LSVNO - Lâu nay dân gian đồn đại rằng, để ngăn ngừa những nguy cơ có thể gây ảnh hưởng đến quyền vị đế vương của triều Nguyễn, vua Minh Mạng trong thời gian ở ngôi đã đặt ra lệ “Tứ bất” hay còn gọi là “Tứ bất lập”. Tuy nhiên trong thực tế, lệ này hoàn toàn không tồn tại.
Theo một số sách vở thì lệ “Tứ bất” hay “Tứ bất lập” hoặc còn gọi là “Tứ bất khả”, đó là: bất phong hoàng hậu, bất thiết tể tướng, bất lập thái tử (bất lập vương tước) và bất cử trạng nguyên. Nghĩa là không lập hoàng hậu khi vua đương tại vị, không phong chức tể tướng, không ban tước vương cho người trong hoàng tộc đang còn sống và thi cử không lấy đỗ trạng nguyên…
Đó là quan điểm, suy luận của một số nhà nghiên cứu, biên soạn sách vở về triều Nguyễn, còn nếu nói “Tứ bất” có thật thì hiển nhiên nó phải được ghi chép rõ ràng trong sách sử triều Nguyễn. Tuy nhiên trong các công trình khảo cứu, điển chế, sử học do Quốc sử quán triều Nguyễn cũng như các tài liệu được viết dưới vương triều này, hoàn toàn không có dòng nào nhắc đến cái gọi là lệ “Tứ bất”.
Việc cho rằng triều Nguyễn có lệ “Tứ bất” đã là suy đoán hồ đồ, nói vua Minh Mạng là người đặt ra lệ “Tứ bất” thì càng hồ đồ hơn bởi nhiều tài liệu thậm chí còn cho thấy những điều hoàn toàn ngược lại, đó là việc vua Minh Mạng có ý định lập hoàng hậu, lập thái tử, định lệ phong tước vương…
Sự thực về “bất phong hoàng hậu”
Về việc chọn người đứng đầu nội cung, thực tế vua Minh Mạng từng có ý lập ngôi vị hoàng hậu, nhưng vì một số nguyên do khác nhau mà dự định đó không được thực hiện. Chuyện kể rằng trong số các phi tần được vua Minh Mạng sủng ái, bà Hiền phi Ngô Thị Chính được vua yêu mến hơn cả. Hiền phi Ngô Thị Chính là người dung mạo xinh đẹp, đoan trang, thông minh, ăn nói dịu dàng, đức tốt có đủ, từ khi vào cung, hầu như độc chiếm được tình cảm của vua, sự sủng ái đó thể hiện qua việc bà là một trong hai người sinh được nhiều con cho Minh Mạng nhất, gồm năm hoàng tử là Miên, Miên Hoằng, Miên Áo, Miên Quần, Miên Uyển và bốn công chúa là Ngọc Tôn, An Phù, Lộc Thành và Đoan Thục.
Vì sủng ái, vua dự định lập bà làm Đệ nhất giai phi, lại bí mật cho đúc ấn Hoàng hậu để chờ khi thuận lợi sẽ tấn phong bà lên làm Hoàng hậu, lại dự định phong người con trai do bà Chính sinh ra là Miên Hoằng làm Hoàng Thái tử. Tuy nhiên sự việc vẫn lọt ra ngoài, lan đến cung Từ Thọ nơi ở của bà Thái hậu Thuận Thiên, bà gọi vua đến quở trách và ban dụ rằng: “Ta nghe xưa nay, lập tự phải chọn con cả, nay Hoàng đế bỏ trưởng lập thứ, sau này anh em tranh đoạt lẫn nhau thì làm thế nào?” Vì giữ chữ hiếu với mẹ nên Minh Mạng bỏ ý định trước, truyền lệnh nấu chảy hết các ấn triện mới đúc, sau đó sắc lập hoàng tử Miên Tông làm Thái tử theo ý mẹ mình. Cũng vì chuyện này mà Minh Mạng không lập hoàng hậu nữa, ông bỏ trống ngôi vị ấy trong cung, điều này trở thành một việc không bình thường, vì thế người đời sau lầm tưởng đó là lệ do vua đặt ra.
Trang phục Hậu phi triều Nguyễn. (Tranh minh họa - Nguồn: quehuongonline.vn)
Sách Quốc sử di biên thì cho biết một lý do vua Minh Mạng chưa lập hoàng hậu, cụ thể như sau: “Chính cung húy là Kiều, con gái Doanh tượng quan chưa có con. Đệ nhị cung tên húy là Hinh, con gái Lê Tông Chất, sinh 03 con trai… Lúc vua ra Bắc, lấy người con gái xã Hương Canh, sinh 02 con trai, thiếu phi sinh 01 con trai. Có lần vua hơi se mình, chính cung cùng đệ nhị cung cùng đi cầu đảo ở chùa Thiên Mạc (Thiên Mụ). Nhị cung nói rằng: “Nếu phải tội với trời thì không cầu đảo vào đâu được!” Đến lúc vua khỏi, chính cung đem câu nói ấy tâu với vua. Vua giận lắm, cho nên ngôi hoàng hậu vẫn để trống, bàn mãi không quyết định được”.
Còn theo sách Minh Mạng chính yếu, vào năm Bính Thân (1836), sau khi định thứ bậc các phi tần trong cung, “vua xuống dụ cho Nội các rằng: “Vương đạo tất phải chỉnh đốn từ trong nhà trước, xét lễ nhà Chu từ phi tần trở xuống đều có quy tắc, mỗi người giữ một việc cả. Lại có Nữ quan dùng bút ghi chép lời nói, việc làm, dạy người ở trong cung để làm thành chính sự trong nhà.
Nay, vị Chủ quỹ trong cung chưa có, còn đợi người có hiền đức, giữ quyền chính và lễ phép trong cung vậy cũng nên phân biệt khác nhau để có thứ tự, vì trước nay mới có danh hiệu, mà thứ bậc chưa được rõ ràng”.
Như vậy không phải Minh Mạng đặt lệ “bất phong hoàng hậu” mà do ông chưa tìm được người để giữ ngôi vị đứng đầu hậu cung chứ trong điển chế cung đình của vương triều Nguyễn có hẳn phần ghi về nghi thức phong lập hoàng hậu, như sách Đại Nam điển lệ toát yếu có một khoản định các nghi thức “tuyên sách văn lập hoàng hậu”.
Sự thực về “bất lập thái tử”
Có quan điểm cho rằng từ đời vua Minh Mạng trở về sau (trừ đời Khải Định), các vua đều không lập thái tử bởi hai nguyên nhân khách quan, đó là:
- Thứ nhất là học theo nhà Thanh: Cẩn trọng trong lập ngôi vị thái tử để tránh việc tranh đoạt giữa các hoàng tử, nên các vua nhà Thanh thường ghi tên hoàng tử mà họ chọn để kế vị vào di chiếu, đặt trong hộp vàng cất sau tấm biển “Chính đại quang minh”, sau khi vị vua băng hà, quần thần lấy di chiếu xuống xem hoàng tử nào được vua lập làm người kế vị sẽ đưa vị hoàng tử đó lên ngôi. Có lẽ các vua nhà Nguyễn cũng chịu sự ảnh hưởng này nên cũng không lập thái tử để bảo vệ an toàn cho vị vua tương lai.
- Thứ hai, do bị người Pháp khống chế: Triều Nguyễn chỉ thật sự nắm quyền điều hành đất nước trong bốn đời vua đầu tiên. Sau khi Tự Đức băng hà, tình hình rối ren, các vua nhà Nguyễn sau này hoặc lên ngôi khi còn quá nhỏ hoặc thời gian ở ngôi rất ngắn và đều phải được sự đồng ý của người Pháp mới được lên ngôi, đến ngôi vua còn không có quyền tự quyết thì đương nhiên làm sao có thể lập ngôi thái tử?
Vì vậy, việc “bất lập thái tử” là do các nguyên nhân khách quan nói trên nên nhà Nguyễn không có thái tử chứ không phải “bất lập thái tử”.
Trên đây là quan điểm mang tính cá nhân, còn theo sử sách nhà Nguyễn, vua Minh Mạng có ý định lập thái tử, có điều vua chưa lập vì chưa thấy thời điểm thích hợp.
Theo sách Minh Mạng chính yếu, vào năm Nhâm Ngọ (1822), vua bảo quan Hiệp biện đại học sĩ là Trịnh Hoài Đức rằng: “Ngày xưa đức Hoàng khảo ta đã sách phong cho trẫm làm Hoàng Thái tử, mới phong tước công cho các con. Trẫm xem trong Thanh điển thời mọi con còn nhỏ đều đã phong vương. Nay trẫm muốn phong tước công cho các con, đợi khi trưởng thành, xét có người hiền đức sẽ sách lập sau”.
Sang năm sau, tức năm Quý Mùi (1823), khi nói về việc dạy học cho các hoàng tử, vua ban dụ cho các quan rằng: “Trẫm khi còn nhỏ tuổi, nhờ đức Hoàng khảo đã nhiều lần huấn cáo, nên mới có ngày nay, nghĩ nhớ công ơn dạy bảo cùng đức cố phục ân sâu nên bên tai trẫm còn văng vẳng những lời truyền thụ khi trước vậy. Vả lại nghĩ đến tôn xã là trọng khí, chẳng dám khinh tuyển, các hoàng tử còn tuổi đồng ấu, cho nên ngôi Đông cung chưa dựng.
Năm nay các hoàng tử đã dần lớn lên được 04 người, các khanh nên lựa chọn các quan trong hoặc ngoài, người nào vốn có học hạnh và giữ lòng công chính, có thể chọn làm thầy, bạn thay trẫm mà hướng dẫn, đôn đốc, khiến cho các hoàng tử biết gìn giữ hiếu hữu và dùi mài kinh sử, để tu tiến kịp thời, chờ ngày lựa chọn ngôi Thừa diêu chủ sưởng, thời nghiệp lớn của nước nhà mới được hưng thịnh và lâu dài vậy!”
Sự thực về “bất lập vương tước”
Có tài liệu khi viết về “lệ Tứ bất” có đôi chỗ khác nhau, sách thì viết là bất lập thái tử, sách khác thì thay “bất lập thái tử” bằng “bất lập vương tước”. Chính vì vậy nhân đây xin được đề cập luôn đến chuyện “bất lập vương tước”.
Sử sách, giai thoại có ghi nhiều đến các hoàng thân nhà Nguyễn mang tước vương như Tuy Lý Vương, Tùng Thiện vương, Kiên Thái Vương…, điều đó chứng tỏ không hề có lệ “bất lập vương tước”. Vua Minh Mạng cũng không đặt ra lệ này, ngược lại vào năm Canh Tý (1840), vua “sơ định điều lệ tôn tước phẩm trật” với việc “chuẩn định tôn tước thứ tự”, theo đó có: “thân vương, quận vương, thân công, quốc công, quận công, huyện công, hương công, huyện hầu, hương hầu, kỳ nội hầu, kỳ ngoại hầu, đình hầu, trợ quốc khanh, tá quốc khanh, phụng quốc khanh, trợ quốc úy, tá quốc úy, phụng quốc úy, trợ quốc lang, tá quốc lang, phụng quốc lang, gồm 21 bậc, cũng nên lựa chọn những người có tài đức, văn học chứ không chỉ lấy những người thân quý, đó là trong ý nghĩa thân thân mà ngụ cả ý khuyên răn vậy. Những con em và tất cả mọi người trong tôn thất đều nên tuân theo lời khuyên dạy, hàng ngày gắng sức tiến tu, để được lâu dài, đợi ơn sủng ái và vĩnh viễn thừa hưởng ơn lộc quốc gia vậy” (Minh Mạng chính yếu).
Sự thực về “bất thiết tể tướng”
Tể tướng, nói một cách ngắn gọn là một chức vụ đứng đầu bá quan văn võ trong triều, có quyền lớn chỉ “dưới một người, trên vạn người”, tuy nhiên, theo chế độ quan chế của từng triều đại, từng thời kỳ mà có khi có tể tướng, có lúc vị trí này bị bãi bỏ. Ở Việt Nam, chức tể tướng có thời kỳ được gọi là tướng quốc hoặc thừa tướng nhưng không phải đến vua Minh Mạng mới bãi bỏ chức này, mà trước đó hàng trăm năm, vua Lê Thánh Tông đã không đặt chức tể tướng nữa.
Trong hệ thống quan chế triều Nguyễn không có chức tể tướng bởi quan điểm trong xây dựng bộ máy triều đình, chức này không bắt buộc phải có bởi quyền lực đã được phân bổ trao cho cả tập thể đại thần thân tín, gồm Hội đồng Nội các và Viện Cơ mật chứ không để nằm trong tay một người. Và cũng không thể vì thế mà cho rằng triều Nguyễn đặt ra lệ “bất thiết tể tướng”.
Sự thực về “bất cử trạng nguyên”
Trong sách Đại Nam thực lục chính biên có đoạn ghi chép lời dụ của vua Thiệu Trị khi nhắc đến việc lựa chọn người đỗ đạt trong kỳ thi Đình như sau: “Văn lý mà làm vẹn cả mười phần, thật không phải dễ. Đức Hoàng khảo ta (tức vua Minh Mạng) mở giáp khoa, ý để cầu người có học, nhưng về nhất giáp (trạng nguyên) vẫn còn để trống. Đó cũng là để đợi người có tài cao, lạ, chứ không phải câu nệ về mực thước đâu”.
Khoa cử nhà Nguyễn cũng áp dụng theo mô hình khoa cử thời Hậu Lê, người đỗ thi Hương (đậu cử nhân), sau đó được tham gia kỳ thi Hội, đỗ trong kỳ thi này (gọi là trúng cách) sẽ được học vị tiến sĩ. Vào thi Đình (còn gọi là thi Điện) tùy theo mức điểm mà được xếp hạng tiến sĩ theo ba bậc: đệ nhất giáp, đệ nhị giáp, đệ tam giáp. Trong đó ở đệ nhất giáp có đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhất danh (trạng nguyên); đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ nhị danh (bảng nhãn); đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ, đệ tam danh (thám hoa). Đệ nhị giáp có đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân, đệ nhất danh (hoàng giáp), còn những người đỗ được xếp ở đệ tam giáp thì được gọi là đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân.
Như vậy, trạng nguyên không chỉ là học vị đứng đầu đệ nhất giáp mà còn đứng đầu trong tam giáp tiến sĩ. Triều Nguyễn không có trạng nguyên không phải là lệ “bất cử trạng nguyên” mà vì các quy định chặt chẽ trong việc chấm điểm để đủ phân hạng cho đỗ trạng nguyên.
Sử sách triều Nguyễn cho biết vào năm Kỷ Sửu (1829), vua Minh Mạng sai định lại phép thi Đình, sau khi nghe Bộ Lễ dâng trình, vua đã phê chuẩn: “Khoa trước (tức khoa 1822 và 1826) duyệt quyển, chia làm (các hạng) ưu, bình, thứ, xin theo như phép thi Hội mới định, đổi làm phân số, duy văn đình đối sự lý quan trọng hơn, nên cho phân số nghiệt hơn một bực (như văn lý thi Hội được hai phân (điểm) thì điện thí cho một phân). Nên quy định lại: phàm văn lý được mười phân thì xin cho đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhất danh (trạng nguyên); chín phân thi đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ nhị danh (bảng nhãn); tám phân thì đỗ đệ nhất giáp tiến sĩ cập đệ đệ tam danh (thám hoa); bảy phân, sáu phân thì lấy đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân (hoàng giáp); năm phân trở xuống thì đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân (tiến sĩ)”.
Sách Minh Mạng chính yếu chép rằng khoa thi Hội năm Mậu Tuất (1838), vua trực tiếp ngự giá xem các thí sinh làm bài, lúc đó “gặp ngày trời mưa rét, quan trường ra nghênh đón, vua sai cho uống rượu và chia cấp cơm rượu cùng là chiếu, hỏa lò cho thí sinh ứng thí”, vua còn ban cho một bài thơ để động viên, khuyến khích như sau:
Tuyết trung tống thán kim triêu hữu,
Thổ tận anh ba tác trạng nguyên.
Tòng bách tuế hàn phương thức hảo,
Các tu miễn lệ đáp quân ân.
Nghĩa là:
Hôm nay tuyết lạnh đã cho than,
Dốc hết tài ba lấy trạng nguyên.
Năm rét mới hay tùng bách tốt,
Cố đi, báo đáp lộc vua ban.
Có thể nói, những điều giới thiệu trên đây đã cho thấy vấn đề “tứ bất lập” cần được nhận định lại để tránh sự phiến diện sai lệch không đáng có, nhất là đối với người nghiên cứu, biên soạn sách vở khi tìm hiểu cần sự thận trọng đối chiếu tư liệu khả tín để có những công trình đầy đủ, khách quan và đúng đắn.
Lê Thái Dũng