/ Luật sư trực ban
/ Xử lý thế nào với hành vi vận chuyển hàng cấm?

Xử lý thế nào với hành vi vận chuyển hàng cấm?

27/07/2022 02:08 |

(LSVN) - Thế nào là hàng cấm, hành vi vận chuyển hàng cấm bị xử lý thế nào?

  Ảnh minh họa.

Pháp luật quy định thế nào về hàng cấm?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, "Hàng cấm" là những mặt hàng bị Nhà nước cấm buôn bán, kinh doanh hay trao đổi dưới bất cứ hình thức nào. Các hàng hóa này bị cấm do gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, kinh tế, xã hội và môi trường.

Danh mục hàng cấm hiện nay không cố định mà có sự thay đổi, Bộ luật Hình sự cũng quy định nhiều điều luật về hành vi phạm tội liên quan đến hàng cấm như:

- Hàng cấm là các chất ma tuý được quy định là đối tượng của các tội phạm về ma tuý;

- Hàng cấm là các vũ khí quân dụng, là vật liệu nổ, là chất phóng xạ, là chất độc, văn hoá phẩm đổi trụy được quy định là đối tượng của các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng…

- Hàng cấm là các hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối…

Vận chuyển hàng cấm được hiểu là hành vi đưa hàng cấm từ nơi này đến nơi khác dưới bất kỳ hình thức nào. Theo đó, việc vận chuyển có thể thực hiện thông qua các phương thức, thủ đoạn khác nhau như:

- Thông qua đường bộ (ôtô, tàu hoả…);

- Thông qua đường thủy (ghe, xuồng…);

- Thông qua đường hàng không (máy bay)...

Mức phạt tội "Vận chuyển hàng cấm" thế nào?

Cá nhân, pháp nhân thương mại tàng trữ, vận chuyển hàng cấm có thể bị truy cứu hình sự về tội "Tàng trữ, vận chuyển hàng cấm" quy định tại Điều 191, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Cụ thể, mức phạt như sau:

Đối với cá nhân:

Hình phạt chính:

- Khung 01:

Phạt tiền từ 50 - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm nếu tàng trữ, vận chuyển hàng cấm thuộc trường hợp:

Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 50 kg - dưới 100 kg hoặc từ 50 - dưới 100 lít;

Thuốc lá điếu nhập lậu từ 1.500 - dưới 3.000 bao;

Pháo nổ từ 06 kg - dưới 40 kg;

Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm lưu hành, cấm kinh doanh, cấm sử dụng trị giá từ 100- dưới 300 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 50 - dưới 200 triệu đồng;

Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 200 - dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 - dưới 300 triệu đồng;

Hàng hóa dưới mức quy định nêu trên nhưng đã bị xử phạt hành chính hoặc bị kết án về một trong các tội: Tội buôn lậu, Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới…, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

- Khung 02:

Phạt tiền từ 300 triệu - 01 tỉ đồng hoặc phạt tù từ 02 - 05 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Có tổ chức;

Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

Có tính chất chuyên nghiệp;

Thuốc bảo vệ thực vật mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng từ 100 - dưới 300 kg hoặc từ 100 - dưới 300 lít;

Thuốc lá điếu nhập lậu từ 3.000 bao - dưới 4.500 bao;

Pháo nổ từ 40 - dưới 120 kg;

Hàng hóa khác mà Nhà nước cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá từ 300 - dưới 500 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 200 - dưới 500 triệu đồng;

Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá từ 500 triệu - dưới 01 tỉ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 300 - dưới 700 triệu đồng;

Vận chuyển qua biên giới, trừ hàng hóa là thuốc lá điếu nhập lậu;

Tái phạm nguy hiểm.

- Khung 03:

Phạt tù từ 05 - 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:

Thuốc bảo vệ thực vật mà bị cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng 300 kg trở lên hoặc 300 lít trở lên;

Thuốc lá điếu nhập lậu 4.500 bao trở lên;

Pháo nổ 120 kilôgam trở lên;

Hàng hóa khác bị cấm kinh doanh, cấm lưu hành, cấm sử dụng trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 500 triệu đồng trở lên;

Hàng hóa chưa được phép lưu hành, chưa được phép sử dụng tại Việt Nam trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 700.000.000 đồng trở lên.

- Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 - 05 năm.

Đối với pháp nhân thương mại:

- Phạt tiền từ 300 triệu - 01 tỉ đồng với pháp nhân phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, Điều 191, Bộ luật Hình sự;

- Phạt tiền từ 01 - 03 tỉ đồng với pháp nhân phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, d, đ, e, g, h, i, k và l khoản 2, Điều 191, Bộ luật Hình sự;

- Phạt tiền từ 03 - 05 tỉ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng - 03 năm nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3, Điều 191, Bộ luật Hình sự.

- Bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn nếu phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79, Bộ luật Hình sự: Phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thậm chí là gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người.

Ngoài ra, pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 - 200 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 - 03 năm.

QUÝ TRẦN

Trường hợp nào lập hóa đơn điện tử không cần có đủ nội dung?

Lê Minh Hoàng