/ Tư vấn
/ Yêu cầu 'ly hôn' khi chưa đăng ký kết hôn

Yêu cầu 'ly hôn' khi chưa đăng ký kết hôn

05/01/2021 18:02 |

(LSO) - Cuối năm 2018, tôi và anh H. được gia đình hai bên tổ chức đám cưới. Tuy nhiên, vì khi đó tôi chưa đủ tuổi đăng kí kết hôn và đến nay chúng tôi cũng chưa đi đăng kí kết hôn. Hiện chúng tôi có 1 đứa con riêng, trong quá trình sống chung, vợ chồng có nhiều mâu thuẫn, bất đồng. Vậy giờ tôi muốn ly hôn thì phải làm thế nào, liệu tôi có được quyền nuôi con hay không? Bạn đọc V. T. (Bắc Ninh).

Ly hôn khi chưa đăng ký kết hôn.

Về vấn đề này, Luật sư Hoàng Tùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội xin trả lời như sau:

Đối với trường hợp của bạn T. như sau: Do bạn T. khi tổ chức đám cưới chưa đăng ký kết hôn (do chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn) và hiện tại vẫn chưa tiến hành đăng ký kết hôn thì về pháp luật quan hệ hôn nhân của bạn chưa được xác lập, hai bạn không phải là vợ chồng hợp pháp. Do đó, bạn không cần làm thủ tục ly hôn.

Tuy nhiên, tại khoản 2 Điều 53 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 có quy định như sau:

"2. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn mà có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều 14 của Luật này; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này".

Do đó, nếu bạn làm đơn lên tòa án thì tòa án sẽ vẫn giải quyết cho yêu cầu của bạn, nhưng sẽ không công nhận quan hệ vợ chồng cho hai bạn. Vấn đề yêu cầu về con sẽ được áp dụng các quy định giải quyết tranh chấp quyền nuôi con của trường hợp sống chung như vợ chồng để giải quyết, cụ thể:

"Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con".

Vì vậy cả hai đều có quyền chăm sóc, giáo dục con. Bạn không nói rõ là con bạn đã được bao nhiêu tuổi. Tuy nhiên, theo Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có quy định "con dưới 36 tháng tuổi sẽ do mẹ trực tiếp nuôi dưỡng, trừ trường hợp người mẹ không đủ khả năng hoặc có thỏa thuận khác", và "con từ đủ 07 tuổi thì phải xem xét ý kiến , nguyện vọng của con".

Để việc giành quyền nuôi con trực tiếp thì bạn cần phải đảm bảo tốt các vấn đề liên quan đến tài chính, tinh thần, đời sống cho con.

Thanh Loan

/yeu-cau-chia-phan-tai-san-chung-cua-vo-chong-phat-hien-sau-khi-da-co-ban-an-ly-hon.html