/ Tin tức
/ Xử lý nghiêm hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế

Xử lý nghiêm hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế

20/07/2023 19:43 |

(LSVN) - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn chặt chẽ, đúng quy định, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước.

Ảnh minh họa.

Ngày 20/7, Văn phòng Chính phủ ban hành Văn bản số 5465/VPCP-KTTH truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái về thông tin báo nêu về việc rà soát, xử lý hóa đơn.

Theo đó, Văn bản số 5465/VPCP-KTTH nêu rõ, thời gian vừa qua, báo chí phản ánh việc Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính có ban hành Công văn số 1798/TCT-TTKT ngày 16/5/2023 về rà soát, xử lý hóa đơn không hợp pháp làm khó doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu Bộ Tài chính theo thẩm quyền, chức năng, nhiệm vụ được giao quản lý, giám sát việc phát hành và sử dụng hóa đơn chặt chẽ, đúng quy định, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, sử dụng hóa đơn bất hợp pháp nhằm trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách Nhà nước, cung cấp thông tin đầy đủ kịp thời, công khai, minh bạch cho các cơ quan báo chí, hạn chế thấp nhất tác động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trước đó, báo chí thông tin phản ánh việc Công văn số 1798/TCT-TTKT ngày 16/5/2023 Tổng cục Thuế khiến hàng loạt doanh nghiệp xôn xao, bức xúc khi yêu cầu các doanh nghiệp mua hàng của bên bán là các doanh nghiệp có rủi ro về hóa đơn phải giải trình. Đồng thời, các doanh nghiệp cũng cho rằng, những quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp không nên ở dạng công văn.

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tiến Lập, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, những gì liên quan tới quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp phải quy định trong luật, các vấn đề này không thể quy định trong các văn bản hướng dẫn chi tiết thi hành, đặc biệt là công văn.

Chuyện cơ quan thuế ra văn bản yêu cầu doanh nghiệp mua hàng phải giải trình về hóa đơn mua bán khi doanh nghiệp bán hàng bỏ trốn, mất tích, có thể thấy họ đang né trách nhiệm.

Thời gian qua các doanh nghiệp kêu cứu về vấn đề này rất nhiều vì họ bị treo quyết toán thuế, thậm chí bị cơ quan thuế xử phạt và chế tài bằng nhiều hình thức như không được hoàn thuế VAT.

Cần nhìn vào bản chất vấn đề xem liên quan đến ai, trách nhiệm thuộc về ai. Trường hợp giao dịch mua bán thực hiện giữa hai chủ thể, pháp nhân có thật, việc phát hành hóa đơn là thật, hợp lệ thì giao dịch mua bán hoàn toàn hợp pháp.

Sau mua bán, doanh nghiệp bán hàng có thể bỏ trốn, mất tích, thậm chí có thể bị điều tra, khởi tố thì không liên quan tới giao dịch đã phát sinh. Khi đó, điều tra, xác minh thuộc về cơ quan có thẩm quyền. Doanh nghiệp mua hàng đã trả tiền sòng phẳng rồi, đã nhận được hóa đơn phát hành hợp lệ thì không phải chịu trách nhiệm về những vấn đề xảy ra sau đó.

Với công văn của mình, không còn là chuyện đẩy khó cho doanh nghiệp nữa mà cơ quan thuế đang quy kết cho doanh nghiệp mua hàng trách nhiệm sai. Cơ quan thuế, theo tôi, không có thẩm quyền làm việc này. Doanh nghiệp này không thể chịu trách nhiệm về việc làm của doanh nghiệp khác.

Việc cơ quan thuế bắt doanh nghiệp mua hàng giải trình là đang lẩn trốn trách nhiệm, không bắt được kẻ trộm thì lại đi bắt bất cứ ai trên đường. Không thể thế được.

Doanh nghiệp mua hàng có thể khiếu nại hành chính tới cơ quan thuế về hành vi làm sai. Trường hợp cơ quan thuế vẫn không giải quyết thỏa đáng, doanh nghiệp mua hàng có thể khởi kiện ra tòa.

LÂM NGUYỄN

Đề xuất tăng thời hạn hợp đồng, lương cơ bản cho lao động làm việc ở nước ngoài

Nguyễn Hoàng Lâm