/ Luật sư trực ban
/ Xử lý tiền cọc như thế nào khi người mua đất không đi công chứng hợp đồng chuyển nhượng?

Xử lý tiền cọc như thế nào khi người mua đất không đi công chứng hợp đồng chuyển nhượng?

18/10/2021 03:04 |

(LSVN) – Tôi ở Vũng Tàu, người mua đất ở TP. Hồ Chí Minh. Tôi và bên mua có thỏa thuận mua bán một mảnh đất vào ngày 11/5/2021 và ngày công chứng, thanh toán đầy đủ vào ngày 10/6/2021. Tuy nhiên, do tháng 6/2021, địa phương nơi người mua cư trú là TP. Hồ Chí Minh áp dụng Chỉ thị số 16 và không được xuống Vũng Tàu. Đến ngày 14/10/2021, người dân được phép di chuyển từ TP. Hồ Chí Minh về Vũng Tàu nhưng vẫn yêu cầu phải xét nghiệm và cách ly nên bên mua không đồng ý. Vậy, xử lý tiền cọc như thế nào khi người mua đất không đi công chứng hợp đồng chuyển nhượng? Bạn đọc N.N. (Vũng Tàu) có hỏi.

Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội.

Về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thị Kiều Trang, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, Điều 3 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự là các cá nhân được tự do thỏa thuận, tự nguyện ý chí. Mọi thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội có hiệu lực thực hiện đối với các bên và được chủ thể khác tôn trọng. Cá nhân phải tự chịu trách nhiệm về việc không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ dân sự.

Do tình hình dịch bệnh nên hai bên không thể tiến hành ký hợp đồng công chứng chuyển nhượng quyền sử dụng đất như thỏa thuận ban đầu. Đây là trường hợp bất khả kháng nên các bên được miễn trách nhiệm dân sự. Sau khi sự kiện bất khả kháng không còn, thì hai bên phải tiếp tục thực hiện thỏa thuận trước đó. Trong trường hợp của bạn, lý do mà bên mua đưa ra để từ chối thực hiện giao kết hợp đồng là không phù hợp vì đây không phải là trở ngại khách quan, bên mua vẫn có thể thực hiện nghĩa vụ của mình.

Bạn nên thỏa thuận với người mua để tìm hướng xử lý phù hợp, hoăc là cho bên mua thêm một thời gian hợp lý để thu xếp công việc hoặc là yêu cầu bên mua thanh toán thêm một phần tiền nữa để đảm chắc chắn họ sẽ thực hiện việc nhận chuyển nhượng thửa đất. Trường hợp hai bên không đạt được thỏa thuận chung thống nhất để giải quyết vấn đề thì vụ việc sẽ giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, khoản 2 Điều 328 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về vấn đề đặt cọc. Cụ thể, trường hợp nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc. Nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác. Trường hợp của bạn, người mua không từ chối việc giao kết hợp đồng mà đang kéo dài thời gian giao kết.

Do đó, bạn cũng nên cho người mua thêm một khoảng thời gian hợp lý nữa để họ sắp xếp công việc. Như vậy việc phạt cọc sẽ hợp lý hơn.

NGỌC LINH

Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh báo cáo việc thu phí xét nghiệm Covid-19 trước ngày 18/10

Admin