(LSVN) - Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh có 02 Phó Chủ tịch Liên đoàn, 06 Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn và 12 Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc. Đoàn đã có sự phối hợp tích cực trong các hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn do pháp luật và Điều lệ Liên đoàn quy định.
Ngày 18/12/1987, Hội đồng Nhà nước đã thông qua Pháp lệnh Tổ chức Luật sư. Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã được Ủy ban nhân dân Thành phố ra Quyết định số 633, 634 và 635/QĐ-UB cùng ngày 24/10/1989 thành lập, với nhân sự gồm 68 thành viên (28 Luật sư và 40 Luật sư tập sự).
Từ lúc mới thành lập, trụ sở Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đặt tại số 104 Nguyễn Đình Chiểu, phường Đa Kao, quận 1.
Về số lượng thành viên, tính đến cuối tháng 9 năm 2020, Đoàn Luật sư có tổng cộng 6.154 thành viên, trong đó số Luật sư nam: 3.595, số Luật sư nữ: 2.559.
Về danh sách tổ chức hành nghề Luật sư tại Thành phố Hồ Chí Minh cập nhật đến ngày 10/6/2020 có: 1.626 tổ chức hành nghề dưới các loại hình công ty luật hợp danh, công ty luật TNHH 01 thành viên, công ty luật TNHH 02 thành viên trở lên và Văn phòng Luật sư.
Ngoài ra, số Luật sư hành nghề với tư cách cá nhân là 350 Luật sư.
Trong nhiệm kỳ VI, tính đến tháng 9/2020 Đoàn Luật sư đã thực hiện 08 đợt đăng ký tập sự hành nghề Luật sư. Đoàn Luật sư cũng đã hoàn tất hồ sơ và đề nghị với Hội đồng kiểm tra kết quả tập sự của Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho tổng cộng 2.668 người tập sự hành nghề Luật sư hoàn thành thời gian tập sự trong 05 năm: 2015, 2016, 2017, 2018 và 2019 tham dự 10 kỳ kiểm tra hết tập sự hành nghề Luật sư.
Công tác đăng ký tập sự được thực hiện theo định kỳ (6 tháng/lần, tương ứng với 2 kỳ kiểm tra hết tập sự), nghiêm túc, chặt chẽ, minh bạch, tạo thuận lợi cho người tập sự.
Qua các kỳ kiểm tra, có khoảng 55% người tập sự đạt yêu cầu và đủ điều kiện trở thành Luật sư. Tuy nhiên, hoạt động tập sự vẫn còn một số tồn tại hạn chế: Vẫn còn trường hợp tập sự chỉ mang tính hình thức, phổ biến đối với những người tập sự làm việc tại các doanh nghiệp, không thường xuyên đến tổ chức hành nghề Luật sư, chỉ ghi danh tập sự cho đủ thủ tục, cũng có một số Luật sư hướng dẫn ít đến văn phòng Luật sư, công ty luật để hướng dẫn người tập sự hành nghề Luật sư.
Trong nhiệm kỳ qua, số Luật sư gia nhập mới của Đoàn là hơn 1.871 Luật sư. Công tác xem xét gia nhập Đoàn được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, minh bạch. Việc gia nhập Đoàn Luật sư do Ban Chủ nhiệm xem xét quyết định tại các cuộc họp định kỳ hàng tháng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư
Chiến lược cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị đã xác định việc đào tạo, phát triển đội ngũ Luật sư không chỉ hướng đến mục tiêu đủ về số lượng mà cần phải có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Có thể khẳng định: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp và trình độ chuyên môn là những nội dung cốt lõi tạo nên chất lượng của đội ngũ Luật sư.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai các hoạt động nâng cao chất lượng đội ngũ Luật sư như sau:
Về công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ Luật sư: Trong nhiệm kỳ 2014-2019, Đảng ủy Đoàn Luật sư đã tổ chức 04 đợt học tập Nghị quyết mới của Đảng cho các đảng viên trong Đảng bộ Đoàn Luật sư. Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Đoàn Luật sư tổ chức 04 buổi sinh hoạt chuyên đề, tập huấn cho đối tượng là đoàn viên thanh niên và người tập sự. Đoàn cũng đã tổ chức 02 lớp bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho hơn 1.000 Luật sư.
Về công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ Luật sư:
Tổng số lượt Luật sư thành viên Đoàn Luật sư đã tham gia bồi dưỡng là: 17.624, trong đó: số Luật sư hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng 16 giờ/năm là 6.756 Luật sư, hoàn thành nghĩa vụ 08 giờ/năm là 4.699 Luật sư (số liệu các năm 2016, 2017, 2018 và 2019). Thực hiện Thông tư số 02/2019/TT-BTP ngày 15/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 05/5/2019, tổng số Luật sư Đoàn đã hoàn thành nghĩa vụ 08 giờ/năm là 2.665 luật sư. Đoàn Luật sư đã giải quyết 12 trường hợp Luật sư đề nghị tạm hoãn, 11 trường hợp Luật sư đề nghị được miễn thực hiện nghĩa vụ bồi dưỡng theo quy định.
Ngoài ra trong nhiệm kỳ, Đoàn Luật sư đã phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức 06 lớp tập huấn kỹ năng quản trị tổ chức hành nghề Luật sư và kiến thức hội nhập quốc tế cho trên 500 Luật sư là Trưởng Văn phòng Luật sư, Giám đốc Công ty luật; phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC tổ chức 01 lớp bồi dưỡng về kỹ năng Luật sư tham gia tố tụng trọng tài cho gần 200 luật sư. Đối với hoạt động bồi dưỡng cho người tập sự, Đoàn Luật sư đã tổ chức 08 đợt bồi dưỡng cho người tập sự chuẩn bị tham dự kỳ kiểm tra kết quả tập sự.
Trong 2 năm 2018, 2019, Ban Chủ nhiệm Đoàn Luật sư cũng đã tổ chức 02 buổi giao lưu trao đổi kinh nghiệm nghề nghiệp Luật sư cùng các sinh viên năm thứ 3 Khoa luật - Trường Đại học Sài Gòn nhằm mục đích hướng nghiệp cho các sinh viên. Ghi nhận thành tích đã đạt được, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã tặng nhiều Bằng khen cho Ban Đào tạo và bồi dưỡng và các Luật sư phụ trách Ban.
Nhìn chung, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của Đoàn tuy đạt được một số kết quả tích cực nhưng vẫn còn một số hạn chế như: Nhu cầu về bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ rất đa dạng, Đoàn Luật sư chưa thể đáp ứng hết do số lượng luật sư quá lớn, tần suất mở lớp thường xuyên nên gặp khó khăn về chuyên đề, báo cáo viên; số lượng luật sư chưa tham gia bồi dưỡng còn nhiều và thực tế không ít Luật sư tham gia một cách hình thức để đáp ứng yêu cầu bắt buộc; Quy định về bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ còn bất cập như thời gian bồi dưỡng tối thiểu 16 giờ/năm chưa phù hợp.
Đoàn Luật sư đã kiến nghị với Bộ Tư pháp về việc sửa đổi Thông tư số 10/2014/TT-BTP ngày 07/04/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của Luật sư. Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư số 02/2019/TT-BTP ngày 15/3/2019, có hiệu lực ngày 05/05/2019, quy định nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư, giảm số giờ bồi dưỡng bắt buộc xuống còn 8 giờ/năm. Tuy nhiên, cho dù có giảm xuống 8 giờ/năm/Luật sư thì với số lượng Luật sư đông nhất nước và ngày càng phát triển, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cũng không thể thực hiện được. Việc quy định xử lý kỷ luật đối với luật sư không hoàn thành nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng bắt buộc là không khả thi và không phù hợp thông lệ quốc tế.
Ngày 29/01/2015, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức trọng thể Lễ Kỷ niệm 25 năm thành lập Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh, với chủ đề “Truyền thống-Đoàn kết - Phát triển”, quyết tâm xây dựng đội ngũ Luật sư “đông đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, vững vàng về bản lĩnh chính trị, trong sáng về đạo đức nghề nghiệp”, xứng đáng là Đoàn Luật sư lớn nhất nước, được vinh dự mang tên Thành phố mang tên Bác Hồ.
Kết quả hoạt động hành nghề của Luật sư
Tổng số vụ án hình sự do Luật sư thành viên Đoàn Luật sư tham gia bào chữa là 10.878, trong đó số vụ án bào chữa theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng là 3.811 vụ. Cụ thể như sau:
- Án dân sự (kể cả án lao động, hôn nhân gia đình): 17.570 vụ;
- Án hành chính: 435 vụ;
- Tư vấn trong các vụ việc kinh doanh thương mại: 11.329 vụ việc;
- Đại diện ngoài tố tụng: 26.071;
- Trợ giúp dịch vụ pháp lý: 27.733 vụ việc;
- Vụ việc tư vấn trợ giúp pháp lý khác: 210.630 vụ việc.
Đoàn luật sư TP. Hồ Chí Minh có 02 Phó Chủ tịch Liên đoàn, 06 Ủy viên Ban Thường vụ Liên đoàn và 12 Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc. Đoàn đã có sự phối hợp tích cực trong các hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam để thực hiện tốt các chức năng, nhiệm vụ của Liên đoàn do pháp luật và Điều lệ Liên đoàn quy định.
Ngoài sự tham gia, đóng góp trực tiếp của các Luật sư thành viên Đoàn Luật sư trong các cơ quan, các đơn vị chuyên môn trực thuộc Liên đoàn, Đoàn Luật sư đã có sự phối hợp chặt chẽ với Liên đoàn trong các hoạt động quản lý Luật sư, bồi dưỡng, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, kỷ luật, góp ý xây dựng pháp luật... Các hoạt động phối hợp này đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Đoàn Luật sư, cũng như tạo thuận lợi cho các mặt công tác của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Ngoài ra, trong nhiệm kỳ vừa qua Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp với Sở Tư pháp - Hội luật gia Thành phố Hồ Chí Minh ký quyết định liên tịch “Ban hành quy chế phối hợp công tác quản lý hoạt động hành nghề luật sư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh” theo quy định của Luật Luật sư.
THANH THANH