(LSVN) – Sáng ngày 12/01, TAND huyện Krông Năng đã mở lại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án "Trộm cắp tài sản" sau 03 tháng chờ đợi kết quả điều tra bổ sung.
Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ án “Trộm cắp tài sản”.
Kế toán xã tử vong trước ngày ra tòa, nghi uống thuốc sâu tự vẫn
Tước đó, từ ngày 28 - 30/9/2020, TAND huyện Krông Năng đã tổ chức mở phiên tòa sơ thẩm vụ án “Trộm cắp tài sản” xảy ra tại UBND xã Tam Giang vào tháng 12/2018 đối với 09 bị cáo gồm Hoàng Thập Nhất (22 tuổi); Trần Anh Võ (37 tuổi); Trần Đức Kế (24 tuổi); Nguyễn Hữu Hóa (28 tuổi); Nguyễn Kim Thuần (22 tuổi); Trần Đình Thiện Phước (25 tuổi); Dương Phương Nam (22 tuổi); Đinh Lê Duẩn (19 tuổi) đều trú tại huyện Krông Năng và H’Út Mlô (19 tuổi) trú thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk. Số tiền bị mất trong két sắt của UBND xã là 400.448.500 đồng.
Qua 03 ngày xét xử, nhận thấy vụ án còn nhiều điểm mờ nên ngày 07/10/2020, HĐXX Quyết định trả hồ sơ vụ án cho VKSND huyện Krông Năng yêu cầu điều tra bổ sung: thu thập tài liệu, hóa đơn, chứng từ để làm rõ đêm xảy ra vụ án UBND xã Tam Giang mất số tiền là bao nhiêu; làm rõ các vấn đề phát sinh (nếu có) trong quá trình điều tra bổ sung. Sau khi trả hồ sơ vụ án cho Cơ quan CSĐT để điều tra bổ sung, VKSND huyện vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với Cáo trạng trước đó.
Ông Phạm Ngọc Thăng là Kế toán của UBND xã Tam Giang, ông cũng là người đại diện cho phía bị hại (UBND xã Tam Giang) trong vụ án này. Ngày 08/01, ông Thăng không đến cơ quan làm việc, tối cũng không thấy ông về nhà nên người thân đã tổ chức đi tìm và phát hiện ông chết trong rẫy cà phê, bên cạnh có một chai thuốc trừ sâu.
Hiện, Cơ quan CSĐT đang làm rõ nguyên nhân cái chết của ông Thăng. Tại phiên tòa lần trước, ông Thăng khai lần rút tiền gần nhất tại Kho bạc trước ngày bị mất trộm là ngày 07/12/2018.
Sự vắng mặt của ông Thăng khiến cho việc đối chứng để xác định, làm rõ số tiền mất vào đêm 12, rạng sáng 13/12/2018 trở nên khó khăn hơn. Bởi theo quy định, hằng năm Kế toán phải lập sổ quỹ từ ngày 01/01, kết thúc vào ngày 31/12 dương lịch, nhưng theo hồ sơ vụ án, Kế toán của UBND xã lại lập sổ quỹ từ ngày 24/5/2018? Cuối tháng, Chủ tịch xã với Thủ quỹ và Kế toán phải ký xác nhận sổ quỹ tiền mặt để xác định số tiền tồn trong quỹ của tháng đó. Nhưng tại phiên tòa, ông Nguyễn Lộc (Thủ quỹ) khai đã giao hết cho Kế toán nên không nắm rõ.
Ngoài ông Thăng, bà Phan Thị Hoài Phương cũng là Kế toán của UBND xã Tam Giang. Tuy nhiên, phiên tòa lần trước bà Phương không được mời tham dự. Theo hồ sơ vụ án, vào năm 2018, bà Phương đã lập sổ quỹ vào ngày 24/5 để theo dõi các khoản chi của UBND xã trong năm đó, có chữ ký của bà Phương và ký, đóng dấu của ông Ngô Hữu Quý (Phó Chủ tịch UBND xã). Vì vậy, bà Phương là nhân tố quan trọng để xác minh chính xác số tiền bị mất vào đêm xảy ra vụ án.
Điều đáng nói, tại phiên tòa lần này, bà Phương cũng không xuất hiện với lý do đang nằm viện để điều trị bệnh. Vì vậy, Luật sư tại phiên tòa yêu cầu Tòa án phải triệu tập được bà Phương để đối chất và lấy lời khai, nếu không có thể hoãn phiên tòa đợi đến khi bà khỏi bệnh rồi tiếp tục xét xử để đảm bảo tính khách quan của vụ án.
Luật sư Phương Văn Thêm đặt câu hỏi với giám định viên tại phiên tòa.
Số tiền thực mất là bao nhiêu?
Trong phần xét hỏi, ông Lê Đức Lộc (Chủ tịch xã) khai, có 09 khoản tiền của UBND xã bị mất trong đêm xảy ra vụ án với tổng số tiền là 379.546.500 đồng, gồm: tiền thu quỹ đối ứng trường học 38.450.000 đồng; tiền lệ phí hộ tịch, chứng thực tháng 12/2018 là 900.000 đồng; tiền thu các quỹ thôn Giang Phú 740.000 đồng; tiền quỹ khuyến học 41.352.000 đồng; tiền quỹ vì người nghèo 44.600.000 đồng; quỹ ngân sách 32.889.000 đồng; quỹ đền ơn đáp nghĩa 59.338.000 đồng; quỹ phòng chống thiên tai 28.606.000 đồng; phụ cấp tháng 12 trở về trước 132.671.000 đồng. Trong đó, số tiền đã có chứng từ chi nhưng thủ quỹ chưa chi là 45.410.000 đồng; tiền thủ quỹ đã cho tạm ứng ngoài sổ kế toán 89.978.000 đồng. UBND xã Tam Giang xác định số tiền còn tồn trong két sắt bị mất trộm là 334.978.500 đồng. Đây là số tiền còn tồn trong thể hiện trong sổ sách, giấy tờ, hồ sơ thu chi của Thủ quỹ và Kế toán hiện còn. Ngoài ra, còn có 8.000.000 đồng tiền các thôn gửi nhờ và 30.000.000 đồng tiền của ông Nguyễn Lộc để vào trong két sắt.
Tại phiên tòa, Luật sư Phan Ngọc Nhàn – Trưởng văn phòng Luật sư Thanh Nhàn, Đoàn Luật sư tỉnh Đắk Lắk nhận định, có nhiều khoản thu, chi trong các tài liệu, chứng từ của UBND xã bất thường, không khớp với Kết quả của CQĐT như: Quỹ đền ơn đáp nghĩa bị mất trộm là 59.338.000 đồng, thế nhưng trong Sổ theo quỹ tiền mặt tháng 10/2018 thể hiện tại phiếu thu số 72 ngày 30/10/2018, đã thu quỹ của các thôn là 58.840.000 đồng. Cũng trong ngày này, tại phiếu chi số 179B UBND xã đã nộp toàn bộ số tiền trên vào kho bạc. “Vậy, tiền đã nộp vào Kho bạc sao lại mất?”, Luật sư Nhàn đặt câu hỏi. Cũng trong Kết luận điều tra, tiền quỹ ngân sách còn trong két sắt bị mất trộm là 15.831.000 đồng. Nhưng, theo lời khai của ông Lê Đức Lộc, tiền quỹ ngân sách xã bị mất là 32.889 đồng, vậy số tiền nào mất mới đúng?
Báo cáo của UBND xã Tam Giang vào ngày 14/12/2018.
Luật sư Nhàn nhấn mạnh: Theo sổ quỹ tháng 11/2018 chuyển sang tháng 12/2018 là 114.758.580 đồng. Ngày 07/12/2018, tại phiếu thu số 79 xã rút tiền phụ cấp tháng 12 để nhập quỹ tiền mặt là 175.986.000 đồng thì ngày 10/12/2028 tại phiếu chi số 195 thể hiện đã chi trả toàn bộ số tiền này. Như vậy số tiền còn tồn quỹ là 114.758.580 đồng (số tiền từ tháng trước chuyển sang). Những tài liệu Báo cáo số 120/BC-UBND ngày 14/12/2018 của UBND xã Tam Giang xác định, thủ quỹ đã cho tạm ứng ngoài sổ sách số tiền là 89.978.000 đồng. Như vậy, tồn quỹ tại thời điểm mất trộm là 24.780.000 đồng là không khớp với số tiền mà UBND xã báo mất là 379.546.000 đồng.
Tương tự, tiền phụ cấp đã rút của 4 tháng (9,10,11,12) là 724.846.000 đồng, UBND xã đã phát cho cho những người thụ hưởng tổng số tiền là 592.174.500 đồng. Số tiền phụ cấp còn lại là 132.671.500 đồng được ông Nguyễn Lộc cất vào két sắt và bị mất trộm. Nhưng tại Kết luận giám định tài chính xác định tổng số tiền của bốn tháng là 724.846.000 đồng, số tiền phụ cấp đã thực ký nhận là 724.222.000 đồng, còn tồn quỹ là 624.000 đồng. Số tiền này, điều tra viên khai tại tòa là tiền phụ cấp của ông Nguyễn Lộc chưa ký nhận. Như vậy, theo Kết luận điều tra của Công an số tiền mất 132.671.000 đồng là hoàn toàn không có căn cứ. Theo đó, quỹ người nghèo theo Kết luận điều tra sau khi bị mất trộm Ban vận động tiến hành kiểm kê quỹ xác định tồn quỹ là 44,600.000 đồng được ông Lộc cất trong két sắt.
Theo sổ theo dõi quỹ vì người nghèo (từ bút lục số 3792-3799) thì người giữ quỹ là bà Nguyễn Thị Thu Vân từ ngày 12/10/2015 trở về trước từ 13/10/2015 đến ngày 24/10/2018, ông Nguyễn Nhân là người lập sổ và theo dõi quỹ ghi chép đến ngày 17/11/2018, thể hiện tồn quỹ là 44.600.000 đ không phải như Kết luận điều tra quỹ này là do ông Nguyễn Lộc thủ quỹ của xã giữ(ngày 13/12/2018) thì ông Lộc mới ký bàn giao sổ này cho cơ quan công an điều tra tại bút lục 3799 nên có căn cứ xác định số tiền này ông Nguyễn Lộc không phải là người cất giữ tại két sắt của UBND xã.
Kết quả giám định hồ sơ vụ án của Giám định viên Phạm Thông.
Trong phần xét hỏi, Luật sư Phương Văn Thêm, Trưởng Văn phòng Luật sư Phương Gia, Đoàn Luật sư thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi: Theo Kết luận giám định do ông Phạm Thông - Giám định viên Sở Tài chính ngày 05/11/2020, theo yêu cầu của Cơ quan Công an điều tra huyện Krông Năng trưng cầu Sở Tài chính giám định hồ sơ vụ trộm cắp tài sản tại xã Tam Giang. Vậy, Kết luận giám định có đúng theo quy định của pháp luật không? Các tài liệu có hợp pháp không?
Ông Phạm Thông khai: “Theo Kết quả giám định, trong công tác kế toán vẫn còn một số thiếu sót, vi phạm quy định như: Quỹ khuyến học không mở sổ quỹ; không lập phiếu thu, các phiếu thu một số quỹ như phòng chống thiên tai, quỹ đối ứng, tiền lệ phí hộ tịch, chứng thực tháng 12/2018, tiền thu các quỹ thôn Giang Phú chưa được cập nhật, phản ánh kịp thời vào các sổ quỹ là vi phạm khoản 2, Điều 5 Luật kế toán số 88/2015/QH13. Tuy nhiên, vi phạm đó không ảnh hướng đến số tiền mặt có trong két sắt của UBND xã Tam Giang bị mất trộm tại đêm 12, rạng 13/12/2018”.
Thế nhưng, sau đó, Giám định viên Phạm Thông lại xác nhận, Kết quả giám định được căn cứ trên cơ sở các tài liệu, chứng từ mà CQĐT cung cấp chứ không thể xác định được số tiền thực có trong két sắt thời điểm bị mất trộm là bao nhiêu.
Tạp chí Luật sư Việt Nam sẽ tiếp tục cập nhật thông tin tới độc giả!
LAM SƠN - HƯƠNG TRẦN
Một số đặc thù của Chương trình đào tạo Luật sư phục vụ hội nhập quốc tế