Ảnh minh họa.
Ngày 26/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Theo đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng là bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và việc thực thi trách nhiệm của các chủ thể liên quan đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng.
Dự thảo Luật đã có nhiều quy định cụ thể về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đối với các giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, như quy định về giao dịch trên không gian mạng, giao dịch trên nền tảng số.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng cho biết, dự thảo Luật còn có các quy định về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng, giao kết, chấm dứt hợp đồng, tiếp nhận và xử lý khiếu nại, trách nhiệm đối với sản phẩm, hàng hóa khuyết tật, dịch vụ không bảo đảm chất lượng, không đúng như công bố…; bổ sung quy định về “Trách nhiệm công bố công khai thông tin cảnh báo người tiêu dùng trong giao dịch trên không gian mạng”. Bên cạnh đó, nội dung này còn được điều chỉnh theo pháp luật về thương mại điện tử cũng như pháp luật khác có liên quan.
Thảo luận về dự thảo Luật, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, trong thời đại công nghệ 4.0 của ”thế giới phẳng”, việc giao dịch mua bán hàng hóa, dịch vụ qua nền tảng số qua không gian mạng là tất yếu. Với thực trạng hiện nay, tình trạng quảng cáo cũng như các vấn đề liên quan đến quảng cáo trên các nền tảng số, dự thảo Luật cũng đã bổ sung các quy định có liên quan kịp thời và phù hợp.
Tuy nhiên, Đại biểu Quốc hội cũng đề nghị cơ quan soạn thảo xem xét, bổ sung quy định về trách nhiệm của cơ quan truyền thông trong việc quảng cáo, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị sai lệch về chất lượng, giá, công dụng cũng như ”thổi phồng” chức năng của sản phẩm; dẫn đến các hành vi lừa dối, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ.
Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum) nhận định, trong điều kiện hiện nay, các phương tiện truyền thông xã hội đóng vai trò to lớn và quan trọng trong quảng bá thông tin sản phẩm đến người tiêu dùng. Tuy nhiên, có những hành vi đã và đang sử dụng phương tiện này để quảng bá không đúng, không đầy đủ hoặc sai lệch, tung tin giả về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Thậm chí, còn lập cả trang web giả để giả mạo thương hiệu sản phẩm, đánh lừa người tiêu dùng tiêu thụ hàng hóa, dịch vụ...
Theo đó, Đại biểu đề nghị bổ sung trách nhiệm của Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Thông tin và Truyền thông về trách nhiệm ngăn chặn, loại trừ các thông tin sai lệch, mạo danh trên các phương tiện truyền thông xã hội bằng các biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ.
Liên quan đến vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Hồ Chí Minh) nhận định, đối với quy định về công bố, công khai thông tin cảnh báo về danh sách các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng về hành vi vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng bị xử lý, dự thảo Luật mới chỉ quy định về việc công bố thông tin mà không quy định về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố là chưa phù hợp.
Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hồng Hạnh, các tổ chức, cá nhân kinh doanh bị xử lý sau vi phạm, nếu các tổ chức, cá nhân đó nghiêm túc khắc phục thì cũng cần có quy định trong luật về việc gỡ bỏ thông tin đã công bố.
Phát biểu kết luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo tiếp thu nghiêm túc, giải trình kỹ lưỡng để bảo đảm hoàn thiện dự thảo Luật đạt chất lượng cao trình Quốc hội xem xét, thông qua.
NGUYÊN VŨ
Đề xuất quy định về bảo hiểm xã hội tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện