Tàu chở khí hóa lỏng MV Excelsior neo tại cảng Texas, Mỹ. Ảnh: Bloomberg/TTXVN.
Refinitiv cho biết xuất khẩu LNG của Mỹ trong tháng 3 vừa qua đạt khoảng 7,43 triệu tấn, cao hơn so với mức 6,4 tấn trong tháng 2 và vượt qua mức kỷ lục trước đó là 7,25 tấn trong tháng 1/2022. Nhu cầu mua LNG của Mỹ ngày càng tăng khi các nước châu Âu cố gắng cắt giảm nhập khẩu khí đốt từ Nga, đồng thời tìm cách củng cố lượng tồn kho thấp. Châu Âu là khu vực nhập khẩu LNG hàng đầu của Mỹ tháng thứ tư liên tiếp, chiếm khoảng 65% lượng xuất khẩu của Mỹ, trong khi châu Á chiếm khoảng 12% và Mỹ Latinh chiếm 3%.
Ông Reid I'Anson - nhà phân tích hàng hóa tại đơn vị cung cấp dữ liệu Kpler - có trụ sở tại Mỹ nhận định nước này tiếp tục tập trung vào khách hàng châu Âu. Các nhà phân tích cho rằng mặc dù xuất khẩu LNG của Mỹ sang châu Âu đã tăng cao hơn kể từ tháng 11/2021, song châu Âu vẫn cần nhiều nhập khẩu nhiều hơn nữa khi lượng tồn kho khí đốt của khối này chỉ còn khoảng 25%, thấp hơn mức trung bình 5 năm là khoảng 34% cho thời điểm này trong năm.
Ủy ban châu Âu đã đề xuất nâng lượng hàng tồn kho lên 80% vào ngày 01/11, để đáp ứng nhu cầu sưởi ấm cho mùa Đông. Hồi tháng 2 vừa qua, Đức cho biết nước này sẽ xây dựng hai kho cảng để nhập khẩu LNG và tăng lượng dự trữ để giảm sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Ông Vinicius Romano - nhà phân tích của công ty tư vấn Rystad Energy (Na Uy) - cho rằng để giảm thiểu rủi ro, các nước châu Âu phải “noi gương” Đức và chuẩn bị tình huống nguồn cung cắt giảm.
Giá LNG toàn cầu vẫn ở mức cao trong tháng 3 vừa qua. Theo Refinitiv, trong tuần này, giá LNG tiêu chuẩn của châu Âu được giao dịch ở mức 39,22 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (mmBtu), so với mức 28,61 USD/mmBtu trong cùng tuần vào tháng trước đó. Trong khi đó, giá khí đốt giao ngay tại châu Á trong tuần này được giao dịch ở mức 35 USD/mmBtu, giảm so với mức 37,50 USD/mmBtu của cùng kỳ tháng 2 vừa qua.
TTXVN
Nghiên cứu chuyển biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 sang nhóm B