LSVNO - Liên quan đến vụ một Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk chưa tốt nghiệp cấp 3 và dùng bằng đi mượn để tiến thân, ngày 04/10/2019, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, đã có thẳng thắn trả lời phóng viên về một số nội dung liên quan đến vụ việc.
Theo đó bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, trú TP. Buôn Ma Thuột) Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk bị tố sử dụng bằng giả, tên giả (tên của chị gái) nhằm hợp thức hóa lý lịch để xin việc sau đó thăng tiến "thần tốc".
Thực tế, bà Trần Thị Ngọc Ái Sa tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (SN 1975, trú TP. Buôn Ma Thuột), còn Trần Thị Ngọc Ái Sa là chị ruột của bà Thảo. Bà Sa hiện đang công tác tại khoa Sản, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng.
Theo đơn tố cáo, bà Thảo chỉ mới có bằng cấp 2 nhưng đã “mượn” bằng cấp 3 của chị gái để xin việc, sau đó đi học lên trung cấp kế toán và liên thông lên đại học. Hiện bà Thảo đã học đến thạc sỹ.
Bà Trần Thị Ngọc Thảo – người bị tố dùng bằng cấp 3 đi mượn.
Theo nhiều nguồn tin bản thân bà Thảo, xuất thân từ nghề thợ cắt tóc gội đầu, sau đó "mượn" bằng tốt nghiệp PTTH của chị gái đi học lên kế toán. Ngoài đời bà Thảo được đánh gá là người ngoại hình khá ưu nhìn.
Tuy vậy, chẳng biết vì lý do gì, sự việc gian dối, lừa cả tổ chức cao nhất của một địa phương của bà Thảo đã diễn ra nhiều năm nhằm tiến thân lên đến chức trưởng phòng nhưng không bị cơ quan tổ chức nào phát hiện ra.
Dư luận đang đặt ra việc có hay không chuyện bà Thảo được “nâng đỡ không trong sáng”? Bởi không dễ với 2 bản lý lịch khác nhau như vậy mà một cơ quan quan trọng như tỉnh ủy Đắk Lắk lại để lọt được cũng là một điều tương đối khó hiểu.
Liên quan đến vụ việc, ngày 04/10/2019, ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, đã có những thông tin đến các cơ quan báo chí.
Ông Hải cho biết, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk nhận đơn tố cáo nặc danh về bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (SN 1973, trú TP. Buôn Ma Thuột), Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, bị tố cáo sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 của chị gái để tiến thân.
Ông Hải cho biết:"Bà Sa trong đơn bị tố cáo tên thật là Trần Thị Ngọc Thảo (AN 1975). Bà Thảo mượn bằng cấp 3 của người chị ruột là bà Sa (SN 1973), người đang là hộ lý tại khoa Sản Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng. Từ năm 2002 đến 2005, bà Thảo làm việc tại Khách sạn Bạch Mã, Đắk Lắk. Giai đoạn 2005 - 2009, bà Thảo tiếp tục mang danh bà Sa làm kế toán, phụ trách kế toán, kế toán trưởng Nhà khách Tỉnh ủy Đắk Lắk. Năm 2019, bà Sa làm phó phòng và thăng tiến lên làm Trưởng phòng Quản trị - Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk”.
“Cán bộ thẩm định lý lịch đã gửi công văn về địa phương bà Thảo sinh sống tại Lâm Đồng để thẩm tra và được địa phương xác nhận nhân thân tốt. Do cán bộ chủ quan nên không kiểm tra kỹ. Ngoài ra, bà Thảo cũng dùng tên chị mình để công tác nên cơ quan không phát hiện ra. Đây là bài học cho Văn phòng Tỉnh ủy và các đơn vị liên quan”, ông Hải cho biết thêm.
Ông Nguyễn Thượng Hải, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk, thông tin tới báo chí nội dung vụ việc.
Đại diện Tỉnh ủy Đắk Lắk cũng cho biết, đơn vị đã nhận được tờ trình xin nghỉ việc của bà Trần Thị Ngọc Ái Sa (tên thật là Trần Thị Thảo) - Trưởng phòng Quản trị thuộc Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk. Trong tờ trình gửi Đảng ủy Văn phòng Tỉnh ủy và Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đắk Lắk, bà Thảo xin nghỉ việc sau khi bị tố cáo mượn bằng cấp. Bà thừa nhận nội dung tố cáo là đúng, xin nhận trách nhiệm và chịu mọi hình thức kỷ luật của tổ chức.
"Đối với sai phạm của bà Thảo, có thể sẽ xử lý kỷ luật ở mức cao nhất. Chúng tôi kiên quyết xử lý nghiêm, không bao che. Dĩ nhiên, trách nhiệm chính ở đây vẫn là cấp ủy, chi bộ, lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh trong quá trình quản lý cán bộ"- một lãnh đạo Tỉnh ủy thông tin.
Trong tờ trình bà Thảo viết: "Thời điểm xảy ra sự việc tôi còn trẻ, suy nghĩ chưa chín chắn và nông nổi. Chỉ vì muốn có việc làm để mưu sinh trong lúc gia đình rất khó khăn nên tôi đã mượn hồ sơ của chị gái để xin việc làm chứ hoàn toàn không có mục đích nào khác...".
Tuy nhiên, ông Hải cho biết, hiện Tỉnh ủy chưa chấp nhận cho bà Thảo thôi việc, do việc xử lý sai phạm của bà Thảo phải được thực hiện theo đúng quy định và phải chờ kết quả xử lý sai phạm của bà Thảo được hoàn tất. Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đang rà soát hồ sơ, người giới thiệu kết nạp đảng đối với nữ trưởng phòng này để xem xét xử lý kỷ luật.
Theo quy định tại Điều 16 Nghị định 138/2013, hành vi sử dụng văn bằng, chứng chỉ của người khác hoặc sử dụng văn bằng chứng chỉ bị tẩy, xóa, sửa chữa sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 8 triệu đồng. Bên cạnh đó, tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP quy định cán bộ, công chức, viên chức có hành vi sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc đơn vị sự nghiệp công lập thì bị xử lý kỷ luật với hình thức buộc thôi việc.
Ngoài ra, người vi phạm còn bị tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, ở đây là bằng giả đã sử dụng. Riêng đối với trường hợp sử dụng bằng giả để học ở bậc học cao hơn thì bị xử lý với hình thức là đuổi học (nếu chưa học xong) hoặc hủy bỏ kết quả học tập, bằng (nếu đã học xong).
Vụ việc bà Thảo sử dụng là bằng giả thì người này sẽ có thể bị truy tố hình sự về tội Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Tuy nhiên, ở trường hợp này, bằng là thật nên theo luật định chưa có chế tài xử lý hình sự. Hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính như trên.
Vụ việc khiến nhiều người liên tưởng đến vụ việc của hot girl Quỳnh Anh - Trưởng phòng ở Sở Xây dựng Thanh Hóa, do “nâng đỡ không trong sáng” mà thăng tiến vượt bậc. Ngay sau khi bị phát hiện thì bà này cũng xin nghỉ việc và bỗng nhiên “mất tích” từ đó đến nay.
Từ những sự việc trên đã dấy lên nhiều vấn đề trong công tác xác minh lý lịch, xét duyệt, quản lý cán bộ và các công tác khác để kết nạp Đảng viên tại nhiều địa phương thực hiện chưa nghiêm ngặt, chưa đúng quy trình, tạo nhiều lỗ hổng để các thành phần “cơ hội” lợi dụng xâm nhập và tiến thân một cách không minh bạch.
Sáu Nguyễn - Phạm Sinh