/ Trợ giúp pháp lý
/ Xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo lãnh thổ tại Điều 269 BLTTHS như thế nào?

Xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo lãnh thổ tại Điều 269 BLTTHS như thế nào?

01/02/2024 18:57 |

(LSVN) – Thông tư 03/2023/TT-TANDTC ngày 28/12/2023 của Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự sẽ chính thức có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15/02/2024. Trong đó, hướng dẫn cụ thể về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo lãnh thổ.


Ảnh minh họa.

Theo đó, thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo lãnh thổ quy định tại Điều 269 của Bộ luật Tố tụng hình sự được thực hiện như sau:

Vụ án xảy ra trên địa bàn của Tòa án quân sự nào thì thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự đó. Việc phân định địa bàn trong Quân đội là căn cứ để xác định thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự theo quy định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Bị cáo thuộc đơn vị của Quân chủng Hải quân thì thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự thuộc Quân chủng Hải quân không phụ thuộc vào nơi thực hiện tội phạm. Trường hợp bị cáo là người theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 272 của Bộ luật Tố tụng hình sự mà tội phạm của họ gây thiệt hại cho Quân chủng Hải quân hoặc tội phạm xảy ra trong doanh trại hoặc khu vực quân sự do Quân chủng Hải quân quản lý, bảo vệ cũng thuộc thẩm quyền xét xử của các Tòa án quân sự thuộc Quân chủng Hải quân.

Trường hợp tội phạm được thực hiện tại nhiều nơi khác nhau hoặc không xác định được nơi thực hiện tội phạm thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử là Tòa án quân sự nơi kết thúc việc điều tra, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Trường hợp nhiều Tòa án quân sự khác nhau có thẩm quyền xét xử do vụ án có nhiều bị cáo thuộc nhiều đơn vị khác nhau thì Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử là Tòa án quân sự nơi kết thúc việc điều tra, trừ trường hợp hướng dẫn tại khoản 2 Điều 5 Thông tư này.

Ví dụ: Vụ án có bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự Quân khu 3, có bị cáo thuộc thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự Quân chủng Hải quân thì Tòa án có thẩm quyền xét xử là Tòa án quân sự nơi kết thúc việc điều tra.

Điều 5 Thông tư 03/2023/TT-TANDTC quy định về thẩm quyền xét xử của Tòa án quân sự trong địa bàn thiết quân luật như sau:

“1. Tòa án quân sự có thẩm quyền xét xử tất cả các tội phạm xảy ra ở địa phương trong thời gian thi hành lệnh thiết quân luật.

2. Trường hợp vụ án xảy ra ở nhiều nơi, trong đó có nơi đang thi hành lệnh thiết quân luật thì Tòa án quân sự ở nơi thiết quân luật có thẩm quyền xét xử toàn bộ vụ án.

3. Trường hợp sau khi Tòa án quân sự đã thụ lý vụ án mà nơi tội phạm xảy ra đã được bãi bỏ lệnh thiết quân luật thì Tòa án quân sự đó tiếp tục xét xử vụ án”.

LÊ DƯƠNG

Hướng dẫn khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở

Bùi Thị Thanh Loan