/ Bút ký Luật sư
/ 06 bị cáo được tuyên vô tội trong vụ án 'Vi phạm quy định về cho vay' ở Cần Thơ: Công lý thuộc về lẽ phải

06 bị cáo được tuyên vô tội trong vụ án 'Vi phạm quy định về cho vay' ở Cần Thơ: Công lý thuộc về lẽ phải

06/02/2022 18:15 |

(LSVN) - Chiều 07/01/2022, sau hai ngày xét xử, Hội đồng xét xử TAND TP. Cần Thơ do Thẩm phán Nguyễn Quyến - Chánh tòa Gia đình và người chưa thành niên, TAND TP. Cần Thơ - làm chủ tọa đã tuyên 06 bị cáo trong vụ án “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” gây thiệt hại hơn 300 tỉ đồng tại Agribank Cần Thơ vô tội. Sự kiện này đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận, thậm chí nhiều ý kiến còn khẳng định, đây là “điểm son trong lịch sử tố tụng” ở Việt Nam.

Các bị cáo tại phiên tòa.

Hơn 06 năm, một cáo trạng

Theo Cáo trạng số 26/CT-VKS-P3 ngày 09/07/2018 của VKSND TP. Cần Thơ thì trong khoảng thời gian từ năm 2006 đến 2013, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân (sinh năm 1980, thường trú tại quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ) đã thành lập các doanh nghiệp đăng ký hoạt động nhiều ngành nghề khác nhau.

Với vai trò là Tổng giám đốc, Nhân đã trực tiếp quản lý, điều hành, chỉ đạo thống nhất mọi hoạt động nhằm mục đích vay vốn ngân hàng rồi sử dụng tiền vay trái mục đích gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khoảng tháng 10/2011, Nhân bắt đầu cung cấp tài liệu cho Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam - Chi nhánh Cần Thơ (Agribank Cần Thơ) để lập hồ sơ vay vốn đầu tư dự án “Cụm chế biến nông thủy sản Tây Nam”. Dự án có tổng mức đầu tư là 689 tỉ đồng, trong đó Nhân dự tính vốn tự có của Công ty là 200 tỉ đồng, vay Agribank Cần Thơ 289 tỉ đồng, vay Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) - Chi nhánh Vị Thanh (Hậu Giang) 200 tỉ đồng.

Để hoàn thiện các thủ tục, hồ sơ vay vốn theo quy định, một số cán bộ của Agribank Cần Thơ gồm Lê Thanh Hải (Giám đốc), Trần Huy Liệu (Trưởng phòng Tín dụng), Bùi Tuấn Anh (Cán bộ tín dụng) đã hướng dẫn, giúp đỡ Nhân để vay khoản tiền này.

Ngày 02/01/2012, Hợp đồng tín dụng số 01-/HĐTD.TN được Agribank Cần Thơ duyệt ký và Công ty TNHH MTV Nông thủy sản Tây Nam (Công ty Tây Nam) của Nhân vay số tiền 289 tỉ đồng với mục đích xây dựng nhà máy chế biến nông thủy sản Tây Nam. Từ tháng 01/2012 đến tháng 04/2013, Agribank Cần Thơ đã giải ngân 11 lần cho Công ty Tây Nam với số tiền 258 tỉ đồng, trong đó 194,4 tỉ đồng mua máy móc, thiết bị làm lạnh, cấp đông hưởng 100% lãi suất; 63,6 tỉ đồng để xây dựng kho lạnh, kho gạo hưởng ưu đãi lãi suất chênh lệch. Căn cứ Hợp đồng tín dụng số 01-/HĐTD.TN, từ ngày 31/3/2012 đến 31/7/2014, Agribank Cần Thơ đã ký duyệt hỗ trợ lãi suất cho Công ty Tây Nam 49 lần với tổng số tiền là 61.715.193.995 đồng, trong đó số tiền hỗ trợ lãi suất nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch là 59.475.197.323 đồng và số tiền hỗ trợ lãi suất tín dụng đầu tư phát triển là 2.239.996.672 đồng. Toàn bộ số tiền lãi 61.715.193.995 đồng được Agribank Cần Thơ hạch toán vào tài khoản thu của Bộ Tài chính.

Cũng theo Cáo trạng, khoảng tháng 06/2014, Cục An ninh nông nghiệp nông thôn Bộ Công an phối hợp với Công an TP. Cần Thơ tiến hành xác minh tại Agribank Cần Thơ về khoản hỗ trợ lãi suất cho Công ty Tây Nam, đồng thời Agribank Việt Nam cũng tiến hành kiểm tra khoản vay của Công ty Tây Nam, phát hiện Công ty Tây Nam sử dụng vốn vay sai mục đích nên yêu cầu Agribank Cần Thơ chuyển khoản vay hỗ trợ lãi suất của Công ty Tây Nam sang khoản vay thông thường.

Ngày 01/8/2014 Agribank Cần Thơ và Công ty Tây Nam ký biên bản thỏa thuận với nội dung chuyển khoản vay hỗ trợ lãi suất của Công ty Tây Nam sang khoản vay thông thường và truy thu lại số tiền của lãi suất đã hỗ trợ cho Công ty Tây Nam là 61.715.193.995 đồng. Cùng với việc xem xét các khoản vay của các công ty khác được cho là do Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân đứng sau và từ việc định giá tài sản, các cơ quan tiến hành tố tụng ở Cần Thơ xác định từ năm 2012 đến năm 2015, Nhân, Hải, Liệu đã thống nhất sử dụng các pháp nhân là Công ty Tây Nam, Công ty TNHH MTV Đồng Bằng Xanh, Công ty TNHH MTV TM-DV Nam Bộ Cửu Long, cá nhân Phan Duy Phương (Giám đốc Công ty Công nghệ cao GMS) và Nguyễn Bửu Tâm (Giám đốc Công ty Nam Bộ Cửu Long) lập hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để vay và sử dụng vốn vay sai mục đích gây thiệt hại về tài sản cho Agribank Việt Nam tổng số tiền là 303.683.875.386 đồng.

Tuy nhiên, những gì thể hiện trong cáo trạng lại không hoàn toàn giống như thực tế. Bởi, cho đến nay Agribank Cần Thơ được coi là bên bị hại nhưng lại khẳng định chưa xác định được thiệt hại; quan hệ giữa ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân và phía Ngân hàng là kinh tế, dân sự; thủ tục, quy trình vay vốn bảo đảm bằng tài sản, được thực hiện đúng quy định; tài sản thế chấp có giá trị lớn hơn số tiền vay và tiền vay vẫn đang được đầu tư vào dự án,… Về cáo buộc ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân “đứng sau giật dây” và cố tình làm trái, khi được các Luật sư công bố tại Tòa án, người ta mới biết, trong quá trình thực hiện dự án, do vướng phải một số khó khăn khách quan nên toàn bộ phần công trình xây dựng phải điều chỉnh lại thiết kế, do đó công trình của dự án bị chậm so với tiến độ hơn 01 năm. Vì vậy, giữa Agribank Cần Thơ và Công ty Tây Nam đã thỏa thuận chuyển toàn bộ khoản vay của Công ty Tây Nam sang khoản vay thông thường. Xin nói thêm, trước đó, Agribank Cần Thơ đã có văn bản xác định khoản vay bình thường, được bảo đảm thế chấp tài sản đầy đủ. Từ tháng 08/2015, Bộ Tài chính cũng có văn bản xác nhận không hề có hỗ trợ lãi suất cho Công ty Tây Nam, nhưng ngày 24/12/2015 Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ vẫn ra quyết định khởi tố vụ án về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, để rồi tháng 06/2016 cùng với việc thay đổi tội danh vụ án, ông Nhân bị khởi tố và bắt tạm giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Phát biểu tại tòa, ông Nhân khẳng định: “Cáo trạng nêu rất nhiều nhưng không có chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo và bị cáo không đồng ý với nội dung cáo trạng truy tố”. Các bị cáo khác như Nguyễn Thanh Hải, Trần Huy Liệu (nguyên lãnh đạo Agribank Cần Thơ) cũng phủ nhận hành vi cùng Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân bàn bạc, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm và khẳng định giá trị tài sản bảo đảm để công ty của ông Nhân vay vốn là căn cứ vào kết quả thẩm định giá từ các công ty thẩm định. Phía Agribank Cần Thơ cũng xác nhận đến nay họ chưa xác định thiệt hại.

Dẫu vậy, nhưng không hiểu sao, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ và VKSNĐ TP. Cần Thơ vẫn ra các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đưa ông Nhân cùng 05 người khác vào vòng lao lý với các mức án phạt được đề nghị khá cao. Điều đáng nói là, dù vụ việc trước đó đang được TAND quận Ninh Kiều thụ lý giải quyết, sau hơn 06 năm hồ sơ vụ án có ít nhất 04 lần được trả lại để điều tra bổ sung nhưng không có gì mới, nhưng đến những ngày đầu năm 2022 này VKSND TP. Cần Thơ vẫn một mực “giữ nguyên quan điểm” theo nội dung của cáo trạng cũ để truy tố.

Công lý không lạc đường

Như đã nêu, dựa vào quan điểm và nhận định của mình, ngày 24/12/2015 Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ ra Quyết định số 09 khởi tố vụ án hình sự về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179, Bộ luật Hình sự (BLHS). Nửa năm sau, ngày 21/06/2016 Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ ban hành Quyết định khởi tố vụ án số 01 thay thế Quyết định số 09 ngày 24/12/2015, đổi thành tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo quy định tại Điều 165 BLHS; ngày 16/6/2016 ra Quyết định số 03 khởi tố vụ án về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139 BLHS; ngày 28/06/2016 ra Quyết định số 01 nhập vụ án hình sự. Tiếp đó, ngày 18/08/2017 cơ quan này lại có Quyết định thay thế Quyết định khởi tố vụ án số 01, 02 về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 BLHS; ngày 18/08/2017 ra Quyết định nhập vụ án số 01.

Cùng với đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ đã ban hành các Quyết định khởi tố bị can số đối với Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Trường Thi, Nguyễn Văn Đạt về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” quy định tại Điều 139, BLHS; đối với các cán bộ Agribank Cần Thơ là Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu và Bùi Tuấn Anh về tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” quy định tại Điều 165 BLHS. Dẫu vậy, để phù hợp với nội dung vụ án, sau đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ có Quyết định thay thế Quyết định khởi tố bị can đối với Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Trường Thi, Nguyễn Văn Đạt về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” quy định tại Điều 179 BLHS. Chỉ trong hơn một năm nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng ở Cần Thơ đã ban hành nhiều quyết định khác nhau và tỏ ra khá lúng túng trong việc lựa chọn để áp dụng điều luật đối với vụ án và các bị can.

Sau quá trình điều tra và truy tố, các bị cáo đã hai lần bị TAND TP. Cần Thơ đưa ra xét xử sơ thẩm. Nhưng cả hai lần, đều dừng phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung yêu cầu làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo. Trong quá trình điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra nhiều lần tạm đình chỉ điều tra, rồi phục hồi điều tra nhưng vẫn không có kết luận điều tra bổ sung. Cùng với đó, tại các phiên tòa, đại diện VKSND TP. Cần Thơ luôn giữ nguyên quan điểm xác định thiệt hại tại thời điểm khởi tố (tháng 6/2016) khi cho rằng bị cáo Nhân sau đó mất khả năng thanh toán khoản vay này, gây thiệt hại cho Agribank Cần Thơ trên 303 tỉ đồng. Từ đó, tại phiên tòa diễn ra vào ngày  6- 07/01/2021, đại diện VKSND TP. Cần Thơ tiếp tục đề nghị HĐXX tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Hải 13-14 năm tù; bị cáo Trần Huy Liệu 11-12 năm tù; bị cáo Bùi Tuấn Anh 3 năm tù cho hưởng án treo; bị cáo Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân 11-12 năm tù; hai bị cáo còn lại là Phạm Trường Thi, Nguyễn Văn Đạt có mức án phạt bằng thời gian đã bị tạm giam.

Điều lạ lùng còn được các Luật sư chỉ ra là, hơn 06 năm qua, cùng một lúc có đến hai cơ quan đều thụ lý giải quyết về một quan hệ pháp luật. Cụ thể, do phát sinh trong quan hệ về khoản tiền vay của các công ty của ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân và nhằm giải quyết vụ việc đúng quy định, lãnh đạo Agribank Cần Thơ đã có văn bản trao đổi và được Giám đốc Công an TP. Cần Thơ trả lời việc Agribank Cần Thơ khởi kiện ra TAND quận Ninh Kiều (Cần Thơ) là đúng quy định pháp luật về quan hệ vay nợ của hai bên. Thực tế, Agribank đã khởi kiện và được TAND quận Ninh Kiều thụ lý, giải quyết với hai lần tiến hành hòa giải giữa các bên. Trong khi vụ việc đang được TAND quận Ninh Kiều giải quyết và giữa lúc dự án của Công ty Tây Nam vẫn đang triển khai thì ngày 16/6/2016, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP. Cần Thơ bất ngờ ban hành Quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân để tiến hành điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139, BLHS. Điều này khiến Agribank Cần Thơ té ngửa vì khách hàng của mình bỗng nhiên bị bắt và 03 cán bộ của họ sau đó cũng trở thành bị cáo.

17 Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa ngày 06 - 07/01/2022 đã cung cấp nhiều tài liệu, chứng cứ, lập luận về những dấu hiệu bất thường trong quá trình tố tụng và khẳng định không có căn cứ để kết tội đối với các bị cáo trong vụ án này. Các Luật sư khẳng định, việc xét xử các bị cáo theo Điều 179 BLHS năm 1999 cần phải xác định thiệt hại, trong khi đến thời điểm hiện tại chưa xác định được thiệt hại. Việc xác định thiệt hại chỉ thực hiện được khi xử lý tài sản bảo đảm, tài sản hình thành từ vốn vay. Do vậy, VKSND TP. Cần Thơ truy tố các bị cáo theo Điều 179 BLHS năm 1999 là không có cơ sở. Bên cạnh đó, các Luật sư bào chữa cho bị cáo Nhân cũng cho rằng việc định giá tài sản trong vụ án là không khách quan, không có giá trị pháp lý, thực tế chưa có hậu quả xảy ra vì các khối tài sản thế chấp có giá trị rất lớn, dư để trả nợ cho ngân hàng, vụ án có dấu hiệu hình sự hóa quan hệ kinh tế, dân sự; việc cáo trạng quy kết ông Nhân và các bị cáo khác lập hồ sơ vay, nâng khống giá trị tài sản bảo đảm để vay và sử dụng vốn vay sai mục đích gây thiệt hại về tài sản cho Agribank là không đúng.

Tại phiên tòa ngày 06 - 07/01/2022, HĐXX nhận định: kết luận của hội đồng định giá do cơ quan điều tra trưng cầu có giá trị thấp hơn giá do các công ty thẩm định giá độc lập, giá chuyển nhượng do các Luật sư cung cấp. Tòa dẫn chiếu các văn bản của ngân hàng cho thấy chưa xác định được thiệt hại, trước đó Agribank Cần Thơ đã khởi kiện 03 doanh nghiệp và 02 cá nhân ra TAND quận Ninh Kiều là đúng pháp luật để thu hồi nợ gốc, lãi,… Theo hồ sơ, phía ngân hàng xác định các tài sản thế chấp là hợp pháp, việc thế chấp là đúng trình tự quy định, đến nay chưa xử lý tài sản bảo đảm nên chưa có căn cứ để xác định thiệt hại và khắc phục hậu quả các khoản vay,… Cuối cùng, căn cứ vào hồ sơ vụ án và dựa vào kết quả tranh tụng tại tòa, Hội đồng xét xử tuyên 6 bị cáo Lê Thanh Hải, Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh, Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Trường Thi, Nguyễn Văn Đạt không phạm tội.

Hẳn sẽ còn nhiều vấn đề phải giải quyết sau phiên tòa này, nhưng hậu quả thiệt hại và hệ lụy của nó là khó có thể khỏa lấp không chỉ với những người bị cáo buộc, mà còn là sự tác động, ảnh hưởng về nhiều mặt đối với cộng đồng xã hội.

Là người được mời tư vấn và bào chữa cho các bị cáo từ đầu vụ án nên tôi đã nhận ra ngay những dấu hiệu bất thường trong quá trình tố tụng. Sau hơn 06 năm với biết bao gian nan, vất vả, nhưng phán quyết của phiên tòa hôm 07/01/2022 đã giải tỏa được nhiều điều. Tôi rất hoan nghênh sự sáng suốt, công tâm của Hội đồng xét xử và xin chúc mừng các thân chủ đã được tòa tuyên không phạm tội. Mong sao trong thời gian tới những vụ việc tương tự sẽ không lặp lại và công lý phải được thực thi.

Luật sư HOÀNG VĂN TÙNG 

Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa

BẢO ANH

Thích nghi để nỗ lực góp phần bảo vệ công lý

Lê Minh Hoàng