/ Dọc đường tố tụng
/ Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được Tòa chia 60% tài sản và giao quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ được Tòa chia 60% tài sản và giao quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên

05/01/2021 17:55 |4 năm trước

LSVNO - HĐXX quyết định cho vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo được ly hôn; giao 60% tài sản và quyền điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ.

LSVNO - HĐXX quyết định cho vợ chồng ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo được ly hôn; giao 60% tài sản và quyền điều hành Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên cho ông Vũ.

Chiều 27/3/2019, TAND TP. HCM xét xử vụ án ly hôn giữa bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ (Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên) tiếp tục với phần phát biểu quan điểm của đại diện Viện kiểm sát (VKS) về việc giải quyết tranh chấp số tiền 2.100 tỷ đồng.

Theo Hội đồng xét xử (HĐXX), việc ông Vũ bổ sung phản tố yêu cầu phân chia 2.100 tỷ đồng của hai vợ chồng tại ba ngân hàng là phù hợp với quy định, không cần phải đưa ra hòa giải trước khi xét xử như quan điểm của đại diện VKS và phía bà Lê Hoàng Diệp Thảo đề cập.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Ảnh: Internet.

Về quan hệ hôn nhân, HĐXX chấp thuận cho bà Thảo và ông Vũ ly hôn. Bởi lẽ, tuy họ từng có thời gian dài hạnh phúc nhưng gần đây có nhiều mâu thuẫn, ngày càng gay gắt trầm trọng, mục đích tình yêu không còn..., nếu kéo dài hai bên đều khổ và đều mong muốn ly hôn.

Đối với 4 người con chung, HĐXX giao bà Thảo chăm sóc, nuôi dưỡng. Ông Đặng Lê Nguyên Vũ có trách nhiệm cấp dưỡng như trước khi xét xử vợ chồng ông đã thỏa thuận.

Tài sản được Tòa phân định ra sao ?

Về tranh chấp tài sản, HĐXX xác định, tổng cộng ông Vũ bà Thảo sở hữu cổ phần trị giá hơn 5.700 tỷ đồng trong các công ty. Việc chia tài sản là cổ phần của vợ chồng về nguyên tắc là chia đôi có tính đến công sức đóng góp của hai bên, ai có đóng góp nhiều hơn được chia nhiều hơn.

Theo nhận định của HĐXX, căn cứ các tài liệu hồ sơ vụ án, có cơ sở xác định ông Đặng Lê Nguyên Vũ sáng lập Trung Nguyên nhờ vào tài sản là bán hai căn nhà của bố mẹ. Ông Vũ là người đứng tên Giấy phép kinh doanh, phát triển công ty. Sau nhiều năm, tăng vốn điều lệ, trải qua các giai đoạn phát triển ông Vũ luôn giữ chức danh Chủ tịch Hội đồng quản trị…; do vậy, HĐXX phân định: “công sức đóng góp của ông Vũ nhiều hơn”.

Căn cứ vào công sức của ông Vũ trong việc thành lập, hoạt động, điều hành Tập đoàn Trung Nguyên, HĐXX nhận định: “Cần thiết giao cho ông Vũ quyền điều hành Trung Nguyên, có như vậy mới đảm bảo quyền lợi của đương sự”.

Về phía bà Thảo, HĐXX đánh giá bà Thảo là người phụ nữ thông minh, có nhiều công sức trong việc chăm sóc 4 con ăn học. Ngoài ra, bà còn tạo lập được thương hiệu cà phê mới và mở công ty tại Singapore. Bà Thảo cũng có nhiều công sức phát triển công ty; nên HĐXX nhận thấy cần thiết chia cho bà Thảo tỷ lệ tương xứng.

Từ nhận định trên, HĐXX phân chia cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ hưởng 60%; bà Lê Hoàng Diệp Thảo 40%.

HĐXX ghi nhận đề nghị của ông Vũ, cho rằng việc chia cổ phần cho cả hai sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp nên để ông Vũ sở hữu các cổ phần của bà Thảo. Ông Vũ sẽ trả lại bằng tiền cho bà Thảo tương ứng với giá trị cổ phần sở hữu. Phương án này sẽ không gây ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp.

Đối với hàng chục bất động sản, HĐXX ghi nhận sự thoả thuận của hai bên, giao cho ông Vũ sở hữu 6 nhà đất đang quản lý, trị giá hơn 350 tỷ đồng. Bà Thảo sở hữu 7 nhà đất trị giá hơn 375 tỷ đồng. Bà Thảo có nghĩa vụ trả lại cho ông Vũ phần chênh lệch 12,5 tỷ đồng.

Về khối tài sản tại các ngân hàng trị giá 1.764 tỷ đồng (thay vì 2.100 tỷ đồng) bà Thảo đang đứng tên, HĐXX xác định đây là tài sản chung, sẽ chia đôi nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên. Theo đó, HĐXX giao bà Lê Hoàng Diệp Thảo tiếp tục quản lý tài sản này, số tiền chênh lệch được cấn trừ vào số cổ phần ông Vũ nhận lại từ bà Thảo.

Tòa cho rằng đề nghị của đại diện VKS là “máy móc”!

Trong phần tranh luận, đại diện VKS giữ nguyên các quan điểm như phiên tòa hôm 25/2/2019 về việc giải quyết yêu cầu xin ly hôn, con chung của bà Thảo và ông Vũ.

Đại diện VKS có một số quan điểm cho rằng, quá trình kiểm sát vụ án về tố tụng, việc thụ lý vụ án HĐXX tuy thực hiện đúng trình tự, nhưng vẫn còn một số sai sót như chưa mở phiên họp công khai chứng cứ chứng minh yêu cầu phản tố của bị đơn. Sau khi có xác minh tài khoản ngân hàng, thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa không mở phiên hòa giải.

Đại diện VKS còn cho rằng, yêu cầu chia tiền, vàng (2.100 tỷ đồng) là yêu cầu mới phát sinh tại tòa. Tuy bị đơn rút yêu cầu nhưng chủ tọa phiên tòa không đình chỉ nên phải cho 2 bên trình bày ý kiến về yêu cầu phản tố này.

Mặt khác, HĐXX không triệu tập đúng người đại diện của ngân hàng. Việc này, đại diện VKS đã có công văn yêu cầu HĐXX khắc phục nhưng đến nay chưa thực hiện. Do đó, đại diên VKS đề nghị HĐXX khắc phục các vi phạm nêu trên để có cơ sở giải quyết vụ án khách quan, toàn diện, đúng quy định pháp luật.

Tuy nhiên, đối với việc đại diện VKS cho rằng tòa có nhiều thiếu sót, HĐXX nhận định quan điểm này là “máy móc”. Các vấn đề khác, HĐXX cho rằng không cần thiết, không ảnh hưởng đến việc xét xử vụ án.

Căn cứ vào hồ sơ vụ án, kết quả tranh luận tại phiên tòa và căn cứ vào yêu cầu của các bên đương sự, HĐXX chấp nhận cho vợ chồng ông Vũ ly hôn; giao 60% tài sản và quyền điều hành tập đoàn cà phê cho ông này vì có công nhiều hơn.

Về án phí, nếu không có kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, thì khi bản án có hiệu lực pháp luật, bà Lê Hoàng Diệp Thảo phải đóng là 300.000 đồng tiền khởi kiện và 33 tỷ đồng án phí tài sản; phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ phải nộp 48 tỷ đồng án phí tài sản. 

Như vậy, nguyên đơn và bị đơn trong vụ ly hôn này phải đóng mức án phí hơn 80 tỷ đồng.

 

Bà Thảo và ông Vũ có 4 con. Năm 2015, sau thời gian dài có nhiều mâu thuẫn, bà Thảo đơn phương ly hôn, đề nghị được nuôi các con. Với cổ phần tại các công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, bà đề nghị hưởng 51% (tương đương 2.114 tỷ đồng) trong Công ty Cổ phần Đầu tư Trung Nguyên - công ty nòng cốt chiếm phần lớn giá trị của Tập đoàn.

Tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Trung Nguyên mỗi người 15% (khoảng 814 tỷ đồng), Công ty Cổ phần cà phê hòa tan Trung Nguyên - G7, mỗi người 7,5% (43 tỷ đồng). Đối với cổ phần của vợ chồng tại 4 công ty còn lại, bà Thảo đồng ý chia cho ông Vũ sở hữu toàn bộ.

Ông Vũ chấp thuận việc các con sống với mẹ, ông cấp dưỡng 10 tỷ đồng mỗi năm. Hai bên thống nhất để bà Thảo và các con sống ở căn nhà trên đường Tú Xương (quận 3), các nhà đất khác chia đôi. Với tài sản hơn 2.100 tỷ đồng tại ngân hàng, ông Vũ đòi chia theo tỷ lệ phần hơn 70/30.

Phía ông Vũ cũng đề nghị hưởng 70% giá trị cổ phần tại tất cả công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên và sẽ thanh toán lại cho bà Thảo bằng tiền mặt đối với số cổ phần còn lại.

Cả hai đều giành quyền điều hành công ty mang thương hiệu cà phê Trung Nguyên. Ông Vũ cho rằng, bà Thảo không phải là người đồng sáng lập mà do ông và gia đình làm chủ. Năm 1996 để có vốn thành lập doanh nghiệp, cha mẹ ông đã bán nhà để có tiền phát triển công ty. Ông là linh hồn, trí tuệ, trái tim của Trung Nguyên. Hiện Trung Nguyên có 200.000 quán cà phê trên cả nước và đang có những đột phát mạnh mẽ cả trong nước và nước ngoài. Việc giao cho ông điều hành Trung Nguyên là tính đến lợi ích lâu dài của doanh nghiệp...

Đông Sơn (tổng hợp)