Xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố 8, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh: Nhiều hạng mục không đúng thiết kế, công trình vẫn  bàn giao đưa vào sử dụng

11/09/2024 09:34 | 6 ngày trước

(LSVN) - Như Tạp chí Luật sư Việt Nam đã đăng tải, dự án xây dựng nhà văn hóa tổ dân phố 8, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh đã bị Ban giám sát cộng đồng và người dân phản ánh trong quá trình thi công nhiều hạng mục không đúng với bản thiết kế ban đầu, mới đây, các đơn vị liên quan vẫn bàn giao vào đưa vào sử dụng. Luật sư đã có góc nhìn trên các quy định pháp luật về vấn đề trên.

“Thừa nhận” nhiều hạng mục không đúng như thiết kế ban đầu

Liên quan đến vấn đề trên tại kỳ họp hội đồng lần thứ 11 nhiệm kỳ 2021-2026 HĐND phường Bắc Hồng cử tri đã có ý kiến liên quan đến công trình nhà văn hóa TDP 8. Tiếp sau đó ngày 14/8/2024 UBND phường Bắc Hồng đã có Văn bản số: 232/UBND do ông Nguyễn Minh Sáng, Phó Chủ tịch phường đã ký về việc đề nghị trả lời các kiến nghị trên từ Ban quản lý dự án Đầu tư xây dựng thị xã Hồng Lĩnh (BQLDA).

Đến ngày 20/8/2024 BQLDA đã ra Văn bản số: 112/BQLDA-KTGS về việc trả lời các kiến nghị theo Công văn số 232/UBND ngày 14/8/2024 của Ủy ban nhân dân phường Bắc Hồng. Trong văn bản trên BQLDA đã “thừa nhận” nhiều vấn đề không đúng so với bản thiết kế ban đầu.

Theo người dân Công trình xây dựng hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng…

Trước câu hỏi của cử tri về việc “rá móng” đặt lệch 60cm so với thiết kế thì có đảm bảo chất lượng công trình xây dựng và được quan có thẩm quyền thẩm định, BQLDA cho rằng đối với Nhà văn hóa TDP 8, trong quá trình thiết kế đang tận dụng hàng rào cũ để cải tạo. Trong quá trình thi công hố móng một số đế móng (rá móng) nằm sát hàng rào, do bị ảnh hưởng của móng hàng rào nên không thể thi công đế móng (đúng tâm) theo hồ sơ thiết kế. Việc điều chỉnh thiết kế tại hiện trường quy định trong trường hợp khi quá trình thi công xây dựng phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý nếu không thay đổi thiết kế sẽ ảnh hưởng đến tiến độ thi công, biện pháp thi công và hiệu quả đầu tư của dự án... Để đáp ứng mục tiêu chung của dự án, Chủ đầu tư yêu cầu đơn vị thiết kế và các bên có liên quan tiến hành trao đổi, thảo luận và thống nhất phương án điều chỉnh đế móng tại các vị trí bị ảnh hưởng móng hàng rào (từ móng đúng tâm sang lệch tâm). Đơn vị tư vấn thiết kế đã tính toán và khẳng định phương án này không ảnh hưởng đến kết cấu chịu lực của công trình. Việc điều chỉnh này không làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình và đã được cơ quan chuyên môn thẩm định. 

Về phản ánh liên quan đến cốt theo bản vẽ lúc ban đầu là: 533cm (5.33) sau đó chủ đầu tư đã tự ý nâng lên 546cm (5.46) và hiện tại bây giờ đang dùng cốt 559cm (5.59) cao hơn cốt thiết kế ban đầu. BQLD án cho rằng, trong bản vẽ thiết kế không có cốt ban đầu là 533cm. 533(5.33) chỉ là 1 điểm cao độ địa hình (điểm cao độ hiện trạng) trong khu vực Nhà văn hóa. Quá trình thiết kế đơn vị tư vấn thiết kế đã tiến hành khảo sát đo đạc địa hình cho toàn bộ khu vực Nhà văn hóa. Trước khi triển khai thi công xây dựng Nhà văn hóa, các bên có liên quan tiến hành lập “Biên bản bàn giao mặt bằng thi công công trình” trong đó gồm 2 điểm mốc theo hệ tọa độ VN2000 là II-01(5.46m) và II-02 (5.30m) để bàn giao cho đơn vị thi công sử dụng. Hiện nay cốt hoàn thiện Nhà văn hóa TDP 8 như sau: Cốt Sân (+5.59m); Cốt nền Nhà văn hóa (+6.34m) và Cốt nền Nhà vệ sinh, nhà kho (+5.89m). 

Về việc trong quá trình thi công nhà thầu thi công không dỡ bỏ lớp gạch cũ, dẫn đến lớp nền đắp cát dày 20cm không được đầm chặt, có nguy cơ ảnh hướng đến chất lượng xây dựng của công trình và không đúng với thiết kế ban đầu. BQLDA cho rằng, trong quá trình triển khai thi công bóc phần gạch Telazzo cũ trên nền sân hiện trạng công trình trước Nhà văn hóa theo hồ sơ thiết kế. Các bên nhận thấy lớp gạch Telazzo cũ bám dính chặt vào lớp bê tông lót nên khi tiến hành bóc gạch cũ kéo theo ảnh hưởng đến lớp bê tông lót cũ cũng như ảnh hưởng đến nền đất dưới lớp gạch cũ. Vì vậy đại diện chủ đầu tư cùng đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công đã tiến hành lập Biên bản xử lý hiện trường thống nhất không bóc bỏ lớp gạch cũ theo thiết kế ban đầu, việc thi công bước tiếp theo đúng theo hồ sơ thiết kế. Việc thay đổi này không ảnh hưởng đến chất lượng công trình, khối lượng hoàn thành sẽ được xác nhận theo khối lượng thực tế thi công. 

Liên quan đến nền trong nhà văn hóa là thiết kế đá 4x6cm nhưng nhà thầu thay đổi thành đá 1x2cm, chiều dày bê tông không đạt. Lớp gạch cũ không bóc, lớp cát chưa đầm chặt. BQLDA cho rằng việc Nhà thầu thi công thay đổi lớp bê tông lót nền nhà văn hóa từ bê tông đá 4x6 theo thiết kế sang bê tông đá 1x2 là đảm bảo chất lượng hơn và đã được Tư vấn giám sát là đơn vị đại diện cho chủ đầu tư đồng ý. Thực tế đá 4x6 trộn bằng máy trộn bê tông kém hiệu quả cũng như làm chậm tiến độ công trình. Giá thành bê tông đá 1x2 cao hơn bê tông đá 4x6 (việc chênh lệch giá thành, về phía nhà thầu chịu trách nhiệm).

Về phần nền trong nhà văn hóa, nhà thầu thi công đã tiến hành bóc và đầm chặt, chủ đầu tư đã tiến hành kiểm tra, đối chiếu thông qua nhật ký thi công, kết quả thí nghiệm và được tư vấn giám sát xác nhận đáp ứng theo yêu cầu thiết kế. Về chiều dày lớp bê tông lót, trong quá trình thi công tại một số vị cao độ nền chưa đồng nhất dẫn đến chiều dày lớp bê tông lót chưa đạt thiết kế, các bên có liên quan đã tiến hành kiểm tra và lập biên bản hiện trường yêu cầu nhà thầu thi công tiến hành xử lý. Phần sân sau nhà văn hóa có diện tích (khoảng 30.0m2) chủ yếu dùng để ra nhà vệ sinh và nhà kho. Trong quá trình thi công phải chờ đợi bạt lót vận chuyễn từ đại lý về công trình, nên để đáp ứng tiến độ nhà thầu thi công đề xuất tăng hàm lượng xi măng đối với bê tông lót để thay thế bạt lót và được Tư vấn giám sát đồng ý thống nhất ghi vào nhật ký thi công. Các bên nhận thấy và khẳng định việc thay đổi này vẫn đảm bảo chất lượng, việc phát sinh nhà thầu thi công chịu trách nhiệm và không làm tăng kinh phí đầu tư.

Không đủ khối lượng vẫn bàn giao đưa vào sử dụng

Liên quan đến câu hỏi của người dân về việc công trình đã được bàn giao đưa vào sử dụng đang chờ nghiệm thu nhưng một số hạng mục hoàn toàn không đúng so với bản thiết kế ban đầu, thậm chí là không có như: Theo nội dung thết kế trần là trần thạch cao nhưng khi thi công lại là trần tôn; hệ thống chống sét làm sai so với thiết kế; bồn hoa có 43m chưa làm đúng thiết kế và không ốp đá; hai bồn hoa lục lăng không xây và khối lượng vật liệu phá dỡ nhà văn hoá củ không xúc đổ mà vẫn dùng đắp nền.

Công trình không có Bồn hoa “lục lăng”, thiết bị chống sét không đúng với thiết kế ban đầu.

Trao đổi với PV, ngày 19/8, ông Nguyễn Sỹ Văn, Giám sát dự án thuộc BQLDA cho biết: Ý định thiết kế ban đầu trần nhà văn hóa là trần thạch cao, tuy nhiên do hiệu quả của dự án cũng như theo phương án chung cho tất cả các nhà văn hóa trên địa bàn thị xã nên Chủ đầu tư, đơn vị thẩm định thống nhất với tư vấn thiết kế điều chỉnh sang trần tôn (được thể hiện trong dự toán phê duyệt). Tuy nhiên đơn vị thiết kế chưa chỉnh sửa hết nội dung điều chỉnh trên các bản vẽ, vì thế khi công trình đưa vào thi công xây dựng, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan phát hiện và đã yêu cầu đơn vị thiết kế chỉnh sửa. Trần nhà văn hóa TDP 8 làm bằng trần tôn là đúng với dự toán đã được phê duyệt. 

Ông Văn cho biết thêm: Theo thiết kế hệ thống dây dẫn chống sét từ mái xuống nền đất được bố trí ở trục trước nhà văn hóa gây mất an toàn và thiếu mỹ quan, do vậy các bên thống nhất chuyển đổi dây dẫn chống sét từ mái nhà xuống ra trục sau Nhà văn hóa nhằm để đảm bảo an toàn và tính thẩm mỹ hơn mà không làm thay đổi đặc tính kỹ thuật. Về vấn đề bồn hoa, sau khi xem xét thực tế sân trước Nhà văn hóa các bên nhận thấy thi công bồn hoa theo thiết kế sẽ làm giảm diện tích không gian sinh hoạt, ảnh hưởng đến vui chơi thể thao và các sinh hoạt của người dân. Do vậy các bên thống nhất xây dựng hạng mục phụ trợ “bồn hoa” với diện tích phù hợp, đáp ứng thẩm mỹ nhằm tạo khuôn viên vui chơi thể thao rộng rãi cho người dân tổ dân phố. Khối lượng nghiệm thu sẽ tính theo khối lượng thực tế xây dựng tại hiện trường. Vật liệu đất đào móng nền nhà văn hóa củ được tận dụng 30% theo hồ sơ thiết kế.

Đến nay, Nhà văn hoá TDP 8, phường Bắc Hồng đã hoàn thành và bàn giao đưa vào quản lý, sử dụng. Mặc dù Ban giám sát cộng đồng và người dân phản ánh một số hạng mục hoàn toàn không đúng và thiếu so với bản thiết kế ban đầu vẫn đang khiếu nại nhưng UBND phường Bắc Hồng đơn vị thụ hưởng vẫn ký vào biên bản bàn giao. Trao đổi với PV ngày 19/8, ông Nguyễn Minh Toàn, Chủ tịch UBND phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh cho biết: “Bên BQLDA họ bàn giao cho chủ đầu tư là UBND thị xã, UBND thị xã lại bàn giao về cho phường.  Mình là đơn vị thụ hưởng có một số hạng mục thiếu sót như vậy mình cũng đã làm văn bản gửi ban quản lý dự án yêu cầu trao đổi làm rõ... Bây giờ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì mình xác nhận. Nhưng trong quá trình nghiệm thu một số hạng mục có thể sửa chữa, khắc phục vì cũng đang trong thời gian bảo hành một năm...”

Cũng liên quan về vấn đề xây dựng Nhà văn hoá TDP 8, phường Bắc Hồng ông Lê Tùng Lâm là cựu chiến binh, thanh tra nhân dân TDP 8 và  thành viên của Ban giám sát đầu tư cộng đồng dự án xây dựng nhà văn hóa TDP 8, phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh bức xúc cho biết: “Từ lúc có dự án xây dựng nhà văn hóa TDP 8 từ năm 2023 với tư cách là Ban giám sát cộng đồng tôi thường xuyên theo dõi, giám sát, trên tinh thần thượng tôn các quy định của pháp luật. Nhưng tôi cảm thấy như tôi đang bị gây khó khăn tại địa phương. Cụ thể, Trên tinh thần, trách nhiệm thành viên của ban giám sát đầu tư cộng đồng dự án tôi đã ngăn chặn nhiều hành vi thi công không đúng với thiết kế tại dự án từ  lúc đổ móng đến bây giờ đã bàn giao đưa vào sử dụng. Tôi đã gửi đơn nhiều đơn thư phản ánh đến cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cũng như các cơ quan thông tấn báo chí và ý kiến trực tiếp tại hiện trường. Nhưng đến ngày 19/6/2024, tại Trụ sở Công an phường Bắc Hồng, tôi bị lập biên bản Số: 07/BB-VPHC – Vi phạm hành chính về an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đến ngày, 27/6/2024  tôi lại bị Công an thị xã Hồng Lĩnh ra quyết định số 32/QĐ-XPHC xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể: Phạt tiền 6.500.000 đồng về hành vi “Cố ý gây thương tích nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” theo quy định tại điểm a, khoản 5, Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP liên quan đến tranh cãi tại công trường dự án”.

Trong bản thiết kế ban đầu trần nhà văn hóa là trần thạch cao nhưng nhà thầu đã thi công bằng trần tôn.

“Cũng vào ngày 19/6/2024, tại Trụ sở Công an phường Bắc Hồng, thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh con trai tôi Lê Đức Anh cũng bị công an Phường Bắc Hồng lập biên bản Vi phạm hành chính số: 8/BB-VPHC về an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đến ngày, 24/6/2024 con trai tôi lại bị Công an phường ra quyết định số 05/QĐ – XPHC xử phạt vi phạm hành chính. Cụ thể: Phạt tiền: 400.000 đồng (Bốn trăm nghìn đồng) về hành vi gây mất trật tự công cộng ở khu dân cư theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 7, Nghị định số 144/2021/NĐ-CP sự việc xảy ra cũng tại hiện trường dự án nơi nhà thầu đang thi công.”, ông Lâm cho biết thêm.

“Tôi đơn thư khiếu nại, ý kiến là muốn người dân có một nhà văn hóa xây dựng đúng thiết kế, an toàn, mỹ quan không vì mục đích tư lợi cá nhân nhưng tôi cảm giác như mình bị bất lợi. Cũng vì cái Quyết định xử phạt hành chính mà tôi đã được Hội cựu chiến binh Thị xã Hồng Lĩnh đã ra quyết định tặng giấy khen sau đó còn sửa đổi thu hồi. Hay như con trai tôi vào ngày 16/8/2024 được vinh danh, khen ngợi trong lễ tuyên dương trong ngày hội Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc năm 2024 vậy mà bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gây mất trật tự công cộng ở khu dân cư, tôi thấy hết sức phi lý. Tôi sẽ mời Luật sư, gửi đơn đến cơ quan chức năng khiếu nại đến cùng về hai quyết định xử lý vi phạm hành chính trên”, ông Lê Tùng Lâm cho biết. 

Góc nhìn Luật sư từ nội dung vụ việc

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Vũ Quang Bá, Công ty Luật TNHH Hoà Lợi, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Điều 78 Luật Xây dựng 2014, thiết kế xây dựng gồm thiết kế sơ bộ trong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, thiết kế cơ sở trong Báo cáo nghiên cứu khả thi, thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công trong giai đoạn thực hiện dự án và các bước thiết kế khác (nếu có) theo thông lệ quốc tế. Thiết kế xây dựng được thực hiện theo một hoặc nhiều bước tùy thuộc quy mô, tính chất, loại và cấp công trình xây dựng. Người quyết định đầu tư quyết định số bước thiết kế khi phê duyệt dự án đầu tư xây dựng.

Một trong những yêu cầu đối với thiết kế xây dựng là việc thiết kế xây dựng phải được thẩm định, phê duyệt theo quy định. Do đó, khi thực hiện việc thi công phải đảm bảo việc tuân thủ thực hiện theo thiết kế xây dựng đã được thẩm định và phê duyệt. Tại Điều 84 Luật Xây dựng 2014 có quy định về việc điều chỉnh thiết kế xây dựng chỉ được thực hiện trong một số trường hợp nhất định như: (a) Khi điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng có yêu cầu điều chỉnh thiết kế xây dựng; (b) Trong quá trình thi công xây dựng có yêu cầu phải điều chỉnh thiết kế xây dựng để bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả của dự án.

Bên cạnh đó, Luật Xây dựng cũng quy định rõ việc khi điều chỉnh thiết kế xây dựng mà có thay đổi về địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu của kết cấu chịu lực, biện pháp tổ chức thi công ảnh hưởng đến an toàn chịu lực của công trình thì việc điều chỉnh thiết kế xây dựng phải được thẩm định và phê duyệt theo quy định.

Theo quy định tại khoản 6 Điều 15 Nghị định 139/2017/NĐ-CP hành vi xây dựng công trình không đúng thiết kế xây dựng được thẩm định, phê duyệt trong trường hợp được miễn giấy phép xây dựng sẽ được coi là hành vi vi phạm trật tự xây dựng và bị áp dụng mức phạt tiền từ 40 triệu đến 50 triệu đồng. Trong trường hợp công trình xây dựng có giấy phép xây dựng mà không thực hiện thi công theo giấy phép xây dựng cũng được xem là hành vi vi phạm về xây dựng và tùy từng mức độ sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 16/2022/NĐ-CP.

Về việc nghiệm thu công trình xây dựng, theo quy định tại Điều 123 Luật Xây dựng 2014 có quy định rõ hạng mục công trình, công trình xây dựng hoàn thành chỉ được phép đưa vào khai thác, sử dụng sau khi được nghiệm thu bảo đảm yêu cầu của thiết kế xây dựng,

Luật sư Vũ Quang Bá cho biết thêm, theo quy định tại khoản 4 Điều 123 Luật Xây dựng 2014 Đối với các công trình có ảnh hưởng lớn đến an toàn cộng đồng và môi trường, công trình sử dụng vốn nhà nước phải được kiểm tra công tác nghiệm thu trong quá trình thi công và khi hoàn thành thi công xây dựng công trình. Trách nhiệm tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu do Cơ quan chuyên môn về xây dựng tổ chức kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư đối với các công trình. Việc nghiệm thu không đúng trình tự, thủ tục hoặc Nghiệm thu không đảm bảo chất lượng, không phù hợp với tiêu chuẩn áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc không theo yêu cầu của thiết kế công trình tùy từng mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 60 triệu đồng theo quy định tại Điều 34 Nghị định 139/2017/NĐ-CP.

Sau khi công tác nghiệm thu công trình xây dựng được thực hiện xong theo quy định trên thì mới thực hiện việc bàn giao công trình xây dựng theo quy định tại Điều 124 Luật Xây dựng năm 2014.

PV

Từ khoá : lsvn.vn LSVN