Xét xử vợ chồng Đường 'Nhuệ' liên quan đến hoạt động dịch vụ hỏa táng

17/11/2021 03:24 | 2 năm trước

(LSVN) - TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vợ chồng Nguyễn Xuân Đường cùng 04 đồng phạm liên quan vụ ăn chặn gần 2,5 tỉ đồng tiền hoả táng.

Bị cáo Nguyễn Xuân Đường tức Đường "Nhuệ" tại tòa.

Sáng 17/11, TAND tỉnh Thái Bình mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với vợ chồng Nguyễn Xuân Đường (tức Đường "Nhuệ", sinh năm 1971) và Nguyễn Thị Dương (sinh năm 1980), cùng trú tại Tổ 11 phường Kỳ Bá, TP. Thái Bình.

Tòa án cũng xét xử 05 đồng phạm khác, gồm: Ninh Đức Lợi (sinh năm 1974, trú tại Tổ 8 phường Bồ Xuyên, thành phố Thái Bình); Phạm Văn Úy (tên gọi khác là Trường, sinh năm 1989, trú tại Tổ 36 phường Quang Trung, thành phố Thái Bình); Nguyễn Khắc Nin (sinh năm 1979, trú tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình); Bùi Mạnh Tiến (sinh năm 1995, còn gọi là Tiến "trắng", con nuôi Nguyễn Xuân Đường, trú tại xã Nguyên Xá, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình); Quách Việt Cường (sinh năm 1974, trú tại Tổ 10 phường Trần Hưng Đạo, TP. Thái Bình).

Cả 07 bị cáo nêu trên đều bị truy tố về tội "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là vụ án được dư luận rất quan tâm do tính chất, mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội.

Phiên tòa do Thẩm phán Lương Hải Yến làm Chủ tọa.

Công tác an ninh, bảo vệ trật tự được thắt chặt, tất cả các thành phần dự phiên tòa phải khai báo y tế, đeo khẩu trang, sát khuẩn để phòng, chống dịch Covid-19. Chỉ những người trong thành phần tham gia tố tụng và được triệu tập có mặt trong phòng xử án.

Tại phần thủ tục, Thư ký phiên tòa thông báo chỉ có 04/25 bị hại, 01/11 người làm chứng tham dự phiên tòa, các bị hại, người làm chứng khác có đơn xin xét xử vắng mặt.

Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian từ cuối năm 2017 đến tháng 04/2020, Nguyễn Xuân Đường dùng nhiều thủ đoạn đe dọa trực tiếp hoặc gián tiếp để cưỡng đoạt tiền của 25 chủ cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình.

Cụ thể, Đường lợi dụng danh nghĩa và núp bóng Công ty TNHH Đường Dương do vợ là Nguyễn Thị Dương làm Giám đốc để ép buộc các cơ sở dịch vụ tang lễ tại tỉnh Thái Bình phải hoạt động và nộp tiền theo yêu cầu của Đường, mặc dù Công ty không có chức năng hoạt động trong lĩnh vực hỏa táng, không đầu tư cơ sở vật chất và không được Công ty Hoàng Long ủy quyền.

Đường tự xưng là Chủ tịch Hiệp hội tang lễ Thái Bình, tự ban hành Quy chế hoạt động của Hiệp hội và Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình.

Đường cùng một số người khác đe dọa, đánh anh Nguyễn Thế Việt để ép đại lý phải dừng hoạt động; cấm các cơ sở dịch vụ tang được đi hỏa táng tại Nam Định mà phải sang Hải Phòng hỏa táng để gây sức ép với Công ty Hoàng Long.

Sau khi đại lý của anh Việt phải dừng hoạt động, Đường tổ chức các cuộc họp tại khách sạn Dầu khí Thái Bình, tại quán cà phê Cadillac, chửi và đe dọa để ép chủ các cơ sở dịch vụ tang lễ phải ký vào bản Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình.

Đồng thời, Đường ép buộc các chủ dịch vụ tang lễ phải báo ca hỏa táng cho người của mình qua điện thoại, phải nộp số tiền 500 nghìn đồng/ca hỏa táng.

Trong thời gian trên, Đường tiếp tục có hành vi chặn xe tang lễ của cơ sở dịch vụ tang lễ tỉnh Hải Dương không cho sang tỉnh Thái Bình thực hiện hợp đồng tang lễ; phân chia địa bàn cho các cơ sở dịch vụ tang lễ.

Cáo trạng nêu rõ, Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy, Nguyễn Khắc Nin, Bùi Mạnh Tiến, Quách Việt Cường, Nguyễn Thị Dương có hành vi giúp sức cho Nguyễn Xuân Đường trong từng giai đoạn của quá trình "Cưỡng đoạt tài sản".

Trong đó Ninh Đức Lợi, Phạm Văn Úy xây dựng những văn bản, gồm: Quy chế hoạt động của Hiệp hội tang lễ Thái Bình, Hợp đồng nguyên tắc giữa Công ty Đường Dương với các dịch vụ tang lễ Thái Bình rồi đưa cho Nguyễn Thị Dương ký đóng dấu Công ty Đường Dương. Sau đó, Đường ép buộc các dịch vụ tang lễ ký vào các bản hợp đồng nguyên tắc trên.

Nguyễn Khắc Nin tổ chức cuộc họp tại khách sạn Dầu khí Thái Bình để Nin và Bùi Mạnh Tiến yêu cầu các dịch vụ tang lễ phải báo ca và nộp số tiền 500 nghìn đồng/ca cho Công ty Đường Dương. 

Quách Việt Cường giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca 288,5 triệu đồng; Ninh Đức Lợi giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca gần 02 tỉ đồng; Lương Trung Thái không biết nội dung Đường cưỡng đoạt tiền của các chủ cơ sở dịch vụ nên giúp Đường nhận báo ca và thu tiền báo ca 339 triệu đồng.

Số tiền trên, Cường, Lợi, Thái đều giao lại cho Phạm Văn Úy. Úy kiểm đếm và mang về cho Đường. Nguyễn Thị Dương giúp Đường ký vào các bản hợp đồng nguyên tắc và quy chế hoạt động với tư cách Giám đốc Công ty Đường Dương, trực tiếp nhận từ Đỗ Văn Nhật (dịch vụ tang lễ Tâm Đức) số tiền 43 triệu đồng, nhận qua Phạm Văn Úy số tiền 64,5 triệu đồng, sau đó đưa cho Đường.

Tổng số tiền Nguyễn Xuân Đường chiếm đoạt của 25 bị hại là 2,469 tỉ đồng. Số tiền này, Nguyễn Xuân Đường sử dụng để chi tiêu cá nhân.

Căn cứ kết quả điều tra, ngày 22/4/2020, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Cưỡng đoạt tài sản" quy định tại Điều 170 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trong số 07 bị cáo hầu tòa, 04 bị cáo hiện đang chấp hành án phạt tù trong các bản án khác. Trong đó, Nguyễn Xuân Đường và Bùi Mạnh Tiến chấp hành án lần lượt là 07 năm tù và 12 năm tù giam về tội "Cố ý gây thương tích" và tội "Xâm phạm chỗ ở của công dân"; Nguyễn Thị Dương 04 năm 06 tháng tù giam về tội "Cố ý gây thương tích" và tội "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ"; Phạm Văn Úy 22 năm tù về tội "Giết người" và tội "Cố ý gây thương tích".

TRẦN QUÝ

Bạc Liêu: Nguyên nữ Phó Trưởng phòng tham ô tiền tỉ lĩnh án chung thân