Ảnh minh họa.
Bộ Công an vừa hoàn tất dự thảo lần 4 Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ, đề xuất một số quy định mới. Trong đó, tại Điều 33 của dự thảo Luật có quy định điều kiện phương tiện tham gia giao thông đường bộ, yêu cầu xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông phải có thiết bị giám sát hành trình; thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.
Liên quan đến vấn đề này, kể từ tháng 7, việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe đã là yêu cầu bắt buộc đối với ô tô kinh doanh dịch vụ vận tải. Theo đó, không ít ý kiến cho rằng liệu việc lắp camera hành trình có bắt buộc áp dụng đối với xe gắn máy, ô tô cá nhân hay không?
Trao đổi với báo chí, đại diện Bộ Công an, Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục CSGT cho biết, lực lượng chức năng chỉ khuyến khích lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đối với ô tô cá nhân, xe gắn máy, chứ không bắt buộc.
Bởi theo luật, xe mô tô, xe gắn máy và ô tô cá nhân không yêu cầu phải lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Cũng theo đại diện Bộ Công an, việc lắp thiết bị giám sát hành trình sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình tham gia giao thông đường bộ và tăng cường sự quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội, trật tự an toàn giao thông, đồng thời hỗ trợ cho việc lái xe an toàn cũng như tránh được những rủi ro đáng tiếc có thể xảy ra.
Ngoài ra, camera hành trình còn hỗ trợ giải quyết các vấn đề pháp lý phát sinh khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông; ghi lại hình ảnh, sự cố xảy ra trên đường; người điều khiển phương tiện có thể chứng minh được đúng hay sai trong các tình huống bất ngờ; lưu lại bằng chứng khi có kẻ gian xâm hại phương tiện của mình hoặc của người khác.
Liên quan đến vấn đề vì sao bắt buộc lắp camera hành trình cho xe kinh doanh vận tải, lý giải việc này, đại diện Bộ Công an cho biết, xe kinh doanh vận tải, nhất là vận tải hành khách, cần được xem là chủ thể đặc biệt trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Bởi, nếu tai nạn giao thông xảy ra với các phương tiện này sẽ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng về sinh mạng con người.
Vị đại diện lấy dẫn chứng, qua thống kê của Bộ Công an, tai nạn giao thông liên quan đến xe kinh doanh vận tải chiếm gần 40% số vụ; nhiều vụ gây thương vong lớn. Nguyên nhân chủ yếu của các vụ tai nạn này, hơn 70% liên quan đến vi phạm về tốc độ.
Chính phủ và các ngành đã triển khai nhiều giải pháp để hạn chế tai nạn liên quan đến xe khách. Trong đó, một giải pháp quan trọng là các phương tiện này bắt buộc phải lắp thiết bị giám sát hành trình để giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, của hành khách và các vi phạm về vận tải đường bộ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là dữ liệu giám sát hành trình chưa được sử dụng hiệu quả do có sự chia cắt, không kết nối liên thông với lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn giao thông.
Do đó, còn tình trạng nhiều nhà xe trong thời gian ngắn vi phạm rất nhiều lần, đặc biệt về tốc độ có trường hợp vi phạm hơn 300 lần/tháng, nhưng không bị xử lý, ngăn chặn kịp thời.
Theo vị đại diện, nếu có sự giám sát phương tiện kinh doanh vận tải theo thời gian thực thì đã có thể ngăn chặn được nhiều vụ tai nạn thương tâm liên quan đến xe khách như vừa qua. Do đó, thống nhất cao về sự cần thiết quy định phương tiện kinh doanh vận tải phải bảo đảm điều kiện có thiết bị giám sát hành trình như quy định trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.
Trước đó, vấn đề xe máy phải gắn thiết bị giám sát hành trình nhận được rất nhiều ý kiến thảo luận của các Đại biểu Quốc hội tại hội trường.
Theo Đại biểu Quốc hội Điểu Huỳnh Sang (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước) cho rằng, nhiều quốc gia trên thế giới, người dân không cần lắp đặt giám sát hành trình để chứng minh sự trong sạch. Thay vào đó, cơ quan chức năng phải chứng minh chủ phương tiện có vi phạm thì mới được xử phạt.
Mặt khác, việc bắt buộc lắp thiết bị giám sát hành trình có thể vi phạm quyền riêng tư của công dân, liên quan đến tiêu chuẩn chất lượng của thiết bị, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.
Quy định bắt buộc trên khó khả thi bởi số lượng xe máy là quá lớn, khó quản lý giám sát, trong khi thu nhập người dân còn thấp, đời sống người dân còn khó khăn, nhất là người ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số, biên giới...
Theo Đại biểu, với một số loại sản phẩm tích hợp phần mềm quản lý, truyền dữ liệu, lưu trữ đám mây, người dùng có thể phải trả thêm chi phí sử dụng hàng tháng.
Từ những phân tích trên, Đại biểu cho rằng quy định này chưa phù hợp với thực tế trong khi phạm vi tác động rộng. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo chỉ quy định gắn thiết bị giám sát hành trình đối với xe kinh doanh vận tải như hiện hành và quy định cụ thể hơn về trung tâm tích hợp phân tích dữ liệu.
Đối với xe ô tô cá nhân và xe máy, đề nghị ban soạn thảo quy định theo hướng nên khuyến khích người dân lắp thiết bị giám sát hành trình. Cơ quan quản lý nhà nước nên tổ chức thí điểm và có lộ trình phù hợp để tránh gây hiệu ứng ngược.
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc quy định về thiết bị giám sát hành trình là rất cần thiết để luật hóa quy định Nghị định số 15 về việc xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải lắp thiết bị giám sát hành trình để giám sát các hành vi vi phạm của lái xe, hành vi vi phạm của hành khách và các vi phạm về giao thông vận tải đường bộ.
Bởi dữ liệu giám sát hành trình là dữ liệu rất quan trọng phải được chuyển về trung tâm giám sát của cơ quan chức năng theo thời gian phục vụ công tác bảo đảm an toàn trật tự giao thông, ngăn chặn, xử lý kịp thời hoặc đình chỉ ngay các hành vi nguy hiểm đến tính mạng của hành khách, người tham gia giao thông.
Tuy nhiên, theo Đại biểu, đối tượng áp dụng trên còn khá rộng.
Về điều kiện tham gia giao thông quy định xe cơ giới, xe máy chuyên dùng phải có thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu hình ảnh của người lái xe..., Đại biểu cho rằng như vậy có thể hiểu tất cả các loại xe đều phải gắn giám sát hành trình.
Từ đó, Đại biểu đề nghị cân nhắc tính phù hợp và thống nhất giữa luật này với luật khác theo hướng chỉ quy định giám sát hành chính với ô tô kinh doanh, hợp đồng vận tải, xe khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa.
TUẤN ANH
Người dân có thẻ căn cước còn hiệu lực vẫn sử dụng bình thường