Ảnh minh họa.
Ngày 21/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Chỉ thị 31/CT-TTg tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Trong đó, Chỉ thị 31/CT-TTg có yêu cầu, các trường học phải rà soát các phương tiện kinh doanh đưa đón học sinh, định kỳ vào ngày 15 hàng tháng, các cơ sở giáo dục tổng hợp số liệu báo cáo cơ quan quản lý giáo dục trực tiếp, cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải và Công an địa phương về hành trình, điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn để kiểm tra, giám sát. Kiên quyết không để các phương tiện không bảo đảm điều kiện an toàn tham gia đưa đón học sinh.
Đối với các cơ sở giáo dục sử dụng dịch vụ đưa đón học sinh bằng xe ô tô phải lựa chọn các đơn vị cung cấp dịch vụ kinh doanh vận tải bằng xe ô tô có uy tín, chất lượng, thực hiện nghiêm quy định về yêu cầu kỹ thuật, quy trình đưa đón, bảo đảm an toàn cho học sinh; có trách nhiệm tập huấn cho lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn.
Bộ GTVT được giao nghiên cứu, đề xuất cơ chế ưu đãi hoạt động kinh doanh vận tải đưa đón học sinh bằng xe buýt chuyên dụng. Bộ có chính sách khuyến khích học sinh đi lại bằng phương tiện công cộng và xe buýt chuyên dụng.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu địa phương hỗ trợ các trường tổ chức xe đưa đón học sinh, hướng dẫn xe đưa đón phù hợp lứa tuổi. Mỗi xe phải bố trí ít nhất một quản lý để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, đảm bảo an toàn suốt chuyến đi, Chỉ thị 31/CT-TTg cũng yêu cầu các tỉnh thành quản lý chặt xe chở học sinh hết niên hạn, quá hạn kiểm định, không an toàn.
Ngoài ra, các địa phương phải lắp camera giám sát gần cổng trường học ghi nhận hình ảnh học sinh vi phạm giao thông để xử lý và bình xét thi đua từng lớp. Phụ huynh được trang bị kỹ năng chở trẻ trên xe máy, ôtô.
Được biết, Chỉ thị 31/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ được ban hành trong bối cảnh tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh diễn ra phức tạp, còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông đối với học sinh. Năm 2023, đã xảy ra gần 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết 490 người, bị thương 827 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.
Trước đó, vào tháng 7/2023, trong dự thảo Luật Đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất xe đưa đón học sinh phải có đèn cảnh báo hoặc đăng ký màu sơn nhận diện, niên hạn sử dụng không quá 15 năm.
Nếu đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, xe phải có dây đai an toàn hoặc ghế ngồi phù hợp lứa tuổi. Kính xe có thể nhìn rõ phía trong xe từ bên ngoài. Lái xe đưa đón học sinh có 02 năm kinh nghiệm.
Các trường học muốn tổ chức đưa đón học sinh phải thông báo đến cơ quan chuyên môn về giao thông vận tải địa phương, gồm: Hành trình; điểm dừng đón, trả; danh sách xe, lái xe; hình ảnh xe và màu sơn đặc trưng. Nếu thông tin trên thay đổi, trường phải thông báo bổ sung.
Khi đưa đón học sinh tiểu học, mầm non, các trường phải bố trí một quản lý mỗi xe để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự, đảm bảo an toàn suốt chuyển đi. Nếu ôtô trên 24 chỗ đưa đón học sinh mầm non phải có hai quản lý. Các trường có trách nhiệm tập huấn lái xe và người quản lý học sinh nắm vững, thực hiện đúng quy trình an toàn.
Các quy định trên đã được chuyển sang dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
MINH TRẦN
Đã xử phạt hàng nghìn trường hợp kinh doanh thương mại điện tử vi phạm