Ảnh minh hoạ.
Chỉ thị nêu rõ, trong nhiều năm qua, việc cung ứng điện cho nền kinh tế luôn được đảm bảo, làm nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, giữ vững an ninh quốc phòng, ổn định xã hội. Tuy nhiên, xét bối cảnh nguồn cung ứng điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo sẽ gặp nhiều thách thức. Trong bối cảnh đó, Thủ tướng yêu cầu trong giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiếp theo, cả nước phải phấn đấu hằng năm tiết kiệm tối thiểu 2,0% tổng điện năng tiêu thụ; giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống điện dưới 6% vào năm 2025; giảm bớt công suất phụ tải đỉnh của hệ thống điện quốc gia thông qua thực hiện các chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM) và điều chỉnh phụ tải điện (DR), ít nhất 1.500 MW vào năm 2025.
Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia). Đến hết năm 2025, phấn đấu 100% chiếu sáng đường phố sử dụng đèn LED.
Để đạt được mục tiêu này, tại Chỉ thị, Thủ tướng yêu cầu mọi tổ chức, cá nhân nghiêm túc, quyết liệt thực hiện triển khai việc tiết kiệm điện. Bộ Công thương xây dựng và triển khai các chương trình khuyến khích điện mặt trời mái nhà trong doanh nghiệp và hộ gia đình, chương trình tuyên truyền phổ biến trang thiết bị tiết kiệm điện trong các hộ gia đình như điều hòa, tủ lạnh, đèn LED, máy giặt...
Đồng thời, mở rộng phạm vi dán nhãn năng lượng, thúc đẩy chuyển đổi thị trường đối với sản phẩm có hiệu suất năng lượng cao; chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện vận hành tối ưu các nhà máy điện và lưới điện truyền tải, phân phối nhằm sử dụng hiệu quả nguồn năng lượng sơ cấp và giảm tổn thất điện năng trên toàn hệ thống.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công thương xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra, giám sát, áp dụng chế tài xử phạt đối với các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức không thực hiện các quy định về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả...
PV