Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh minh họa: AFP/TTXV.
Theo phóng viên tại Hong Kong, quy định trên được Mỹ áp dụng từ năm 2020, dưới thời Tổng thống Donald Trump. Tổng thống Trump khi đó cũng tuyên bố chấm dứt các điều kiện ưu đãi mà Washington dành cho Hong Kong, sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới đối với khu hành chính đặc biệt này. Tháng 8/2020, Hải quan Mỹ thông báo toàn bộ các hàng hóa nhập khẩu từ Hong Kong sẽ phải được gắn nhãn “Made in China” chứ không chấp nhận việc gắn mác "Made in Hong Kong". Điều này khiến Hong Kong đệ đơn khiếu nại lên WTO.
Theo WTO, yêu cầu của Mỹ là "không phù hợp" với các quy tắc thương mại toàn cầu, làm thay đổi các điều kiện cạnh tranh và gây bất lợi cho các sản phẩm từ Hong Kong.
Đại diện Thương mại Mỹ Katherine Tai đã phản đối phán quyết của WTO và nêu rõ Washington sẽ không nhượng trong vấn đề này.
Tờ “Nhật báo Tinh Đảo” cho biết Cục trưởng Cục Phát triển kinh tế và Thương mại Hong Kong (CEDB) Algernon Yau Ying-wah hoan nghênh quyết định của WTO. Theo người đứng đầu CEDB, hàng hóa Hong Kong dán nhãn “Made in Hong Kong” đã được cộng đồng quốc tế chấp nhận nhiều năm, điều này vừa phù hợp với thực tế Hong Kong là khu vực thuế quan độc lập và các quy tắc thương mại liên quan, vừa cung cấp thông tin nguồn gốc xuất xứ chính xác và rõ ràng cho người tiêu dùng.
Hong Kong - một trong những thương cảng lớn của thế giới - là thành viên của WTO dù vẫn là một phần lãnh thổ của Trung Quốc. Theo mô hình "Một quốc gia, hai chế độ", Hong Kong được trao nhiều quyền tự chủ, bao gồm các quy tắc về hải quan và nhập cư riêng. Các nhà xuất khẩu Hong Kong cho rằng việc mất nhãn hiệu "Made in Hong Kong" có thể gây thiệt hại cho thương hiệu của họ, gây nhầm lẫn cho thị trường và làm suy yếu hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ.
PV/TTXVN