/ Đời sống - Xã hội
/ Xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước

Xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng có trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước

05/01/2021 18:09 |

(LSO) - Sáng 27/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thường trực Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đã có cuộc họp dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban để đánh giá về tình hình tai nạn giao thông (TNGT) đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vừa qua, phân tích nguyên nhân và đề ra các giải pháp cấp bách.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ, từ tháng 6 đến nay, liên tiếp xảy ra các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến ô tô kinh doanh vận tải, làm chết và bị thương nhiều người khiến dư luận bức xúc. Điển hình là các vụ TNGT tại Đắk Nông ngày 13/6 làm 5 người chết, 5 người bị thương, tại Kon Tum ngày 11/7 làm 6 người chết, 35 người bị thương, tại Bình Thuận ngày 21/7 làm 8 người chết, 7 người bị thương. Nghiêm trọng nhất là vụ TNGT ngày 26/7 tại Quảng Bình làm 15 người, 22 người bị thương và mới đây nhất là vụ TNGT tại quận Long Biên (Hà Nội) ngày 4/8 làm 3 người chết và 1 người bị thương.

Theo đó, để ngăn chặn, giảm các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải, Thường trực Ủy ban ATGT quốc gia họp bàn tập trung vào các nội dung: Đánh giá tình hình TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải từ đầu năm đến nay. Phân tích toàn diện và làm rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan gây ra TNGT đặc biệt nghiêm trọng trong hoạt động kinh doanh vận tải. Đề xuất các giải pháp cấp bách để quản lý, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh vận tải như hoàn thiện thể chế, quản lý Nhà nước, tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm, bảo đảm an toàn kết cấu hạ tầng giao thông, việc xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân liên quan đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trong.

Nhất trí với những phân tích của các đại biểu về nguyên nhân dẫn đến các vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chỉ rõ: Những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các vụ tai nạn nêu trên là do hành vi vi phạm quy định pháp luật về trật tự, ATGT của lái xe, chủ xe như người lái xe điều khiển phương tiện vi phạm tốc độ, đi sai phần đường, sai luồng, tuyến đăng ký, vi phạm nồng độ cồn, chở hàng hoá quá tải trọng cho phép của xe, tình trạng sức khoẻ không đảm bảo, buồn ngủ, lái xe không có giấy phép lái xe phù hợp với loại phương tiện, lái xe thiếu ý thức, không tuân thủ quy tắc điều khiển phương tiện khi đi trên đoạn đường đèo dốc.

Đồng thời, các đơn vị kinh doanh vận tải không thực hiện phương án bảo đảm ATGT theo quy định. Các doanh nghiệp vận tải chưa quản lý chặt chẽ lái xe, giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện, chạy sai lộ trình, không có thiết bị hành trình…

Bên cạnh đó, có một số nguyên nhân không trực tiếp cũng cần được xem xét nghiêm túc như thời điểm xảy ra tai nạn là ban đêm hoặc sáng sớm, nhiều hành khách ngồi trên xe không thắt dây an toàn, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè diễn ra phổ biến, tiềm ẩn nguy cơ TNGT; những hạn chế về hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về kinh doanh vận tải ô tô; xử lý vi phạm, khắc phục “điểm đen” về TNGT, biển báo, rào chắn, hộ lan, gương lồi không bảo đảm.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình còn chỉ rõ, nguyên nhân cơ bản là sự buông lỏng, thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh vận tải.

“Việc này chúng ta nhắc đi, nhắc lại nhiều lần. Nhưng từ đó đến nay, tôi chưa nhận được bất kỳ báo cáo nào của Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ Công an, Bộ GTVT hay địa phương về một trường hợp chủ phương tiện, chủ doanh nghiệp bị xử lý hình sự do vi phạm quy định về đảm bảo ATGT trong kinh doanh vận tải, để xảy ra TNGT có hậu quả nghiêm trọng trở lên. Không thể nói các chủ doanh nghiệp thực sự vô can khi để lái xe nghiện ma tuý, ép lái xe không có bằng lái đúng loại xe. Do đó, cần làm rõ vấn đề này”, Phó Thủ tướng Thường trực nói.

Bên cạnh đó cần xác định trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước, tình hình xảy ra như trên có trách nhiệm quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương.

Các sở GTVT có thanh tra, kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý các đơn vị này lần nào hay không? Nếu có thì thanh tra, kiểm tra nội dung gì? Có phát hiện sai sót, vi phạm gì trong việc thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh vận tải hay không? Trong dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô tại Tổng cục Đường bộ có ghi nhận được vi phạm của những phương tiện trong suốt quá trình hoạt động cho đến thời điểm gây tai nạn hay không? Các đồng chí đã xử lý và yêu cầu sở GTVT các địa phương xử lý thế nào? Chúng ta rất kỳ vọng vào việc ban hành Nghị định 10/NĐ-CP vừa rồi sẽ giúp nâng cao ATGT cho hoạt động kinh doanh vận tải, vậy tại sao lại liên tiếp xảy ra như vậy?

“Tôi đã giao cho các bộ, ngành, địa phương đi kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, nhưng việc này làm chưa quyết liệt, trật tự lòng lề đường, hành lang ATGT chưa bảo đảm. Đề nghị các cấp, các ngành làm quyết liệt hơn, ngay quý 3 có báo cáo kết quả cụ thể”, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.

LINH NHI (t/h)

/huong-dan-thuc-hien-dau-thau-mua-sam-theo-hiep-dinh-cpttp.html