đắn, kịp thời... Do đó, Luật sư đề nghị HĐXX cân nhắc xem xét để thân chủ được giảm nhẹ hình phạt.

Một nữ Luật sư cũng bào chữa cho bị cáo Phạm Xuân Thăng cho biết có hơn 100 giáo viên, cựu học sinh ở địa phương có đơn xin giảm nhẹ cho thân chủ; cùng với hàng chục bằng khen, giấy khen... để đề nghị tòa xem xét giảm nhẹ.

Trước đó, trong phần luận tội và đề nghị mức án, bị cáo Phạm Xuân Thăng bị VKSND TP. Hà Nội đề nghị mức án từ 5-6 năm tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Luật sư của bị cáo Phạm Mạnh Cường, cựu Giám đốc Sở Y tế Hải Dương - cũng nhấn mạnh về khó khăn khách quan dẫn đến phạm tội của bị cáo Cường cũng như nhiều bị cáo trong vụ án. Luật sư cũng đưa ra việc có hàng trăm người ở Sở Y tế có đơn xin giảm nhẹ cho Phạm Mạnh Cường, từ đó đề nghị Hội đồng xét xử xem xét cho bị cáo mức án thấp hơn đề nghị của VKS.

Bên cạnh đó, các Luật sư cũng tập trung phân tích xoay quanh bối cảnh phạm tội và nhận thức của nhiều bị cáo cho rằng việc nhận tiền được coi là hành động cảm ơn của Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) sau khi kinh doanh có hiệu quả.

Trình bày tại Tòa, Luật sư bào chữa của bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hải Dương) đã nhất trí với quan điểm của đại diện Viện Kiểm sát truy tố bị cáo Tuyến về tội “Nhận hối lộ” và đồng tình với bản luận tội của đại diện Viện Kiểm sát khi cho rằng bị cáo Tuyến đã khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, trong giây phút không làm chủ được bản thân, trước sự cám dỗ của đồng tiền đã khiến bị cáo Tuyến bị sa ngã…

Tuy nhiên, Luật sư cũng đề nghị HĐXX cân nhắc bối cảnh phạm tội của các bị cáo trong giai đoạn dịch bệnh nguy cấp để xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo Tuyến.

Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Văn Tú, bào chữa cho bị cáo Nguyễn Huỳnh (cựu Phó Trưởng phòng Quản lý giá thuốc, Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế) cũng đề nghị Hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh phạm tội của bị cáo Nguyễn Huỳnh xảy ra khi dịch bệnh đang cao điểm, có những thủ tục, công việc triển khai chưa từng có tiền lệ. Bản thân bị cáo Huỳnh khi nhận tiền từ Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Việt Á) đều cho rằng đây là tiền cảm ơn của Việt sau khi bán test xét nghiệm có hiệu quả, mà trước đó không ép buộc hay có thỏa thuận Việt phải đưa tiền cho bị cáo Huỳnh. Luật sư mong muốn Hội đồng Xét xử xem xét cho bị cáo Nguyễn Huỳnh được giảm nhẹ một phần hình phạt.

Bào chữa cho bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên (nhân viên CDC Bình Dương), Luật sư cho rằng bị cáo Xuyên chỉ là nhân viên xét nghiệm, lúc nhận quà của Công ty Việt Á, bị cáo không biết trong đó có tiền. Sau khi biết trong gói quà có tiền, bị cáo Xuyên đã tìm lại cách để trả lại nhưng chưa kịp trả lại thì xảy ra vụ án này. Bị cáo Xuyên mong Hội đồng Xét xử cân nhắc yếu tố vụ lợi cho bị cáo, bị cáo không cố tình đòi hỏi được nhận tiền để thực hiện hành vi giúp Công ty Việt Á bán test xét nghiệm tại CDC Bình Dương thuận lợi

Theo Luật sư bào chữa cho bị cáo Lâm Văn Tuấn (cựu Giám đốc CDC Bắc Giang), thời điểm bị cáo Tuấn thực hiện hành vi phạm tội vào đúng lúc dịch cao điểm nguy cấp nên mọi việc khi đó chỉ mong muốn đưa được test xét nghiệm ra để nhanh chóng phát hiện ra các ca mắc Covid-19, giúp khoanh vùng, dập dịch, nên vậy phải áp dụng cơ chế đặc thù mượn test xét nghiệm trước, tiến hành các thủ tục sau… Do vậy, Luật sư đề nghị Hội đồng Xét xử có cách nhìn khoan hồng hơn, nhân văn hơn với các cán bộ CDC trong vụ án này nói chung, với thân chủ của ông nói riêng.

Cáo trạng của Viện Kiểm sát xác định, bị cáo Lâm Văn Tuấn đã thông đồng với Phan Huy (Giám đốc Công ty Dược vật tư y tế Phan Anh - Bắc Giang), Phan Quốc Việt về việc CDC Bắc Giang ứng test xét nghiệm thông qua Công ty Phan Anh để sử dụng trước, hợp thức thủ tục đấu thầu để thanh toán sau. Để hợp thức hồ sơ, Tuấn chỉ đạo nhân viên dưới quyền phối hợp, thông đồng với Công ty Việt Á, các Công ty thẩm định giá để lấy tài liệu, báo giá, ban hành Chứng thư thẩm định giá; ký các tờ trình, dự toán, thủ tục đấu thầu giúp Công ty Phan Anh trúng thầu và được thanh toán theo giá do Công ty Phan Anh đưa ra trái quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước gần 100 tỷ đồng. Tuấn còn được hưởng lợi 5 tỷ đồng do Phan Thị Khánh Vân đưa nhưng khi biết Công ty Việt Á bị điều tra, Tuấn đã chủ động trả lại 2 sổ tiết kiệm với số tiền 5 tỉ đồng.

HUY NGUYỄN (t/h)

Vụ Việt Á: Luật sư đề nghị xem xét bối cảnh phạm tội của bị cáo

Bùi Thị Thanh Loan