(LSVN) - Đại diện Bộ Công thương cho biết, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, Bộ Công thương đã kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ giải quyết khiếu nại liên quan tới tín dụng online.
Theo thông tin từ Bộ Công thương, trong giai đoạn 2019 -2020, tỷ lệ khiếu nại, phản ánh của người tiêu dùng liên quan đến giao dịch cho vay trực tuyến chiếm từ 15 – 20% tỷ lệ phản ánh, khiếu nại trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… Phần lớn nội dung phản ánh, khiếu nại của người tiêu dùng liên quan đến các hành vi cung cấp thông tin về dịch vụ không chính xác, không đầy đủ, gây nhầm lẫn, hiểu nhầm cho người tiêu dùng; Lãi suất, phí vay cao.
Dù thời gian gần đây số lượng khiếu nại, phản ánh về các giao dịch trực tuyến tại Bộ Công thương có xu hướng giảm, trong Quý III/2020, tỷ lệ khiếu nại, phản ánh về giao dịch cho vay trực tuyến chỉ chiếm 12% trong tổng số khiếu nại, phản ánh của lĩnh vực tài chính, ngân hàng, bảo hiểm. Tuy nhiên đây vẫn là vấn đề nhức nhối cần phải kịp thời xử lý.
Cụ thể, hình thức nhắc nợ, đòi nợ kèm theo quấy rối, đe dọa, gây ảnh hưởng đến cuộc sống, tâm lý của người tiêu dùng. Thậm chí có hiện tượng quấy rối, đe dọa người thân, bạn bè, đồng nghiệp của người tiêu dùng để gây áp lực thu hồi nợ. Một số vụ việc có dấu hiệu liên quan đến hoạt động đòi nợ biến tướng, có dấu hiệu của hoạt động “tín dụng đen”.
Trước thực trạng trên, đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ đã kịp thời, nhanh chóng hỗ trợ giải quyết khiếu nại, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Các đơn vị chức năng của Bộ Công thương sẽ phối hợp với công ty liên quan để xác minh, hỗ trợ giải quyết vụ việc. Qua đó, phần lớn khiếu nại đều được giải quyết trên cơ sở công ty và người tiêu dùng đạt được phương án giải quyết thống nhất.
Bên cạnh đó, để hạn chế các vụ việc có dấu hiệu vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, Bộ đã chủ động đăng tải các nội dung lưu ý, cảnh báo, khuyến cáo người tiêu dùng khi thực hiện các giao dịch vay tiền trực tuyến. Bộ thường xuyên tổng hợp và phát hành các tin bài để lưu ý người tiêu dùng một số nội dung cần chú ý khi thực hiện giao dịch vay tiền trực tuyến.
Bộ Công thương còn chủ động phối hợp với các bộ, ban, ngành liên quan để cung cấp, trao đổi thông tin và phối hợp thực hiện các hoạt động. Đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật đã được các đơn vị chức năng của Bộ Công thương chủ động rà soát, đánh giá.
Trường hợp liên quan đến phạm vi quản lý của cơ quan khác, đơn vị chức năng chủ động gửi thông tin để các đơn vị tổng hợp và nghiên cứu, trong đó, chủ yếu là gửi tới Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng của Ngân hàng Nhà nước. Ngoài ra, trong khuôn khổ hoạt động có liên quan do Ngân hàng Nhà nước chủ trì, Bộ Công Thương đều đã cử đại diện tham dự và đóng góp các nội dung chuyên môn.
Đơn vị chức năng thuộc Bộ Công thương cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.
MINH HIỀN (t/h)