Xe gửi dưới hầm chung cư bị ngập nước có được bồi thường?

31/05/2022 07:49 | 1 năm trước

(LSVN) - Tôi gửi xe ô tô tại hầm chung cư và có ký hợp đồng với Ban Quản lý chung cư. Tuy nhiên, do mưa lớn, nước mưa tràn vào hầm khiến xe của tôi bị ngập và hư hỏng nặng. Trong trường hợp này tôi có được bồi thường hay không? Bạn đọc H.L.G.

Ảnh minh họa.

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, thông thường khi người dân gửi xe tại tầng hầm của các tòa nhà, các căn chung cư thì sẽ phát sinh quan hệ hợp đồng về gửi giữ tài sản giữa chủ xe với Chủ đầu tư, Ban quản lý tòa nhà hoặc các tổ chức, cá nhân có quyền quản lý, khai thác tầng hầm của tòa nhà đó theo quy định tại Điều 544, Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể: “Hợp đồng gửi giữ tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên giữ nhận tài sản của bên gửi để bảo quản và trả lại chính tài sản đó cho bên gửi khi hết thời hạn hợp đồng, bên gửi phải trả tiền công cho bên giữ, trừ trường hợp gửi giữ không phải trả tiền công”. Việc xác định quan hệ giữ tài sản này sẽ căn cứ vào hợp đồng mua bán nhà, hoặc các hợp đồng hay thỏa thuận khác đã được giao kết, xác lập giữa các bên, hoặc việc chủ xe đã đóng phí, tiền gửi, trông giữ xe cho tổ chức, cá nhân nào thì tổ chức, cá nhân đó sẽ được xác định là Bên giữ tài sản, với nghĩa vụ phải “bảo quản tài sản theo đúng thỏa thuận, trả lại tài sản cho bên gửi theo đúng tình trạng như khi nhận giữ”. (khoản 1, Điều 557, Bộ luật Dân sự năm 2015).

Nếu giữa các Bên có thỏa thuận và xác lập hợp đồng gửi giữ tài sản thì quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý của các Bên, trong đó có việc bồi thường thiệt hại khi mưa lớn, dẫn đến tầng hầm tòa nhà bị ngập nước và gây thiệt hại cho các phương tiện được gửi giữ sẽ được giải quyết trên cơ sở thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng.

Nếu các bên không có hợp đồng hoặc thỏa thuận cụ thể, thì trách nhiệm bồi thường sẽ được giải quyết theo quy định tại khoản 4, Điều 557, Bộ luật Dân sự năm 2015, theo đó Bên giữ tài sản có nghĩa vụ: “Phải bồi thường thiệt hại, nếu làm mất, hư hỏng tài sản gửi giữ, trừ trường hợp bất khả kháng”. Theo quy định này, tổ chức hoặc cá nhân được xác định là Bên giữ tài sản (Chủ đầu tư, Ban quản lý tòa nhà, hoặc các tổ chức và cá nhân khác) sẽ có trách nhiệm bồi thường các thiệt hại cho chủ xe, trừ trường hợp bất khả kháng.

Theo quy định nêu trên thì Bên giữ tài sản sẽ được loại trừ trách nhiệm bồi thường khi việc mưa lớn dẫn đến gập tầng hầm được coi là sự kiện bất khả kháng.

Tại khoản 1, Điều 156, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép”.

Theo quy định này, việc mưa lớn gây ngập tầng hầm sẽ được coi là sự kiện bất khả kháng khi thỏa mãn hai điều kiện: Thứ nhất, đó phải sự kiện không thể lường trước được, tức là đó phải là những đợt mưa lớn bất thường và đã không được dự báo hoặc không thể lường trước được; Thứ hai, Bên giữ tài sản đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và trong khả năng cho phép nhưng vẫn không thể khắc phục được việc tầng hầm bị gập nước. Nếu thỏa mãn các điều kiện của sự kiện bất khả kháng nêu trên thì Bên giữ tài sản không phải bồi thường cho chủ xe. Trong trường hợp này, nếu chủ xe có mua bảo hiểm thì Bên bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả các khoản thiệt hại cho chủ xe theo thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.

Thực tế, có nhiều trường hợp người mua căn hộ chung cư đã mua luôn cả phần diện tích để xe tại tầng hầm thì người mua căn hộ (chủ xe) sẽ là chủ sở hữu của nơi để xe. Và trong trường hợp này, nếu chủ xe không giao cho tổ chức, cá nhân khác trông giữ xe thì chủ xe sẽ phải tự chịu các thiệt hại xảy ra đối với tài sản khi mưa lớn gây gập tầng hầm. Nếu chủ xe có mua bảo hiểm thì Bên bảo hiểm sẽ có trách nhiệm chi trả các khoản thiệt hại cho chủ xe theo thỏa thuận giữa các Bên trong hợp đồng bảo hiểm. Ngược lại, mặc dù là chủ sở hữu của chỗ để xe nhưng chủ xe đã có hợp đồng hoặc thỏa thuận giao xe cho tổ chức hoặc cá nhân khác trông giữ, thì tổ chức hoặc cá nhân nhận trông giữ xe sẽ được xác định là Bên giữ tài sản trong hợp đồng gửi giữ tài sản và trách nhiệm bồi thường sẽ được thực hiện theo thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng và quy định tại Điều 557, Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trong các vụ việc này, trước hết các chủ xe và Bên giữ tài sản (Ban quản lý tòa nhà, hoặc các tổ chức, cá nhân nhận trông giữ xe) có thể tự thương lượng, thỏa thuận về phương án khắc phục, bồi thường thiệt hại. Nếu các Bên không tự thoả thuận, thống nhất giải quyết được thì chủ xe có quyền khởi kiện vụ án dân sự tại Toà án, yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình theo quy định của pháp luật.

HOÀNG NGUYỄN

NLĐ hết thời gian thử việc có đương nhiên chuyển sang hợp đồng chính thức?