/ Trao đổi - Ý kiến
/ Thích nghi để nỗ lực góp phần bảo vệ công lý

Thích nghi để nỗ lực góp phần bảo vệ công lý

03/02/2022 15:39 |

(LSVN) - Từ năm 2022, công việc xây dựng và hoàn thiện thể chế đóng vai trò then chốt và xuyên suốt trong các chủ trương, đường lối phát triển của Đảng và Nhà nước. Ngày 03/11/2021, khai mạc Hội nghị trực tuyến toàn quốc thực hiện Kết luận 19-KL/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 01/2022 sẽ tập trung xem xét một số dự án luật nằm trong Chương trình này. Trong bối cảnh đó, đội ngũ luật gia, Luật sư chúng ta phải làm gì để góp phần chung vào Chương trình xây dựng và hoàn thiện thể chế này?

Ảnh minh họa. 

Việc triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV là nhiệm vụ chính trị trọng tâm không chỉ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong nhiệm kỳ này, mà còn là trách nhiệm, nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên hàng đầu của tất cả các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương. Ngày 18/11/2021, tại phiên họp Chính phủ chuyên đề xây dựng pháp luật, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo: Song song với việc nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, cần nâng cao hiệu quả trong tổ chức thực hiện pháp luật, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật theo quan điểm người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể của mọi chính sách, con người vừa là trung tâm, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển.

Chương trình này rất sôi động ngay đầu năm 2022. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định Kỳ họp bất thường của Quốc hội vào tháng 01/2022 sẽ tập trung vào 03 nội dung. Trong đó, trước hết là xem xét dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan hữu quan và Chính phủ hoàn thiện hồ sơ dự án luật, báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình rút gọn.

Với tư cách những chuyên gia pháp lý, với kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động nghề nghiệp của mình, đội ngũ luật gia, Luật sư chúng ta phải tìm hiểu, nắm vững các vấn đề trọng tâm, các nội dung chủ yếu của công việc xây dựng và hoàn thiện thể chế giai đoạn mới để không bị coi là người ngoài cuộc, để thích nghi trong hoạt động thực tiễn và góp phần bảo vệ công lý.

Quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng về hoàn thiện thể chế

Đại hội XIII của Đảng đã xác định cần tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ. Trong đó, cốt yếu là yêu cầu tập trung xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết Đại hội yêu cầu cả về hình thức, nội dung và chất lượng hệ thống pháp luật phải bảo đảm. Hình thức thể hiện các văn bản phải bảo đảm đồng bộ, thống nhất, tránh chồng chéo, trùng lặp giữa các đạo luật, bảo đảm tính khả thi, công khai, minh bạch, có tính ổn định, có khả năng tiên liệu và tuổi thọ tương đối lâu dài.

Tinh thần cơ bản là phải đạt được mục tiêu thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, có sức cạnh tranh quốc tế, lấy quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm nhằm khơi thông nguồn lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển bền vững kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước trong tình hình mới.

Dường như, việc quán triệt tinh thần này là đòi hỏi không chỉ riêng với đội ngũ luật gia, Luật sư chúng ta, nhưng với tư cách những chuyên gia pháp lý, chúng ta phải quán triệt sớm và thấu đáo để lan tỏa đến các tổ chức và cá nhân hữu quan.

Khó khăn nằm ở chỗ, Việt Nam đã hội nhập sâu với việc tham gia một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới: CPTPP, EVFTA, RCEP. Vì thế, dù muốn hay không, thể chế của chúng ta vẫn phải tiệm cận, thậm chí chấp nhận một số nội dung của thể chế quốc tế. Rõ nhất là Bộ luật Lao động 2019 chứa đựng các quy định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Tuyên bố năm 1998 gồm 04 nhóm quyền theo 8 công ước cơ bản của ILO. 04 nhóm quyền này bao gồm: tự do hiệp hội và thúc đẩy thương lượng tập thể; xóa bỏ lao động cưỡng bức; xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử trong việc làm và nghề nghiệp. Trong khi hiện tại, hệ thống văn bản pháp luật của ta còn hàng loạt bất cập. Báo cáo số 411/BC-CP ngày 07/9/2020 của Chính phủ về kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật thuộc các lĩnh vực quản lý Nhà nước cho thấy, hệ thống pháp luật vẫn còn cồng kềnh, phức tạp với số lượng lớn văn bản dưới luật, nhất là văn bản của các bộ, cơ quan ngang bộ. Một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn; tính khả thi, tính dự báo chưa cao, ảnh hưởng đến tính ổn định của hệ thống pháp luật.

Thời gian qua, dù đã có những thay đổi rất tích cực nhưng chất lượng văn bản quy phạm pháp luật vẫn chưa thực sự đáp ứng được nhu cầu từ thực tiễn, đặc biệt, không ít văn bản dù chỉ mới ban hành đã cho thấy sự mâu thuẫn, chồng chéo. Điều này không chỉ làm mất thời gian, lỡ cơ hội đầu tư của doanh nghiệp mà còn làm tăng chi phí và rủi ro đối với hoạt động kinh doanh.

Một số quy định chưa đáp ứng yêu cầu “chính xác, phổ thông, rõ ràng, dễ hiểu” theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, dẫn đến việc hiểu, áp dụng không thống nhất. Một số cơ quan soạn thảo văn bản chưa quan tâm đúng mức đến việc rà soát đầy đủ, kỹ lưỡng quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật liên quan khi sửa đổi, bổ sung, ban hành quy định mới, dẫn đến mâu thuẫn, chồng chéo giữa các quy định. Ví như, Luật Đầu tư công 2019, dù được kỳ vọng sẽ tháo được nút thắt trong việc giải ngân đầu tư công, tuy nhiên, vừa mới ban hành Luật này đã bộc lộ sự bất cập, dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 36,71% (tính đến tháng 7/2021) so với kế hoạch năm 2021, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (40,67%); đặc biệt tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài rất thấp (7,52%); thậm chí còn nhiều cơ quan chưa giải ngân (0%)…

Xây dựng và hoàn thiện thể chế đòi hỏi đáp ứng yêu cầu tương thích các FTA

CPTPP là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam từng tham gia. Việc thực thi Hiệp định này có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam. Là một FTA thế hệ mới, tiêu chuẩn cao đầu tiên mà Việt Nam tham gia, CPTPP có tác động trực tiếp tới nhiều chế định pháp luật nội địa của Việt Nam. Do đó, khác với nhiều FTA trước đây, công tác sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các quy định pháp luật nội địa nhằm bảo đảm tương thích với cam kết là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong quá trình thực thi Hiệp định này.

Trên thực tế, CPTPP là hiệp định đầu tiên sau WTO đòi hỏi Việt Nam phải triển khai các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi cam kết ở phạm vi rộng như vậy. Một phần đáng kể trong số này đã được triển khai trong giai đoạn 2019-2020, với các văn bản được ban hành mới, sửa đổi hặc bổ sung trong nhiều lĩnh vực, ở các cấp độ pháp lý khác nhau. Theo các dự kiến và kế hoạch của Quốc hội, Chính phủ và các bộ ngành thì có tổng cộng 07 luật, 06 nghị định và 06 thông tư cần được sửa đổi hoặc xây dựng mới. Các hoạt động xây dựng pháp luật này dự kiến chia làm 02 đợt: đợt đầu thực hiện với các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và đợt sau thực hiện với các cam kết CPTPP có lộ trình muộn hơn.

Rà soát do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) thực hiện với tổng cộng 11 văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay và 04 văn bản được soạn thảo để chuẩn bị thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực theo lộ trình trong giai đoạn 2019-2021. Các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành để thực thi các cam kết CPTPP có hiệu lực ngay, tất cả 11 văn bản (bao gồm 02 luật, 02 nghị định và 07 thông tư, thực thi 63 nhóm cam kết CPTPP về thương mại hàng hóa, sở hữu trí tuệ, mua sắm công, lao động) đều bảo đảm phù hợp với Hiến pháp Việt Nam (hợp hiến), đúng thẩm quyền, trình tự, thể thức (hợp pháp) và cơ bản hài hòa, không mâu thuẫn với các quy định khác trong hệ thống pháp luật liên quan (thống nhất trong hệ thống pháp luật).

Chương trình hoàn thiện thể chế trong thời gian tới đây có yêu cầu cao về tính minh bạch và tính khả thi. Do vậy, đội ngũ luật gia, Luật sư chúng ta có khối lượng công việc khá lớn trong tiến trình này, bởi lẽ quá trình được chú trọng tính khả thi trên cả hai phương diện. Trước hết, cơ quan soạn thảo cần đặc biệt chú trọng hoạt động tham vấn doanh nghiệp và các đối tượng chịu tác động trong quá trình dự thảo, thông tin cung cấp cho doanh nghiệp nên bao gồm không chỉ dự thảo văn bản mà còn các tài liệu thuyết minh và giải trình. Thứ hai, quá trình thực thi cam kết cần được theo dõi thường xuyên, cần tuyên truyền, phổ biến rộng rãi và thiết lập các đầu mối tư vấn hướng dẫn cụ thể, xử lý ngay các bất cập cũng như sửa đổi, điều chỉnh quy định khi cần thiết.

Các luật gia, Luật sư rất cần vào cuộc khi các hoạt động xây dựng pháp luật thực thi các FTA phải được xem xét mở rộng mục tiêu, xây dựng pháp luật không chỉ để tuân thủ cam kết mà còn để đáp ứng chính nhu cầu nội tại của Việt Nam trong quá trình hội nhập FTA.

Chính phủ ưu tiên cao nhất cho xây dựng và hoàn thiện thể chế

Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 10 luật liên quan đến sản xuất, kinh doanh (Dự án một luật sửa 10 luật) ra đời được cho là giải pháp phù hợp khơi thông “điểm nghẽn” về mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật hiện nay. Không chỉ gỡ khó cho môi trường kinh doanh, tạo động lực mới cho phát triển, Dự án một luật sửa 10 luật còn được cho là giải pháp khơi thông “điểm nghẽn” về mâu thuẫn, chồng chéo pháp luật… Chính phủ cũng đã thảo luận về các đề nghị xây dựng Luật Giá (sửa đổi) do Bộ Tài chính xây dựng; Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) do Bộ Y tế xây dựng; Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng; Luật Lưu trữ (sửa đổi) do Bộ Nội vụ xây dựng; Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi) do Ngân hàng Nhà nước xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao dịch điện tử do Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng. Những Luật được đề nghị xây dựng (sửa đổi) lần này được cho sẽ tập trung tháo gỡ các “điểm nghẽn”, “nút thắt” về thể chế trong các lĩnh vực được coi là “điểm nóng”, được dư luận xã hội, doanh nghiệp, người dân quan tâm; kịp thời ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, như an sinh xã hội, tài chính, hợp tác công - tư,…

Định hướng nêu trên của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ không gì khác ngoài hoàn thiện các quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với cơ chế kiểm tra, giám sát bằng hệ thống pháp luật; ứng dụng thành tựu của khoa học, công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Xây dựng và hoàn thiện thể chế là yêu cầu cấp bách để nâng cao năng lực cạnh tranh trong hội nhập hiện nay, đòi hỏi mọi tổ chức, tầng lớp trong xã hội đồng lòng tham gia một cách tích cực, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của tầng lớp mình.  

Thích nghi để góp phần bảo vệ công lý

Trước thềm Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ III, TS.LS Phan Trung Hoài, Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam nêu nhận định: “Trong đời sống xã hội và thực tiễn tố tụng, có thể nói mỗi sự kiện pháp lý xảy ra, từ người dân bình thường cho đến các doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan Nhà nước đều có nhu cầu nhờ sự hỗ trợ của Luật sư nhằm bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho mình. Vì thế, vai trò của Luật sư trong đời sống và trong tố tụng ngày càng được khẳng định. Tuy nhiên, điều cảm nhận chung là sự phát triển về số lượng chưa tương xứng với nhu cầu và đòi hỏi ngày càng cao của các chủ thể xã hội. Mặc dù có nhiều đóng góp trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền, thực hiện chủ trương cải cách tư pháp nhưng làm sao tạo được sự tin cậy của Đảng và Nhà nước, dấn thân thật sự vào tiến trình bảo vệ công lý, khẳng định được tố chất và kỹ năng hành nghề chuyên nghiệp khi cung cấp dịch vụ pháp lý cho người dân, doanh nghiệp vẫn còn là thách thức lớn của đội ngũ Luật sư Việt Nam”.

Trong giai đoạn 5 năm 2015-2020, Liên đoàn Luật sư Việt Nam và các Luật sư đã có ý kiến đóng góp 139 dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, trong đó có nhiều văn bản pháp luật quan trọng như: Dự thảo Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Tố tụng hành chính, Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Đấu giá tài sản, Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015. Liên đoàn và các Luật sư cũng đóng góp, xây dựng các loại văn bản khác như Pháp lệnh Đào tạo các chức danh tư pháp; dự thảo Nghị định về hòa giải thương mại, dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 123/2013/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Luật sư và biện pháp thi hành; hai dự án luật Luật Đặc xá, Luật Thi hành án hình sự; đề nghị xây dựng Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án… và nhiều dự thảo nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư, đề án, hướng dẫn và các văn bản quy phạm pháp luật khác của các bộ, ngành.

Luật sư là một thiết chế độc đáo của Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân. Luật sư là một trong ba thành phần của hệ thống tư pháp, trong đó vai trò của công tố là buộc tội, Luật sư giữ vai trò gỡ tội, và để trên cơ sở đó tòa án mới phán xét được công bằng, khách quan. Vì thế, nâng cao vai trò của đội ngũ Luật sư trong xây dựng và hoàn thiện thể chế có ý nghĩa thiết thực trong việc bảo đảm công lý, trong việc phòng ngừa và hạn chế các vi phạm, sai sót của quá trình điều tra, xét xử các loại vụ án. Đó cũng là một mặt của việc bảo đảm quyền cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp được thực hiện thực sự trong đời sống của nhân dân.

Trong đó, xây dựng và hoàn thiện thể chế kinh tế là nội dung quan trọng trong giai đoạn hiện nay, nhằm bảo đảm quyền tự do kinh doanh và nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế, thục đẩy tăng trưởng trước những thách thức của thời cuộc. Đội ngũ luật gia, Luật sư có vị thế đặc biệt trong vấn đề này, do đặc thù nghề nghiệp thường xuyên tiếp cận với những bất cập, xung đột trong đời sống kinh tế.

Trong xã hội, ít tầng lớp xã hội nào khác có điều kiện và cơ hội tiếp cận, đụng chạm đến các gay cấn, bức xúc trong các quan hệ kinh tế như các Luật sư. Bởi lẽ, thông qua bốn loại hình hoạt động hành nghề Luật sư theo quy định tại Chương III của Luật Luật sư, các Luật sư dường như hàng ngày đều bắt gặp các tình huống có xung đột trong các quan hệ về tài sản, kinh doanh, thương mại, lao động. Nhờ đó, thông qua việc tham gia tố tụng, các Luật sư đã tích cực giúp cho các cơ quan Nhà nước, cơ quan tiến hành tố tụng khi giải quyết vụ việc tránh và hạn chế được những oan, sai, đem lại sự công bằng cho người dân và xã hội, từ đó góp phần hoàn thiện pháp luật, bảo vệ công lý, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Thực tế, anh chị em luật gia, Luật sư chúng ta không hề dễ dàng tiếp cận và thích nghi với đặc thù về quy mô và tính chất phức tạp của Chương trình xây dựng và hoàn thiện thể chế giai đoạn mới, từ năm 2022. Song buộc chúng ta phải thích nghi để hoàn tất sứ mạng bảo vệ công lý đã được xác định và cũng thấu hiểu rằng “Bảo vệ công lý là bảo vệ uy tín chế độ”, như lời của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi làm việc với Lãnh đạo Liên đoàn Luật sư Việt Nam trước đây.

Luật gia PHAN VĂN TÂN

Phó Giám đốc TTTVPL Hội Luật gia Hà Nội

Một số tồn tại, vướng mắc trong việc định tội danh đối với tội 'Lừa đảo chiếm đoạt tài sản'

Lê Minh Hoàng