/ Pháp luật - Đời sống
/ Xét xử vụ AIC: Luật sư gặp khó khăn khi bảo vệ cho bị cáo đang bỏ trốn

Xét xử vụ AIC: Luật sư gặp khó khăn khi bảo vệ cho bị cáo đang bỏ trốn

09/01/2023 14:57 |

(LSVN) - Bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Luật sư cho hay thực tế không thể tiếp xúc được với thân chủ để thu thập các tài liệu, chứng cứ, cũng không thể biết "có nhận tội hay không nhận tội".

Toàn cảnh phiên tòa xét xử vụ AIC. Ảnh: VNN.

Ngày 25/12, sau 05 ngày làm việc, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong đại án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC tạm nghỉ một ngày, ngày mai (26/12) phiên tòa tiếp tục phần tranh luận.

Trước đó, trong bản luận tội các bị cáo tại phiên toà, VKSND đề nghị tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn, cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty AIC (đang bỏ trốn) 14-15 năm tù tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", 16-17 năm tù về tội "Đưa hối lộ", tổng hợp hình phạt bị đề nghị 30 năm tù.

Theo VKSND, trong vụ án này có bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn và 07 bị cáo khác đang bỏ trốn, gây khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án. Các bị cáo bỏ trốn không ra đầu thú coi như từ bỏ quyền tự bào chữa.

Được Hội đồng xét xử chỉ định bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Luật sư Dương Văn Nghị cho biết, trong quá trình bảo vệ thân chủ đã gặp khó khăn vì thực tế không thể tiếp xúc được với bị cáo để thu thập các tài liệu, chứng cứ, cũng không thể biết "có nhận tội hay không nhận tội".

Theo Luật sư, việc bào chữa chỉ có thể căn cứ vào hồ sơ vụ án, kết quả xét hỏi tại tòa, vì bị cáo Nhàn không thể tự bào chữa, không thể trình bày quan điểm về các chứng cứ, tài liệu và lời khai của các bị cáo khác. Với chứng cứ thu thập được và lời khai của các bị cáo khác, Luật sư không thể có chứng cứ chứng minh bị cáo Nhàn vô tội. Qua đó, Luật sư đề nghị Hội đồng xét xử xem xét thân chủ của ông có thực sự là chủ mưu như cáo buộc.

Đối với tội "Đưa hối lộ" mà bị cáo Nhàn bị truy tố, Luật sư cho rằng đã có lời khai của các bị cáo liên quan. Nguồn tiền đưa hối lộ phía VKSND đã dẫn chứng cụ thể, Cơ quan điều tra đã cho thực nghiệm điều tra, quá trình điều tra, Luật sư được tham dự và chứng kiến.

Cũng theo Luật sư, ngoài các chứng cứ mà phía VKSND đưa ra, Luật sư không thu thập được chứng cứ nào khác nên Luật sư không tranh luận với đại diện VKSND về tội "Đưa hối lộ" mà bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị truy tố.

Luật sư của bị cáo Nhàn cũng cho hay, trước khi phạm tội, Chủ tịch Công ty AIC có nhân thân tốt, được tặng nhiều bằng giấy khen. Đối với các vấn đề khác về biện pháp tư pháp, Luật sư không tranh luận.

Tương tự, bào chữa cho Phó Tổng giám đốc AIC Trần Mạnh Hà (đang bỏ trốn), Luật sư Nguyễn Thanh Tùng cho hay không thể có quan điểm chính xác thân chủ của ông có tội hay không có tội.

Luật sư cho rằng, việc bị cáo bị truy tố tội "Đưa hối lộ" chỉ dựa vào lời khai của các bị cáo khác. Trong khi các bị cáo khai về việc nhận tiền này đều không có người làm chứng. Toàn bộ hồ sơ vụ án không có chứng cứ vật chất nào thể hiện việc đưa tiền để các lãnh đạo tỉnh và bệnh viện Đồng Nai chỉ đạo ưu ái trúng thầu.

Luật sư Tùng cũng đưa ra các dẫn chứng cho thấy lời khai về việc nhận tiền của các bị cáo có nhiều mâu thuẫn. "Các lời khai mâu thuẫn phải cho đối chất. Rất tiếc thân chủ tôi không có mặt để làm việc này", Luật sư cho hay.

Trước đó, ông Trần Mạnh Hà bị VKSND đề nghị 12-13 năm tù tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" và 13-14 năm tù tội "Đưa hối lộ", tổng hợp 25-27 năm tù.

HUY HOÀNG

Xét xử vụ AIC: Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 30 năm tù

 
Nguyễn Hoàng Lâm