/ Đời sống - Xã hội
/ Xử lý triệt để các ổ dịch, không để đứt gãy các hoạt động KT-XH

Xử lý triệt để các ổ dịch, không để đứt gãy các hoạt động KT-XH

05/01/2021 18:09 |

(LSO) - Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2020.

Ảnh minh họa.

Về phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc, thực hiện nghiêm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, doanh nghiệp, đề cao trách nhiệm người đứng đầu; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, theo dõi sát tình hình, bình tĩnh, chủ động ứng phó, bảo vệ tốt nhất sức khỏe và tính mạng của người dân. Thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19, trước hết tập trung mọi nguồn lực khoanh vùng, dập dịch, xử lý kịp thời, triệt để các ổ dịch, nhất là ổ dịch ở Thành phố Đà Nẵng, không để dịch bệnh lây lan.

Các địa phương xây dựng kịch bản ứng phó, phòng, chống dịch Covid-19; đồng thời giữ vững an ninh trật tự, đặc biệt là bảo đảm cung ứng đầy đủ hàng hóa thiết yếu cho nhân dân, không để tình trạng phức tạp xảy ra trên địa bàn.

Bộ Y tế, Bộ Tài chính và các địa phương phối hợp chặt chẽ bảo đảm năng lực cho hệ thống y tế, nhất là việc chuẩn bị sẵn sàng vật tư, trang thiết bị y tế, phương tiện, công cụ xét nghiệm và nguồn nhân lực cho công tác phòng, chống dịch Covid-19; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phối hợp kiểm soát chặt hoạt động xuất nhập cảnh qua các đường mòn, lối mở trên các tuyến biên giới đường bộ; xử lý nghiêm các trường hợp người nước ngoài nhập cảnh trái phép, triệt phá các đường dây đưa người vượt biên nhập cảnh trái phép.

Bộ Công an tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi tái chế vật tư, trang thiết bị y tế đã qua sử dụng, nhất là đối với khẩu trang, găng tay y tế; vi phạm quy định về cách ly trong phòng, chống dịch Covid-19. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Y tế và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh tuyên truyền về các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, vận động toàn dân cài đặt ứng dụng Bluezone - phần mềm hỗ trợ truy vết người nhiễm Covid-19.

Về các nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, căn cứ tình hình và mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nghiên cứu, xem xét thực hiện theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền việc kéo dài thời gian thực hiện một số chính sách, giải pháp hỗ trợ các thành phần kinh tế, người lao động nhằm giảm thiểu tác động của đại dịch Covid-19, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và bảo đảm an sinh xã hội; trong đó tập trung một số nội dung sau:

Tiếp tục quán triệt quan điểm chỉ đạo điều hành của Chính phủ, vừa quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19, vừa tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, không để đứt gãy các hoạt động kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm của năm 2020 và là tiêu chí để đánh giá cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình làm chậm, né tránh nhiệm vụ, trách nhiệm, vi phạm quy định.

Các bộ, cơ quan trung ương và địa phương chủ động rà soát, tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền giải quyết các vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư, xây dựng đối với các dự án đầu tư công.

Các Bộ: Tài chính, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan rà soát, cập nhật kịch bản điều hành quý III, cả năm 2020 và chuẩn bị phương án, giải pháp điều hành năm 2021.

Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp. Từng bộ, ngành, địa phương thành lập Tổ công tác đặc biệt do các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm Tổ trưởng để phối hợp với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ tập trung giải quyết các vướng mắc, thúc đẩy thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài đang dịch chuyển, nhất là từ các công ty đa quốc gia, có công nghệ tiên tiến. Các bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp tập trung vượt qua khó khăn do dịch bệnh gây ra, triển khai quyết liệt nhiệm vụ cổ phần hóa, thoái vốn theo kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao. Tập trung lập quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch tỉnh theo quy định của Luật Quy hoạch, hoàn thành trong năm 2020. Khẩn trương xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng các giải pháp về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế, các ngành, lĩnh vực, các loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, người lao động bị tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; phối hợp điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích mạnh mẽ tổng cầu, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường tiền tệ trong nước và quốc tế, chủ động, linh hoạt trong điều hành các công cụ chính sách tiền tệ để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh do đại dịch Covid-19, đồng thời kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo thanh khoản cho nền kinh tế. Tiếp tục triển khai các giải pháp ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng. Chỉ đạo tổ chức tín dụng tiếp tục tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn vay với lãi suất hợp lý; mở rộng tín dụng phù hợp, nhất là đối với các lĩnh vực ưu tiên.

LSO

/doan-luat-su-tinh-dong-nai-ung-ho-gan-30-trieu-dong-cho-tam-dich-covid-19-tai-tp-da-nang-va-tinh-quang-nam.html