Hiệu lực của ly hôn về nhân thân trong pháp luật triều Nguyễn

27/09/2021 04:01 | 2 năm trước

(LSVN) - Ly hôn là đoạn tiêu giá thú, nên có những hiệu lực quan trọng đối với nhân thân và tài sản của hai người phối ngẫu và những người có liên quan. Trong cổ luật, các nguyên cớ ly hôn đã được quy định khá đầy đủ, trong khi các hiệu lực của sự ly hôn thường không được đề cập đến một cách cụ thể.

Ảnh minh họa.

Có lẽ các nhà làm luật quan niệm về vấn đề này quá tự nhiên và giản dị, đến mức không cần phải quy định. Ở Bộ luật Gia Long cũng không ngoài đặc điểm chung đó. Song thực tiễn của cuộc sống vẫn cứ đặt ra đối với những vấn đề cụ thể cần phải giải quyết, do đó mà các vua sau Gia Long như Minh Mạng, Thiệu Trị đã phải tìm cách bổ sung, bổ túc và tục lệ cổ truyền của dân tộc cũng đã góp phần trong việc giải quyết về nhiều vấn đề còn lại cho phù hợp với phong hóa của dân tộc.

Hiệu lực của sự ly hôn về nhân thân gồm: hiệu lực của sự ly hôn đối với người phối ngẫu và hiệu lực của sự ly hôn đối với các con cái.

Hiệu lực của sự ly hôn đối với người phối ngẫu:

Sự ly hôn làm chấm dứt hiệu lực của giá thú nên các người phối ngẫu, vợ cũng như chồng, được lấy lại sự tự do của mình, các nghĩa vụ phu phụ bị chấm dứt, hai bên đều có thể được tái giá hay cải thú với người khác, mà không có gì cản trở. Các nhà làm luật coi vấn đế này là việc đương nhiên không cần phải quy định. Đó cũng là mục đích chính yêu của định chế xuất thê hay phân dị. Tuy nhiên, trong thực tế còn có vấn để thời kỳ cư sương và vấn đề cấp dưỡng đối với người phối ngẫu bất lực, song không thấy luật pháp minh thị quy định.

Thực ra, cũng có thể nhận thấy một trong 3 trường hợp “tam bất khử” đã giải quyết trường hợp đặc biệt đối với người đàn bà không nơi nương tựa, còn ở người chống do tư cách làm chủ đoàn thể kinh tế của gia đình và con cái nên không được nhà làm luật đặt ra.

Đối với người đàn bà bị ác tật, mục tiêu về nối dõi tông đường không thực hiện được, và có lẽ nó bị xem như là sự võng mạo (dù là trong tương lai) nên nhà gái đã phải chịu trách nhiệm, nhưng theo tục lệ, trong những trường hợp này nhà trai thường chia cho người vợ phải ly hôn một số của cải để làm điều kiện sinh sống hoặc là trợ cấp cho một số tiền thuộc về thuốc men để cho nhà gái có điều kiện chăm lo việc chạy chữa, vì đó là điều mà cả hai bên gia đình đều không muốn. Đối với những trường hợp này, tuy giá thú bị mong đoạn tiêu, nhưng quan hệ về tình cảm giữa bên hai gia đình cũng vẫn không bị sứt mẻ, mà thậm chí còn có sự cảm thông sâu sắc. Chỉ riêng đối với trường hợp người đàn bà phạm tội thông gian thì mới không thể được hưởng các sự giúp đỡ của phía gia đình nhà chồng mà thôi.

Đối với thái độ yên lặng của pháp luật trước vấn đề cư sương có thể nghĩ là nhà làm luật muốn dành cho quyền thừa nhận về tử hệ một cách rộng rãi thuộc người chồng (bởi chồng trước hay là chồng sau) đối với người con đẻ hay là con riêng của vợ. Điều này hoàn toàn phụ thuộc vào công của đóng góp của người chồng trước hay người chồng sau trong thời kỳ còn đang thai nhi, lúc sinh nở và việc nuôi dưỡng đứa trẻ. Đó cũng là một điều phù hợp với thực tế.

Hiệu lực của sự ly hôn đối với các con cái:

Ly hôn làm chấm dứt nghĩa vụ đồng cư nên cũng làm phát sinh những hiệu quả đối với việc giám thủ về con cái. Song đối với cổ luật, người ta đã không có những quy định minh thị về vấn đề này là vì lễ giáo và tục lệ thường giải quyết một cách ổn thỏa các khó khăn đặt ra.

Trong gia đình phụ hệ, lẽ tự nhiên, các con mang họ cha, và sẽ ở lại trong gia đình của người cha. Tục lệ còn cho biết, cũng có khi hai vợ chồng thỏa thuận với nhau để một số con theo cha và một số con theo mẹ. Tuy nhiên, không phải các dây liên lạc về mẫu tử đã bị cắt đứt một cách đoạn tuyệt giữa các con đối với người mẹ đã rời gia đình.

Theo tang chế quy định trong Luật Gia Long, đối với xuất mẫu (tức người mẹ đã ly dị) hay đối với giá mẫu (tức người mẹ đã tái giá) thì các con cũng vẫn phải để tang tề thôi (1 năm) và chống gậy. Tục lệ cũng đã xác nhận về vấn đề này.

So với quy định của pháp luật Việt Nam hiện hành, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định rõ ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.

Về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con sau khi ly hôn, theo Điều 58 Luật Hôn nhân và gia đình việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn được áp dụng theo quy định tại các điều 81, 82, 83 và 84 của Luật này.

Về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn, luật quy định rõ trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo luật định thì việc giải quyết tài sản do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì theo yêu cầu của vợ, chồng hoặc của hai vợ chồng, Tòa án giải quyết theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này.

Trong trường hợp chế độ tài sản của vợ chồng theo thỏa thuận thì việc giải quyết tài sản khi ly hôn được áp dụng theo thỏa thuận đó; nếu thỏa thuận không đầy đủ, rõ ràng thì áp dụng quy định tương ứng tại các khoản 2, 3, 4 và 5 Điều này và tại các điều 60, 61, 62, 63 và 64 của Luật này để giải quyết.

Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng có tính đến các yếu tố sau đây: Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng; Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập; Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập; Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.

Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, nếu không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị; bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.

Tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật này.

Trong trường hợp có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác.

Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.

CẨM NGỌC

Tội tử hình trong Luật Gia Long

Từ khoá : lsvn.vn LSVN hiệu lực