/ Tin tức
/ Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá

Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá

04/01/2024 06:49 |

(LSVN) - Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công thương và các địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp. Đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu...

Ảnh minh họa.

Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên vừa ký ban hành Chỉ thị số 01/CT-BCT triển khai Công điện số 1437/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.

Theo đó, Bộ trưởng Bộ Công thương yêu cầu Vụ Thị trường Trong nước theo dõi chặt chẽ việc thực hiện tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn, kịp thời điều chỉnh phân giao tổng nguồn xăng dầu phù hợp với tình hình thị trường và yêu cầu sản xuất kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp bảo đảm chủ động, tuyệt đối không để thiếu hụt, đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong mọi tình huống, đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế và tiêu dùng của xã hội.

Bên cạnh đó, chỉ đạo các thương nhân kinh doanh xăng dầu, doanh nghiệp, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên cả nước có kế hoạch, phương án kinh doanh, bán lẻ xăng dầu khoa học, hợp lý, khả thi, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán.

Vụ Thị trường Trong nước phải phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan của Bộ Tài chính công bố, điều hành giá xăng dầu bám sát diễn biến giá xăng dầu Thế giới, phù hợp với diễn biến cung cầu xăng dầu trong nước và theo quy định pháp luật, tín hiệu thị trường và bảo đảm hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Cùng với đó, phối hợp với các cơ quan thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đề xuất các giải pháp nhằm hỗ trợ các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, thương nhân phân phối xăng dầu tiếp cận nguồn vốn, tạo nguồn và bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Lãnh đạo Bộ Công thương lưu ý Vụ Thị trường Trong nước phối hợp với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Vụ Dầu khí và Than và cơ quan liên quan xây dựng kế hoạch xác định sản lượng của các doanh nghiệp sản xuất xăng dầu trong nước để có cơ sở cân đối nguồn xăng dầu nhập khẩu trong thời gian tới; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc nhằm bảo đảm duy trì liên tục, tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung cho thị trường trong nước.

Cũng tại Chỉ thị 01/CT-BCT này, Bộ trưởng Bộ Công thương giao Vụ Dầu khí và Than theo dõi sát tình hình sản xuất của 02 Nhà máy lọc dầu trong nước, đảm bảo cung ứng đủ xăng dầu cho thị trường theo Kế hoạch đã đăng ký. Trong trường hợp nhà máy dừng vận hành (để bảo trì, bảo dưỡng...), ảnh hưởng đến sản lượng của 02 Nhà máy, phối hợp với Vụ Thị trường Trong nước báo cáo lãnh đạo Bộ để xem xét, có biện pháp xử lý kịp thời.

Đối với Tổng cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng giao tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Bộ Công thương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý nghiêm các vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố phối hợp với Sở Công Thương và các địa phương triển khai các biện pháp nghiệp vụ, xây dựng phương án, kế hoạch, thực hiện kiểm tra thường xuyên, đột xuất đối với việc chấp hành pháp luật trong hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp; Xử lý nghiêm các hành vi găm hàng chờ tăng giá, trục lợi buôn lậu xăng dầu qua biên giới, vi phạm quy định về kinh doanh xăng dầu...

Tại Chỉ thị 01, lãnh đạo Bộ Công thương yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn trong công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu của các doanh nghiệp thuộc phạm vi và địa bàn quản lý. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu trên địa bàn trong việc vận chuyển, lưu thông, phân phối xăng dầu và bảo đảm an ninh trật tự.

Bộ trưởng yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với các đơn vị chức năng tại địa phương hướng dẫn hồ sơ, thủ tục, tạo thuận lợi cho các thương nhân trên địa bàn thực hiện hoạt động kinh doanh, cung ứng xăng dầu; giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu tại địa phương, bảo đảm các thương nhân tuân thủ đúng các quy định của pháp luật hiện hành; giám sát chất lượng xăng dầu trên địa bàn quản lý và thời gian bán hàng, giá bán lẻ xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn...

Đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu cần chấp hành đúng quy định của pháp luật về kinh doanh xăng dầu. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 đã được phân giao (cả về số lượng, chủng loại) để bảo đảm cung cấp liên tục xăng dầu cho các khách hàng.

Tuyệt đối không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh. Trong mọi tình huống phải cung cấp đủ hàng cho cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, bảo đảm đủ nguồn hàng đáp ứng yêu cầu của thị trường; bố trí đủ nhân lực, tổ chức trực hoặc tăng ca để duy trì hoạt động bán hàng thường xuyên, liên tục cho thị trường, nhất là trước, trong và sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

MINH QUÝ

Sẽ xem xét, sửa đổi quy định mua bán, kinh doanh vàng để phù hợp với tình hình mới

Nguyễn Hoàng Lâm