PGS. TS. Nguyễn Bá Đức, Hiệu trưởng trường Đại học Tân Trào ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với trường Đại học Hoàng gia Udon Thani, Thái Lan.
Trường Đại học Tân Trào đóng trên địa bàn xã Trung Môn, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang, được thành lập năm 2013 trên cơ sở nâng cấp Trường Cao đẳng Tuyên Quang. Trường hiện có 303 cán bộ giáo viên, với 23 chuyên ngành đào tạo các hệ, trong đó: hệ cao đẳng 01 chuyên ngành, hệ đại học 22 chuyên ngành và liên kết đào tạo thạc sĩ 15 chuyên ngành. Hiện, nhà trường đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với trên 20 trường đại học và các tổ chức của nước ngoài về hợp tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, xuất bản, trao đổi giảng viên, sinh viên.
Sự ra đời của trường Đại học Tân Trào đã đáp ứng nhu cầu học tập của con em các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, và của xã hội, sinh viên của trường được học tập, rèn luyện trong một môi trường lành mạnh, có tính mô phạm (do xuất phát điểm là một trường sư phạm). Đây là một trong những điều kiện thuận lợi để xây dựng nền tảng văn hóa chính trị cho sinh viên nhà trường.
Là một phạm trù cơ bản của chính trị học, văn hóa chính trị là trình độ phát triển của con người thể hiện ở trình độ hiểu biết về chính trị, trình độ tổ chức quyền lực theo một chuẩn giá trị nhất định nhằm điều hòa các quan hệ lợi ích giữa các giai cấp và bảo vệ lợi ích của giai cấp cầm quyền, phù hợp với xu thế phát triển và tiến bộ xã hội. Văn hóa chính trị nói lên trình độ của chủ thể chính trị thông qua hiệu quả của hoạt động chính trị. Đối với cá nhân, văn hóa chính trị là sự thống nhất hữu cơ của ba thành tố cơ bản đó là tri thức chính trị; niềm tin chính trị và hành động chính trị của cá nhân.
Nói đến văn hóa chính trị, mọi người thường quan tâm đến trình độ của giai cấp trên – giai cấp cầm quyền. Nhưng trên thực tế, với sự phát triển của xã hội, xu thế dân chủ hóa đã thu hút sự tham gia của nhân dân vào công việc của nhà nước đòi hỏi chúng ta phải xây dựng, nâng cao trình độ văn hóa chính trị của mọi tầng lớp nhân dân. Hơn nữa, sự phát triển của kinh tế tri thức khiến cho sự đóng góp của tầng lớp trí thức vào đời sống chính trị ngày càng to lớn.
Trong tầng lớp trí thức, sinh viên đóng một vai trò quan trọng, họ là tiền thân của lực lượng lao động có chất lượng trong tương lai, một phần trong số họ sẽ trở thành những cán bộ, công chức nhà nước, thậm chí sẽ là lực lượng lãnh đạo nòng cốt.
Văn hóa chính trị của sinh viên cũng có nội hàm như văn hóa chính trị nói chung. Bên cạnh đó văn hóa chính trị của họ cũng có những đặc thù riêng.
Một buổi tọa đàm của sinh viên trường Đại học Tân Trào.
Về tri thức chính trị: Sinh viên được trang bị một cách có hệ thống tri thức lý luận chính trị, trong tất cả các trường cao đẳng, đại học ở Việt Nam, sinh viên được học tập và nghiên cứu các môn lý luận chính trị, bao gồm 5 học phần: Triết học Mác – Lênin, Kinh tế chính trị Mác – Lênin, Chủ nghĩa xã hội khoa học, Tư tưởng Hồ Chí Minh và Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam.
Với xuất phát điểm học lực khá cao, sinh viên có khả năng nắm bắt được những nội dung cơ bản về nền tảng tư tưởng chính trị của hệ thống chính trị Việt Nam. Từ đó họ trở thành những người được trang bị kiến thức nền khá bài bản. Ngoài ra, sinh viên được học tập ở môi trường đại học – môi trường có trình độ khoa học, văn hóa cao; các trường đại học thường tập trung ở trung tâm các thành phố, vì vậy sinh viên có điều kiện tiếp cận với các hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội nên họ có tri thức chính trị xã hội cao hơn so với các thanh niên cùng lứa khác.
Về niềm tin chính trị: Với việc được trang bị những kiến thức khá bài bản về tri thức chính trị, cùng với việc được sinh sống trong một môi trường học tập tích cực, sinh viên có cơ sở để xây dựng niềm tin chính trị. Cùng với những chính sách đãi ngộ của Đảng và Nhà nước đối với sinh viên, những hoạt động của các đoàn thể, hội sinh viên… sẽ dễ dàng hình thành niềm tin và lý tưởng chính trị cho sinh viên. Bản thân sinh viên là những người khá độc lập về tư duy, họ có tri thức và bản lĩnh để phân biệt đúng, sai, đồng thời họ là những người trẻ, năng động, hoạt bát, cho nên khi sinh viên đã có được niềm tin chính trị, thì họ sẽ trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động phong trào.
Về hành vi chính trị: Sinh viên rất hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các phong trào đoàn thể khi họ cảm thấy tin tưởng. Những phong trào này có thể diễn ra trên mọi lĩnh vực của đời sống, những lá phiếu bầu ra những người trẻ đại diện cho mình trong các tổ chức chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội sinh viên), các tổ chức chính trị (Hội đồng nhân dân xã, phường...) của sinh viên thực sự rất quý báu, nó thể hiện niềm tin chính trị của họ.
Sinh viên của trường Đại học Tân Trào khá tích cực tham gia các hoạt động xã hội, thường xuyên hoạt động tập thể và hoạt động theo nhóm. Về môi trường sống, sinh viên sinh hoạt trong một cộng đồng (trường, lớp, ký túc xá) gồm chủ yếu là những thành viên tương đối đồng nhất về tri thức, lứa tuổi, với những quan hệ có tính chất bạn bè khá gần gũi. Hiện nay, những tác động của cơ chế thị trường tới sinh viên khiến trong số họ có những sự khác biệt giàu nghèo dẫn đến sự phân hóa trong một bộ phận sinh viên của trường. Ngoài ra quá trình xã hội hóa giáo dục dẫn đến sự cạnh tranh trong việc tuyển sinh khiến cho trình độ sinh viên có sự chênh lệch lớn ngay từ đầu vào. Tuy vậy vẫn có thể nhận thấy những đặc điểm tương đồng của sinh viên Đại học Tân Trào: chăm chỉ, có tính năng động, sáng tạo, tính thực tế, tính liên kết, tính cá nhân.
Từ những đặc điểm trên cho thấy, sinh viên trường Đại học Tân Trào có khả năng nhận thức về chính trị, họ có cơ hội tiếp xúc với lối làm việc tập thể để dần hoàn thiện mình, thích nghi với cộng đồng nhưng mặt khác sinh viên cũng có thể dễ bị chủ nghĩa cá nhân chi phối nếu không có bản lĩnh vững vàng.
Qua khảo sát trên 420 sinh viên hệ đại học chính quy đang học tập tại trường năm học 2019-2020 và năm học 2020-2021, tác giả đã thu được những kết quả khá sát thực về thực trạng văn hóa chính trị của sinh viên nhà trường, từ đó đưa ra những giải pháp phù hợp.
Thứ nhất, về tri thức chính trị: Tri thức chính trị bao gồm tri thức lý luận và kinh nghiệm chính trị. Về mặt này, theo đánh giá của tác giả qua cuộc khảo sát, trình độ tri thức chính trị của sinh viên trường Đại học Tân Trào ở mức khá.
Tri thức chính trị của sinh viên Đại học Tân Trào được đánh giá thông qua kết quả học tập các môn thuộc các học phần chính trị, pháp luật theo biên chế năm học. Ngoài ra còn được đánh giá thông qua những hiểu biết về tình hình kinh tế - chính trị - xã hội của đất nước, hiểu biết về lịch sử dân tộc và lịch sử địa phương, hiểu biết về truyền thống chính trị của đất nước, của quê nhà... Thông qua việc sinh viên tham gia học tập các nội dung giáo dục, thông qua kết quả học tập, hoạt động và chấp hành nội quy của nhà trường, không tham gia các hoạt động do kẻ xấu lôi kéo, xúi giục; không có hành vi cư xử thiếu văn hóa, hành động trái quy định của nhà trường, biểu tình, mắc vào các tệ nạn xã hội.
Giao lưu văn hóa sinh viên Việt Nam – Lào – Philippin đang học tập tại trường Đại học Tân Trào.
Thứ hai, về niềm tin chính trị: Sinh viên trường Đại học Tân Trào có niềm tin rất lớn vào chế độ xã hội chủ nghĩa, vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vào con đường mà Đảng, Bác Hồ và Nhân dân đã lựa chọn. Trong họ luôn có một niềm tin vào tương lai đất nước, họ có tinh thần yêu nước nồng nàn, sâu sắc như mọi con dân đất Việt, tinh thần đó trở thành động lực cho sinh viên trong học tập, trong cuộc sống, vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ học tập – nhiệm vụ chính trị cao cả nhất của sinh viên trong thời bình.
Thứ ba, về năng lực chính trị: năng lực chính trị của sinh viên Đại học Tân Trào ở mức độ khá, họ đã và đang phát huy truyền thống anh hùng của dân tộc, noi gương các thế hệ đi trước, ngày càng có những cống hiến xuất sắc, đã và đang có những bước trưởng thành nhanh chóng. Họ tham gia tích cực vào các hoạt động chính trị ở địa phương như bầu cử, góp ý vào dự thảo Hiến pháp và các bộ luật, tham gia khá đầy đủ các buổi lễ kỷ niệm do Đoàn trường và Nhà trường tổ chức, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước… Tuy nhiên, những hành động chính trị ở một số sinh viên chưa có tính tích cực, tính sáng tạo cao mà chủ yếu mới ở mức độ tham gia theo phong trào…
Như vậy, trước yêu cầu mới của thời kỳ đấy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, để nâng cao chất lượng văn hóa chính trị, công tác giáo dục văn hóa chính trị cho sinh viên cần thực hiện một số phương hướng sau:
Một là, xây dựng văn hóa chính trị cho sinh viên Đại học Tân Trào phải hướng vào việc nâng cao trình độ nhận thức, từ đó đổi mới tư duy của sinh viên, bồi dưỡng tình cảm, trau dồi đạo đức, rèn luyện hành vi văn hóa cho sinh viên.
Hai là, xây dựng văn hóa chính trị của sinh viên đại học Tân Trào phải hướng vào việc thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế, chính trị, văn hóa, con người của đất nước và của tỉnh Tuyên Quang.
Ba là, xây dựng văn hóa chính trị của sinh viên Đại học Tân Trào hướng vào việc đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị nói chung và hệ thống chính quyền địa phương nói riêng.
Bốn là, xây dựng văn hóa chính trị của sinh viên hướng tới cuộc đấu tranh trên lĩnh vực tư tưởng.
Dựa trên những phương hướng chỉ đạo đó, quá trình xây dựng văn hóa chính trị cho sinh viên của trường cần thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, vai trò quản lý của Nhà nước và của hệ thống giáo dục đào tạo đối với việc xây dựng văn hóa chính trị của sinh viên; đồng thời tăng cường sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang, vai trò của chính quyền địa phương đối với việc xây dựng văn hóa chính trị của sinh viên trường Đại học Tân Trào.
Để thực hiện giải pháp này cần chú ý các nội dung: tăng cường công tác giáo dục chính trị - tư tưởng cho sinh viên kết hợp với việc đào tạo, bồi dưỡng, đảm bảo chất lượng về phẩm chất đạo đức, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ; Các cấp uỷ, chính quyền, cơ sở giáo dục đào tạo cần quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục lý luận chính trị đủ về số lượng và chất lượng; Phải chỉ đạo chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội, các sở giáo dục quan tâm tạo điều kiện, phối hợp làm tốt công tác xây dựng văn hóa chính trị cho sinh viên; Quan tâm lãnh đạo xây dựng phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội nhằm thiết lập môi trường thuận lợi đối với việc xây dựng văn hóa chính trị của sinh viên.
Trường Đại học Tân Trào tập huấn phòng, chống dịch Covid-19 cho sinh viên.
Thứ hai, nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa chính trị trong trường Đại học Tân Trào, giáo dục văn hóa chính trị cho sinh viên là việc trang bị và nâng cao hiểu biết cho sinh viên về đường lối, quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam, thế giới quan khoa học theo Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao trình độ hiểu biết về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, tri thức khoa học từ đó hình thành thế giới quan, lập trường tư tưởng, niềm tin, tình cảm và thái độ với chế độ xã hội chủ nghĩa, tự giác và tích cực tham gia các hoạt động chính trị của đất nước phục vụ lợi ích của sinh viên và toàn xã hội. Giáo dục văn hóa chính trị cho sinh viên là giáo dục lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội; giáo dục vai trò và sứ mệnh lịch sử của sinh viên Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cụ thể là góp phần tích cực vào trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để xây dựng văn hóa chính trị cho sinh viên cần phải chú trọng nâng cao trình độ lý luận và thực tiễn cho chủ thể giáo dục văn hóa chính trị cho sinh viên, đồng thời không ngừng đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp, phương tiện giáo dục lý luận chính trị.
Thứ ba, phát huy tính tích cực, chủ động của sinh viên trường Đại học Tân Trào trong việc nhận thức và vận dụng tri thức văn hóa chính trị. Tính tích cực, chủ động của sinh viên trong nhận thức tri thức văn hóa chính trị thực chất là mong muốn hiểu biết, cố gắng nhận thức và nghị lực cao trong quá trình chiếm lĩnh tri thức chính trị. Đó là một trạng thái hoạt động, học tập mang tính tự giác, chủ động, sáng tạo của sinh viên nhằm đáp ứng mục tiêu, yêu cầu đào tạo của nhà trường, cũng như yêu cầu của nền chính trị nước nhà.
Muốn vậy, sinh viên phải tự mình tìm tòi, khảo nghiệm, chiếm lĩnh tri thức khoa học và thực tiễn, đồng thời hình thành và phát triển năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, biết lý giải, có tư duy phản biện vấn đề và có khả năng thích ứng cao với những biến đổi mạnh mẽ, phức tạp của cuộc sống đặt ra. Sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước rất cần có những con người như vậy. Năng lực hoạt động độc lập, sáng tạo của người học chỉ có thể được phát triển thông qua chính quá trình tích luỹ kiến thức và hoạt động thực tiễn của họ. Dù chủ thể giáo dục có nỗ lực đến mức nào, nếu đối tượng không chủ động tiếp nhận kiến thức thì hiệu quả cũng vô cùng thấp. Thực tế là trong hoạt động giáo dục, hiệu quả nhận thức, kết quả dạy học, chất lượng dạy học xét cho cùng cũng do sự tiếp nhận của người học quyết định. Do đó rất cần sự tương tác giữa chủ thể và đối tượng giáo dục văn hóa chính trị.
Thứ tư, tạo ra môi trường văn hóa chính trị thuận lợi cho sinh viên Đại học Tân Trào, môi trường giáo dục có ảnh hưởng lớn đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm và nhân cách của con người. Muốn xây dựng văn hóa chính trị cho sinh viên phải chú trọng tới việc tạo ra môi trường giáo dục văn hóa chính trị thuận lợi. Môi trường giáo dục của sinh viên bao gồm các thành tố cơ bản là gia đình, nhà trường, xã hội mà ở đó sinh viên thực hiện quá trình giáo dục và tự giáo dục. Muốn tạo ra môi trường thuận lợi cho hoạt động giáo dục nói chung và giáo dục văn hóa chính trị nói riêng của sinh viên phải xây dựng đồng bộ các môi trường thích ứng.
Gia đình nên giữ mối liên hệ thường xuyên với nhà trường để nắm tình hình học tập, rèn luyện của con em mình và kịp thời hỗ trợ nếu các em có những chểnh mảng học tập, thậm chí có những biểu hiện mắc tệ nạn xã hội. Các bậc phụ huynh cần chủ động tạo và gìn giữ môi trường gia đình đầm ấm, nề nếp làm điểm tựa vững chắc cho con em mình trong quá trình học tập và khích lệ con em mình rèn luyện phấn đấu, tích cực tham gia các hoạt động của nhà trường.
Tuần sinh hoạt công dân – học sinh sinh viên trường Đại học Tân Trào.
Nhà trường cần giữ vững kỷ cương, nề nếp thông qua việc thực hiện nghiêm chỉnh các nội quy, quy chế. Các cán bộ, giảng viên trong nhà trường phải đúng mực và mẫu mực trong ứng xử và hành vi, phải là những tấm gương cho sinh viên noi theo. Nhà trường phải quan tâm xây dựng các tập thể lớp, chi đoàn trong sạch, vững mạnh, đoàn kết tương thân tương ái thông qua đội ngũ giáo viên chủ nhiệm và cán bộ Đoàn. Nhà trường phải tạo điều kiện tối đa cho những sinh viên có nhu cầu được ở ký túc xá để tiện lợi cho việc học tập và sinh hoạt.
Ngoài ra, giáo dục xã hội thông qua các đoàn thể nhân dân, các tổ chức nhà nước với thể chế chính trị, pháp luật, văn hóa, đạo đức…góp phần thúc đẩy hoặc kìm hãm quá trình phát triển nhân cách toàn diện của sinh viên. Bởi vậy, cần phải thực hiện đồng bộ các biện pháp nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng thực sự trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng và tổ chức…chống tư tưởng cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân; ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và những biểu hiện tiêu cực khác. Cần tập trung sức vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân nói chung, sinh viên Việt Nam nói riêng. Bên cạnh đó, phải có những biện pháp kiểm soát, ngăn chặn các sản phẩm phi văn hóa, các tư tưởng phản động để nó không ảnh hưởng đến tư tưởng, tình cảm và lối sống của sinh viên. Đặc biệt là phải có biện pháp kiểm duyệt các thông tin qua mạng internet hiện nay.
Cùng với việc xây dựng hình ảnh trường Đại học Tân Trào chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ, nhà trường rất cần quan tâm đến vấn đề văn hóa nói chung và văn hóa chính trị của sinh viên nói riêng. Hiệu quả của việc xây dựng văn hóa chính trị cho sinh viên Đại học Tân Trào chỉ có thể đạt được khi áp dụng đồng bộ các biện pháp nói trên theo phương hướng đúng đắn. Điều này đòi hỏi có sự nỗ lực lớn của gia đình, nhà trường, của toàn xã hội và của chính bản thân sinh viên trong việc trang bị những kiến thức chính trị, xã hội và nghề nghiệp.
Thạc sĩ TRẦN THÚY VÂN
Giảng viên trường Đại học Tân Trào