Nội dung vụ việc
Theo đơn khởi kiện của bà Trần Thị Liễu (hay còn gọi là Trần Ngọc Ánh) gửi đến TAND TP. Hà Nội, bà khởi kiện hành vi ban hành Công văn số 1217/SVHTT-QLDSVH ngày 03/4/2025 của Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội do Chánh Văn phòng Đào Vương Long ký thừa lệnh Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội về việc trả lời đơn khiếu nại và đề nghị về công tác xét tặng “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.
Trong đơn, bà Liễu cho biết, thực hiện Kế hoạch số 681/KH-SVHTT ngày 19/9/2024 của Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội về việc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Tư trên địa thành phố, bà Liễu đã nộp hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” lĩnh vực “Tập quán xã hội và tín ngưỡng - di sản thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu” nhưng không được Hội đồng xét tặng thông qua.
Ngày 27/02/2025, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành Công văn số 587/SVHTT-QLDSVH về việc thông báo kết quả xét chọn của Hội đồng TP. Hà Nội đối với cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Tư. Cho rằng Công văn số 587/SVHTT-QLDSVH thiếu căn cứ và chưa làm sáng tỏ nhiều nội dung thực tế khách quan, làm ảnh hướng đến quyền lợi của mình nên bà Liễu đã ba lần gửi “Đơn khiếu nại và đề nghị về việc xét lại Hồ sơ đề nghị phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân lần thứ Tư trên địa bàn thành phố Hà Nội” đến Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội đề các ngày 28/02/2025; ngày 04/3/2025; ngày 11/3/2025.
Tại các đơn khiếu nại này, bà Liễu đề nghị Hội đồng xem xét lại thành tích, những đóng góp của bà đối với di sản là xứng đáng được đề nghị các cấp xem xét phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” và cho biết hồ sơ của bà thiếu những tiêu chuẩn nào về chuyên ngành để được xét tặng. Đồng thời, bà đề nghị Chủ tịch UBND TP. Hà Nội xem xét lại thành phần ủy viên Hội đồng với thành viên “thừa bên Di sản tới 2 người” mà lại “thiếu thành phần bên Ban Tôn giáo và Văn học nghệ thuật”.
Quá trình giải quyết khiếu nại
Sau ba lần gửi đơn khiếu nại, bà nhận được cuộc gọi từ cán bộ Văn phòng Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội thông báo có Giấy mời số 37/GM/SVHTT ngày 14/3/2025 mời bà Liễu tới gặp gỡ, trao đổi, làm rõ những nội dung nêu trong đơn tại Sở Văn hóa và Thể thao.
Ngày 17/3/2025, bà có mặt tại Sở Văn hóa và Thể thao. Bà Liễu cho biết, bà được mời vào làm việc đúng 15 phút và nội dung chủ yếu là giải thích pháp luật liên quan đến Nghị định số 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 về việc Quy định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể chứ hoàn toàn không phải giải quyết nội dung trong 03 đơn khiếu nại của bà.
Sau đó, bà Liễu nhận được Công văn số 1217/SVHTT-QLDSVH ngày 03/4/2025 của Sở Văn hóa và Thể thao về việc trả lời đơn khiếu nại và đề nghị về công tác xét tặng “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.

Công văn số 1217/SVHTT-QLDSVH ngày 03/4/2025 của Sở Văn hóa và Thể thao về việc trả lời đơn khiếu nại và đề nghị về công tác xét tặng “Nghệ nhân Nhân dân”, “Nghệ nhân Ưu tú” trong lĩnh vực Di sản văn hóa phi vật thể.
Theo đó, tại Công văn số 1217/SVHTT-QLDSVH, trả lời bà Liễu, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội cho biết, ngày 24/3/2025, Hội đồng đã tổ chức phiên họp, xem xét các đơn của bà Trần Thị Liễu và có ý kiến như sau:
Thứ nhất, đối với ý kiến đề nghị Hội đồng xem xét lại thành tích, những đóng góp của bà trong việc thực hành di sản tín ngưỡng Thờ Mẫu.
Hồ sơ của bà Trần Thị Liễu được đề cử để xét danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, loại hình Tập quán xã hội và Tín ngưỡng, cụ thể là di sản “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt”. Tuy nhiên, trong hồ sơ, nội dung cụ thể tập trung kê khai thành tích tìm mộ và những yếu tố tâm linh khác. Lĩnh vực này không thuộc loại hình “tập quán xã hội và tín ngưỡng” và di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu. Vì vậy, hồ sơ không đủ cơ sở để hội đồng đánh giá những đóng góp của cá nhân trong quá trình xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.
Đối với việc kê khai tri thức, kỹ năng và đóng góp của bà trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, hồ sơ cũng chưa nêu được rõ nét, đặc biệt là việc tham gia phát huy giá trị di sản trên địa bàn TP. Hà Nội. Bà Trần Thị Liễu không phải là hội viên Câu lạc bộ tín ngưỡng thờ Mẫu thuộc Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội nên không tham gia các hoạt động chung của Hội về thực hành di sản trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Kết quả bỏ phiếu cho hồ sơ của bà Trần Thị Liễu không đạt đủ số phiếu đồng ý của tổng số thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp - không đủ tỉ lệ theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Nghị định số 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 của Chính phủ.
Thứ hai, đối với phản ánh của bà về trường hợp hội đồng xét duyệt cho 01 nghệ nhân từng có tiền án nhưng không nêu tên cụ thể trường hợp nào.
Đến thời điểm hiện tại, căn cứ việc lấy ý kiến cộng đồng dân cư (có sự tham dự của các cấp chính quyền địa phương), Hội đồng TP. Hà Nội chưa nhận được thông tin về việc vi phạm pháp luật của các cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng.
Thứ ba, đối với ý kiến đề nghị xem xét lại thành phần của Hội đồng.
Công văn nêu rõ, căn cứ quy định tại điểm c, khoản 2 Điều 10 Nghị định số 93/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì: “Thành viên Hội đồng: Đại diện Lãnh đạo Sở Nội vụ, Hội (Chi hội) Di sản văn hóa địa phương; đại diện cấp phòng phụ trách về lĩnh vực di sản văn hóa thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao; các chuyên gia có uy tín, am hiểu chuyên sâu về di sản văn hóa phi vật thể địa phương; Nghệ nhân nhân dân hoặc Nghệ nhân ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể địa phương (nếu có)”.
Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 206/QĐ-UBND ngày 13/01/2025 và Quyết định số 1663/QĐ-UBND ngày 21/3/2025 của Chủ tịch UBND Thành phố đúng thành phần đã được quy định. Các thành viên tham gia Hội đồng đều đáp ứng điều khiển cần và đủ, là những chuyên gia có uy tín, có chuyên môn sâu về di sản văn hóa vật thể, đặc biệt được sự tín nhiệm cao và đảm bảo các quy định tại Nghị định 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 của Chính phủ.
Không đồng ý với Công văn số 1217/SVHTT-QLDSVH ngày 03/4/2025 của Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội, bà Trần Thị Liễu đã có đơn khởi kiện gửi đến TAND TP. Hà Nội.

Cần làm rõ một số vi phạm về hình thức và nội dung trog việc giải quyết khiếu nại
Dưới góc độ pháp lý, Luật sư Bùi Thị Kim Liên (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho rằng: Công văn số 1217/SVHTT-QLDSVH ngày 03/4/2025 của Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội không chỉ vi phạm quy định về hình thức mà về nội dung cũng có nhiều điểm trái với Nghị định 93/2023/NĐ-CP ngày 25/12/2023 của Chính phủ. Do đó, cơ quan có thẩm quyền cần làm rõ một số vấn đề pháp lý liên quan đến việc trả lời đơn khiếu nại của công dân.
Cụ thể, về hình thức, khoản 3 Điều 6 Luật Khiếu nại 2011 quy định một trong các hành vi bị nghiêm cấm là: “Ra quyết định giải quyết khiếu nại không bằng hình thức quyết định”.
Bà Liễu gửi đơn với nội dung khiếu nại và ngay bản thân Sở Văn hoá và Thể thao cũng đã xác nhận “trả lời các nội dung khiếu nại” của bà. Tuy nhiên, Sở Văn hoá và Thể thao đã không tuân thủ trình tự quy định về việc giải quyết đơn thư khiếu nại theo Luật Khiếu nại năm 2011, như: Ban hành văn bản Thông báo quyết định thụ lý; thụ lý đơn thư bằng việc xác minh nội dung khiếu nại, ban hành Quyết định kết quả giải quyết khiếu nại,…
Việc Sở Văn hóa và Thể thao trả lời các đơn khiếu nại và đề nghị của bà Liễu bằng hình thức công văn là vi phạm pháp luật khiếu nại, vi phạm các hành vi bị nghiêm trọng điều cấm của Luật Khiếu nại năm 2011.
Về nội dung, căn cứ khoản 3 Điều 7 Nghị định số 93/2023/NĐ-CP về tiêu chuẩn xét danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể quy định: “có sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật, góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội của đất nước”.
Bà Liễu cho biết, hai sản phẩm tinh thần của bà đều là những đề tài khoa học được thực hiện thông qua sự hiện diện của Đức Hoàng Mười – ngài là một vị Thánh trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu của Việt Nam. Đề tài thứ nhất “Tìm kiếm di hài cốt cố Tổng Bí thư Hà Huy Tập” đã được Trung Ương Đảng nghiệm thu trên cơ sở tiếp nhận di hài cốt cố Tổng Bí thư. Đề tài thứ hai tìm mộ Thượng tướng Quân Hà Mại nằm trong đề tài khoa học “Tìm hiểu khả năng đặc biệt của Thanh đồng trong hệ thống Đạo Mẫu Việt Nam”, sau này, khu mộ tướng Quân Hà Mại đã được cấp bằng di tích Lịch sử Văn hóa.
Cả hai đề tài khoa học nói trên đều nhận được quan tâm rộng rãi của cơ quan thông tấn báo chí, phát thanh truyền hình. Hơn thế nữa, giá trị tinh thần này còn được tiếp nối và lan tỏa khi Nhà văn - Nhà nghiên cứu Văn hóa Đạo Thánh Mẫu Chí Kiên tiếp thu tri thức và kỹ năng từ tôi để tạo nên tác phẩm “Đồng Quan”. Điều này chứng tỏ sự lan tỏa rộng rãi và mạnh mẽ của việc bà Liễu đưa tín ngưỡng thờ Mẫu vào trong đời sống cộng đồng phục vụ Nhân dân, “góp phần bảo vệ và làm giàu các giá trị của di sản văn hóa phi vật thể” đúng với tinh thần của Nghị định số 93/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, tại Công văn số 1217/SVHTT-QLDSVH, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội lại cho rằng: Hồ sơ của bà không đủ cơ sở để Hội đồng đánh giá do trong hồ sơ, nội dung cụ thể tập trung kê khai thành tích tìm mộ và những yếu tố tâm linh khác. Lĩnh vực này không thuộc loại hình “tập quán xã hội và tín ngưỡng” và di sản thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu.
Bên cạnh đó, Điều 7 Nghị định 93/2023/NĐ-CP về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân Nhân dân” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể cũng như các văn bản hướng dẫn không quy định về điều kiện phải “là thành viên CLB tín ngưỡng thờ Mẫu”. Nhưng, tại Công văn số 1217/SVHTT-QLDSVH, Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hà Nội lại trả lời bà rằng: “Đối với việc kê khai tri thức, kỹ năng và đóng góp của bà trong thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu, hồ sơ cũng chưa nêu được rõ nét, đặc biệt là việc tham gia phát huy giá trị di sản trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bà Trần Thị Liễu không phải là hội viên Câu lạc bộ tín ngưỡng thờ Mẫu thuộc Hội Di sản văn hóa Thăng Long Hà Nội nên không tham gia các hoạt động chung của Hội về thực hành di sản trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Ngoài ra, bà Liễu cho biết, vào ngày 17/3/2025, bà chỉ được Sở văn hóa và Thể thao mời lên làm việc đúng 15 phút và thành phần tham dự không có Thanh tra Sở. Tuy nhiên, Công văn số 1217/SVHTT-QLDSVH lại nêu” “Sở Văn hóa và Thể thao đã mời bà Trần Thị Liễu tới gặp gỡ, trao đổi, làm rõ những nội dung nêu trong đơn tại Sở Văn hóa và Thể thao vào ngày 17/3/2025 và ghi nhận bằng biên bản (có đại diện phòng Quản lý Di sản văn hóa, thanh tra Sở, đại diện Ban Thi đua - Khen thưởng Thành phố và cả nhân có đơn đề nghị)”. Bà Liễu cho rằng đây là hành vi sai sự thật, làm sai lệch hồ sơ.
Hy vọng rằng, cơ quan có thẩm quyền sớm xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng pháp luật vụ việc xét duyệt danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú – Nghệ sĩ nhân dân” này để chấm dứt tình trạng khiếu nại, kiến nghị kéo dài và bảo về quyền, lợi ích hợp pháp của người dân.