Ảnh minh họa.
Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Ngoại giao và các bộ, ngành, địa phương có liên quan xây dựng dự thảo Nghị định nêu trên theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2021.
Theo Bộ Giao thông vận tải, trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy hoạt động vận tải đường bộ quốc tế để tạo thuận lợi cho thương mại, du lịch, phát triển kinh tế và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và các nước, Bộ Giao thông vận tải đã tham mưu Chính phủ tham gia ký kết các Hiệp định vận tải đường bộ song phương và đa phương. Các Hiệp định trong khuôn khổ ASEAN như Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi cho hàng hóa quá cảnh ký ngày 16/12/1998, Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải liên quốc gia ký ngày 10/12/2009, Hiệp định khung ASEAN về tạo thuận lợi vận tải hành khách qua biên giới bằng phương tiện giao thông đường bộ ký ngày 13/10/2017.
Theo kế hoạch, các Hiệp định này sẽ được các nước ASEAN thúc đẩy triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025. Do đó, Việt Nam cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế ASEAN cho đơn vị vận tải để tham gia hoạt động vận tải đường bộ quốc tế giữa các nước ASEAN.
Đồng thời, các Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định vận tải đường bộ giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Việt Nam - Lào - Campuchia, Việt Nam - Trung Quốc, Hiệp định về tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá và người qua lại biên giới các nước Tiểu vùng Mê Công mở rộng (GMS) đã được ký kết và triển khai thực hiện.
Trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã ban hành các Thông tư hướng dẫn thực hiện các Hiệp định và Nghị định thư thực hiện Hiệp định nêu trên quy định việc cấp giấy phép vận tải đường bộ quốc tế. Tuy nhiên, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 80/2015/QH13 và Luật sửa đổi, bổ sung số 63/2020/QH14, các thủ tục hành chính này cần được quy định bởi Nghị định của Chính phủ.
Trên cơ sở phân tích nêu trên, việc xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục cấp các loại giấy phép cho đơn vị kinh doanh vận tải và phương tiện hoạt động vận chuyển đường bộ qua lại biên giới là cần thiết. Việc xây dựng Nghị định nhằm tăng cường công tác quản lý hoạt động vận tải đường bộ quốc tế giữa Việt Nam với các nước; tạo sự công bằng, bình đẳng, ổn định giữa các loại hình vận tải quốc tế và trong nước; tăng cường hiệu quả thực thi các Hiệp định, Nghị định thư mà Việt Nam là thành viên tham gia ký kết, Luật Giao thông đường bộ; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về vận tải quốc tế và an toàn giao thông, tạo điều kiện để đơn vị kinh doanh vận tải liên vận thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và giảm thiểu tai nạn giao thông.
NGỌC ANH