Ảnh minh họa.
Dự thảo quy định nội dung quản lý hoạt động cảng, bến thủy CAND gồm: Đầu tư, xây dựng, công bố, công bố lại, gia hạn, đóng hoặc tạm dừng hoạt động cảng, bến thủy CAND; ban hành nội quy hoạt động, các quy định liên quan đến công tác quản lý, sử dụng cảng, bến thủy CAND; quản lý sử dụng cảng, bến thủy CAND; hoạt động của tổ chức, cá nhân, phương tiện trong vùng nước cảng, bến thủy CAND.
Việc đầu tư, xây dựng, phân cấp, ủy quyền đầu tư, xây dựng cảng, bến thủy CAND được thực hiện theo Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu các văn bản chi tiết, hướng dẫn thi hành luật và các thông tư của Bộ trưởng Bộ Công an quy định về đầu tư xây dựng trong CAND. Đầu tư xây dựng cảng, bến thủy phải phù hợp với quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông đường thủy nội địa, phòng cháy và chữa cháy, bảo vệ môi trường; tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, tiêu chuẩn ngành Công an, đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội trên tuyến, địa bàn và các quy định khác. Cảng, bến thủy hoạt động phải được cấp có thẩm quyền công bố hoạt động, ban hành nội quy hoạt động cảng, bến thủy CAND theo quy định.
Bên cạnh đó, theo dự thảo, khi phát hiện tai nạn, sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn, thuyền trưởng, người lái phương tiện (hoặc thuyền viên khác khi thuyền trưởng vắng mặt) phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định và tiến hành ngay các biện pháp cứu người, tài sản, đồng thời báo cho đơn vị quản lý, sử dụng cảng, bến thủy CAND để có biện pháp xử lý kịp thời.
Đơn vị được giao sử dụng cảng, bến thủy CAND có quyền huy động mọi lực lượng, trang thiết bị của cảng, bến thủy và các phương tiện hiện có trong vùng nước cảng và xung quanh khu vực để cứu người, tài sản, phương tiện bị nạn. Các tổ chức, cá nhân liên quan có nghĩa vụ chấp hành sự chỉ huy, điều hành của đơn vị quản lý cảng, bến thủy CAND để cứu người, phương tiện bị nạn. Trường hợp người, phương tiện được huy động bị thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản thì được giải quyết chế độ chính sách và bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trường hợp phương tiện bị chìm đắm, thuyền trưởng hoặc người lái phương tiện bị chìm đắm phải đặt báo hiệu và báo cho chủ phương tiện để tiến hành trục vớt theo quy định. Trường hợp chủ phương tiện không tiến hành trục vớt, đơn vị được giao quản lý, sử dụng cảng, bến thủy CAND tổ chức trục vớt, mọi chi phí trục vớt do chủ phương tiện chi trả.
PV