/ Pháp luật - Đời sống
/ Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini theo pháp luật hiện hành

Yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini theo pháp luật hiện hành

14/09/2023 06:38 |

(LSVN) - Ngày 12/9/2023, tại Hà Nội đã xảy ra vụ cháy chung cư mini (09 tầng, 01 tum) ở ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm nhiều người bị thương vong. Vậy, pháp luật hiện hành quy định như thế nào về việc đảm bảo phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini?

Theo Thạc sĩ, Luật sư Nguyễn Đức Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật A&H, theo khoản 3 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014, chung cư là loại hình nhà ở có từ 2 tầng trở lên, gồm nhiều căn hộ, có lối đi, cầu thang chung và có phần sở hữu chung, sở hữu riêng… cho các hộ gia đình. 

Về yêu cầu về phòng cháy chữa cháy đối với chung cư mini, theo các phụ lục ban hành kèm theo Nghị định 136/2020/NĐ-CP, nhà chung cư cao dưới 5 tầng và có khối tích dưới 5.000 m3; nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 2.500 m3; nhà hỗn hợp cao dưới 5 tầng và có tổng khối tích dưới 1.500 m3 phải đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy.

Nhà chung cư, nhà tập thể, nhà ở ký túc xá cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên; nhà hỗn hợp cao từ 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy.

Tại Điều 5 Nghị định số 136/2020/NĐ-CP ngày 24/11/2020 của chính phủ quy định: Nhà chung cư cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên thì phải bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy và chữa cháy sau đây:

Có nội quy, biển cấm, biển báo, sơ đồ hoặc biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy, thoát nạn phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

- Có lực lượng phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tương ứng với loại hình cơ sở, được huấn luyện nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy và tổ chức sẵn sàng chữa cháy đáp ứng yêu cầu chữa cháy tại chỗ theo quy định, trừ trường hợp quy định tại điểm g khoản 3 Điều 31 Nghị định này;

- Có phương án chữa cháy được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Hệ thống điện, chống sét, chống tĩnh điện, thiết bị sử dụng điện, sinh lửa, sinh nhiệt, việc sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt phải bảo đảm an toàn về phòng cháy và chữa cháy phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

Có hệ thống giao thông, cấp nước, thông tin liên lạc phục vụ chữa cháy, hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy và truyền tin báo sự cố, hệ thống báo cháy, chữa cháy, ngăn cháy, ngăn khói, thoát nạn, phương tiện phòng cháy và chữa cháy khác, phương tiện cứu người bảo đảm về số lượng, chất lượng phù hợp với quy chuẩn, tiêu chuẩn về phòng cháy và chữa cháy hoặc theo quy định của Bộ Công an;

Đối với Nhà chung cư cao 7 tầng trở lên hoặc có tổng khối tích từ 5.000 m3 trở lên thì ngoài các điều kiện nêu trên, còn phải có Giấy chứng nhận thẩm duyệt thiết kế và văn bản thẩm duyệt thiết kế (nếu có) và văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy.

Nghiên cứu, hoàn thiện các quy định phòng cháy, chữa cháy với các chung cư mini

Đưa ra kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định, quy chế phòng cháy, chữa cháy với các chung cư mini, các khu vực đông dân cư nhưng đường giao thông chật hẹp,… Luật sư Hùng cho rằng: Các nhà chung cư mini có những đặc thù, khác biệt rất lớn so với các chung cư thông thường như: Diện tích xây dựng nhỏ, diện tích hành lang, cầu thang và các căn hộ thường nhỏ hẹp, xây dựng theo dạng nhà ống, nằm trong các khu dân cư, bị bao bọc các mặt bởi các công trình xây dựng, nhà dân liền kề, nhiều công trình nằm sâu trong ngõ ngách, công tác quản lý và vận hành tòa nhà không chặt chẽ, có hệ thống và bài bản cao như chung cư thông thường,… Do đó, rất dễ phát sinh các sự cố cháy nổ, cũng như gây ra nhiều khó khăn rất lớn cho công tác chữa cháy khi xảy ra hỏa hoạn. 

Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu và xây dựng các quy định, các yêu cầu đảm bảo an toàn về phòng chống cháy nổ và chữa cháy riêng biệt, phù hợp hơn cho các công tình chung cư mini, đặc biệt là các công trình nằm trong các khu dân cư, hoặc nằm sâu trong các ngõ, ngách, thậm chí là phải từ chối cấp phép xây dựng, đầu tư thực hiện dự án tại các vị trí, hoặc các công trình không đảm bảo các điều kiện an toàn về phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

Mặt khác, các cơ quan chức năng và lực lượng phòng cháy, chữa cháy cũng cần xây dựng và chuẩn bị các kịch bản, phương án chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn phù hợp đối với đặc điểm của các nhà chung cư mini hiện nay. Đồng thời, cần phải chú trọng hơn nữa đến việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức, tổ chức tập huấn, diễn tập cho những người dân đang sinh sống tại các chung cư mini, để họ có được các kiến thức và kỹ năng cần thiết trong việc phòng chống cháy nổ, cũng như có thể kịp thời xử lý hiệu quả, bảo vệ được tài sản và tính mạng của mình khi xảy ra sự cố cháy nổ.

Liên quan đến vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng này, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Công điện về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy đối với loại hình nhà ở nhiều căn hộ (thường gọi là chung cư mini).

Trong đó, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội chỉ đạo giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức tổng kiểm tra, rà soát 100% các cơ sở, nhà ở nhiều căn hộ, nhà cho thuê trọ trên địa bàn quản lý, đặc biệt là chung cư mini; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự xây dựng, PCCC theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, yêu cầu, hướng dẫn chủ hộ gia đình, chủ cơ sở khắc phục ngay các tồn tại vi phạm về PCCC, đặc biệt là các hành vi vi phạm dẫn đến cháy lớn, cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản, báo cáo đề xuất giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục trước ngày 30/10/2023.

DUY ANH

Vụ cháy đặc biệt nghiêm trọng tại Thanh Xuân: Khởi tố vụ án, bắt tạm giam chủ chung cư mini

Bùi Thị Thanh Loan