(LSVN) - Ngày 30/6/2021, Chính phủ ban hành Nghị định 63/2021/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS). Theo đó có quy định cụ thể yêu cầu đối với cơ sở quản lý người nhiễm HIV.
Ảnh minh họa.
Theo đó, Nghị định 63/2021/NĐ-CP nêu rõ cơ sở quản lý người nhiễm HIV phải đảm bảo các yêu cầu gồm:
(1) Bố trí công việc phù hợp với tình hình sức khỏe của đối tượng quản lý nhiễm HIV;
(2) Không bố trí các đối tượng quản lý nhiễm HIV thành đội , tổ hoặc nhóm riêng để học tập, sinh hoạt, lao động, chữa bệnh trừ trường hợp mắc các bệnh phải cách ly theo quy định của pháp luật;
(3) Không bố trí các đối tượng quản lý nhiễm HIV làm công việc dễ bị nhiễm trùng , dễ xây xước da hoặc các công việc khác có khả năng lây truyền HIV cho người khác.
Bên cạnh đó, sau khi tiếp nhận đối tượng quản lý, cơ sở quản lý tổ chức khai thác tiền sử sử dụng ma túy, tình trạng nhiễm HIV, tiền sử điều trị bằng thuốc kháng HIV, điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế để phân loại đối tượng quản lý.
Nghị định này cũng quy định về việc phân loại đối tượng quản lý và thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Cụ thể, đối tượng quản lý đã xác định tình trạng nhiễm HIV được cơ sở quản lý tổ chức điều trị bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Điều 6 Nghị định này. Đối tượng quản lý chưa xác định tình trạng nhiễm HIV được cơ sở quản lý tổ chức tư vấn, xét nghiệm HIV theo quy định tại Điều 5 Nghị định này. Trường hợp đối tượng quản lý quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 Nghị định này, cơ sở quản lý tổ chức điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV theo quy định tại Điều 7 Nghị định này.
Ngoài ra, cơ sở quản lý chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ điều trị HIV/AIDS và hồ sơ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc kháng HIV của đối tượng quản lý.
Nghị định 63/2021/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/7/2021.
NGỌC ANH