/ Tin tức
/ Xử lý nghiêm các đối tượng dùng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo

Xử lý nghiêm các đối tượng dùng trạm BTS giả để phát tán tin nhắn lừa đảo

02/11/2023 15:45 |

(LSVN) - Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) vừa thông tin về vụ việc phát hiện và bắt giữ các đối tượng sử dụng trạm BTS giả mạo, phát tán tin nhắn lừa đảo tại TP. Hồ Chí Minh ngày 31/10.

Ảnh minh họa.

Ngày 01/11, Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ TT&TT) cho biết, vào ngày 31/10, cùng với sự phối hợp của Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II thuộc Cục Tần số vô tuyến điện, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an ở khu vực phía Nam và Công an TP. Hồ Chí Minh đã bắt giữ 03 đối tượng liên quan đến hoạt động sử dụng trạm thu phát sóng di động giả mạo (trạm BTS giả mạo) xâm nhập mạng viễn thông công cộng, phát tán tin nhắn lừa đảo.

Cụ thể, khoảng 14h00 chiều ngày 31/10, Trung tâm Tần số vô tuyến điện khu vực II (Trung tâm II) nhận được thông tin có dấu hiệu BTS giả phát tán tin nhắn trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, đoàn công tác của Trung tâm II đã lập tức lên đường, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an ở phía Nam và Công an TP. Hồ Chí Minh làm nhiệm vụ.

Triển khai các thiết bị kỹ thuật hiện đại, khoảng 15h30 ngày 31/10, đoàn công tác liên ngành đã xác định được phương tiện của đối tượng có nguồn phát sóng BTS giả mạo và bí mật giám sát, theo dõi. Đến 16h20 cùng ngày, các đơn vị nghiệp vụ đã bắt quả tang ông V.A.B (là người Việt Nam, sinh năm 1977, quê quán tại Tây Ninh) đang sử dụng bộ thiết bị BTS giả, đặt trên xe ô tô loại 07 chỗ, để xâm nhập mạng viễn thông bất hợp pháp, phát tán tin nhắn quảng cáo, lừa đảo.

Mở rộng điều tra, ngay trong ngày 31/10, cơ quan Công an đã tiến hành bắt giữ thêm 02 đối tượng khác có quốc tịch nước ngoài, được đánh giá có vai trò quan trọng trong việc tổ chức thiết lập lập trạm BTS giả nói trên. Hiện, các cơ quan chức năng đang tiếp tục mở rộng điều tra vụ việc.

Cục Tần số Vô tuyến điện nhận định, đây là vụ việc mà các đối tượng sử dụng thiết bị giả mạo trạm BTS chủng loại mới, lắp đặt trên xe ô tô, thường xuyên di chuyển không có quy luật qua nhiều tuyến đường để tránh cơ quan chức năng phát hiện.

Mặc dù vậy, hành động phát tán tin nhắn giả mạo, lừa đảo của các đối tượng đã nhanh chóng bị phát hiện, ngăn chặn và đối tượng liên quan bị bắt giữ trong thời gian rất ngắn. Kết quả này là nhờ sự vào cuộc phối hợp đồng bộ, kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả giữa các đơn vị của Cục Tần số vô tuyến điện, các lực lượng phòng chống tội phạm công nghệ cao của Bộ Công an và các nhà mạng viễn thông di động.

Trước đó, thống kê cho thấy trong quý III/2023, Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ TT&TT) đã thực hiện xử lý 88 vụ vi phạm về sử dụng tần số. Trong đó, phạt tiền 59 vụ với tổng số tiền 89,4 triệu đồng, cảnh cáo 03 vụ và nhắc nhở 26 vụ. Đặc biệt, cũng trong quý III, Cục Tần số vô tuyến điện phối hợp cùng Bộ Công an phát hiện, xác định và xử lý 04 vụ sử dụng thiết bị giả mạo trạm gốc di động để nhắn tin rác và tin nhắn lừa đảo.

TRẦN QUÝ

Khoảng 134.000 cán bộ, công chức có thể không được tăng lương từ 01/7/2024

Nguyễn Hoàng Lâm