Ảnh minh họa.
Thực tiễn cho thấy đa số các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản được cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết, đưa ra xét xử đều đảm bảo xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Tuy nhiên, vẫn còn có vụ điều tra, truy tố, xét xử chưa đúng tội danh có sự nhầm lẫn với một số tội danh khác như tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản" hoặc chưa thống nhất trong việc định tội danh với hành vi làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản... Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ một số quy định của BLHS hiện hành chưa có văn bản hướng dẫn kịp thời áp dụng nên còn có quan điểm, cách hiểu khác nhau. Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của đội ngũ những người tiến hành tố tụng trong định tội danh còn hạn chế... Điều này dẫn đến việc định tội danh trong một số trường hợp chưa chính xác, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, làm giảm uy tín của các cơ quan tư pháp.
Cấu thành tội phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được thể hiện thông qua 4 yếu tố.
Về chủ thể của tội phạm, theo quy định của pháp luật hiện hành, thì chủ thể của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" chỉ là cá nhân. Theo đó, chủ thể của tội phạm là con người cụ thể đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong tình trạng có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi do BLHS quy định tại Điều 12 về tuổi chịu trách nhiệm hình sự. Theo đó, “người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác; Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này”. Do vậy, chủ thể của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" có thể là bất kỳ người nào từ đủ 16 tuổi trở lên có năng lực trách nhiệm hình sự. Nếu từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo quy định tại Điều 174 BLHS năm 2015.
Khách thể của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" là quan hệ sở hữu, ba quyền năng là quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản. Tuy nhiên, mỗi tội phạm đều xâm phạm tới khách thể nhất định đều phải thông qua việc tác động đến đối tượng cụ thể, là bộ phận cấu thành nên khách thể của tội phạm, bị hành vi phạm tội tác động nhằm gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho khách thể bảo vệ của luật hình sự, khoa học luật hình sự gọi đây là đối tượng tác động của tội phạm. Đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thì đối tượng tác động là tài sản, nhưng không phải mọi tài sản đều có thể trở thành đối tượng tác động của tội này, phải có những đặc điểm nhất định, nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu, phải có chủ sở hữu cụ thể với các quyết định có tính chất pháp lý thể hiện quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản. Hơn nữa, tài sản này phải được Nhà nước cho lưu hành và có thể chuyển dịch được giữa các chủ sở hữu, có thể mua bán trao đổi một cách hợp pháp, là tài sản hữu hình, có thực, có thể nhìn thấy, sờ thấy.
Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm bao gồm lỗi, động cơ, mục đích. Tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, người phạm tội nhận thức rõ hành vi chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian đối của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước thiệt hại về tài sản do hành vi của mình gây ra cho người khác và mong muốn hậu quả đó xảy ra, mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản. Nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản mà tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị xử lý về tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của sự xâm hại nguy hiểm đáng kể cho xã hội đến khách thể được bảo vệ bằng pháp luật hình sự. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm gồm: hành vi nguy hiểm cho xã hội; hậu quả nguy hiểm cho xã hội; mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả; các điều kiện bên ngoài của việc thực hiện tội phạm như thời gian, địa điểm, phương tiện, công cụ phạm tội, hoàn cảnh phạm tội.
Về hành vi khách quan của tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", do đặc điểm riêng của tội này nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng thủ đoạn gian dối. Theo đó, hành vi chiếm đoạt tài sản được hiểu là người phạm tội cố ý chuyển dịch một cách trái pháp luật tài sản đang thuộc quyền sở hữu của chủ thể khác thành tài sản của mình. Thời điểm hoàn thành tội phạm này được xác định từ lúc người phạm tội đã chiếm giữ được tài sản (từ 2.000.000 đồng trở lên, hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng kèm theo một trong các dấu hiệu quy định tại điểm a, b, c, d khoản 1 Điều 174 BLHS) sau khi đã dùng thủ đoạn gian đối để làm cho người chủ sở hữu tài sản hoặc người quản lý tài sản bị lừa giao tài sản cho người phạm tội hoặc không nhận tài sản đáng lẽ phải nhận.
Một số lưu ý khi định tội danh đối với tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
Thực tiễn cho thấy, đa số các vụ án đều định tội danh đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, quá trình xử lý vụ án đã tuân thủ đúng quy định của pháp luật, bảo đảm quyền và nghĩa vụ của người tham gia tố tụng. Có được kết quả như vậy là do sự nỗ lực rất lớn từ phía các cơ quan tố tụng, cần lưu ý một số điểm như sau: (i) Tòa án nhân dân Tối cao đã thống nhất trong việc định tội danh trường hợp người thực hiện hành vi làm giả các giấy tờ tài liệu của cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì bị xử lý hình sự về cả hai tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội làm giả, sử dụng con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; (ii) Đánh giá chứng cứ để định tội danh hành vi phạm tội là tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", hay lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm, còn nhiều thiếu sót cần được chú trọng; (iii) Nhầm lẫn giữa tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và tội "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".
Theo phân tích của tác giả, nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên là ở chỗ một số quy định của BLHS hiện hành về tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt nói chung và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nói riêng, chưa có hướng dẫn rõ ràng, chưa được ban hành mới, dẫn đến có quan điểm, đánh giá khác nhau. Bên cạnh đó, một bộ phận người dân không nắm rõ các quy định của pháp luật, cùng với những kẽ hở trong quy trình quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật còn hạn chế, việc nhận diện, phổ biến các thủ đoạn phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" đến tổ chức, cá nhân còn chưa được chú trọng... đã tạo điều kiện cho đối tượng phạm tội có cơ hội để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.
Công tác phát hiện, tố giác tội phạm hiện nay còn gặp nhiều khó khăn do thái độ bất hợp tác từ phía nạn nhân và gia đình nạn nhân. Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án, do thời gian đã xảy ra đã lâu, sự hợp tác không chặt chẽ của người phạm tội, bị hại nên việc giám định, định giá tài sản của cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn, ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án. Có nhiều trường hợp sau khi bị lừa đảo một thời gian dài, người bị hại mới tố cáo hành vi của người phạm tội, do đó việc thu thập chứng cứ đầy đủ, chính xác gặp nhiều khó khăn.
Thiếu sót trong hoạt động thu thập và đánh giá chứng cứ, năng lực chuyên môn của những người tiến hành tố tụng chưa đồng đều, tinh thần trách nhiệm chưa cao khi được giao xét xử các vụ án xâm phạm sở hữu. Công tác tổng kết thực tiễn, tăng cường giải thích, hướng dẫn áp dụng quy định pháp luật về tôi xâm phạm sở hữu và tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" nói riêng thông qua các hội nghị, hội thảo, các chuyên đề, tham luận nghiên cứu khoa học của cơ quan, người tiến hành tố tụng còn chưa sâu rộng.
Giải pháp bảo đảm định tội danh đúng tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"
Thứ nhất, cần có nhiều quy định cụ thể để hạn chế sự tùy nghi trong thực tiễn áp dụng trường hợp một hành vi thỏa mãn đồng thời nhiều dấu hiệu cấu thành tội phạm như tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản", tội "Lừa dối khách hàng"... Hoàn thiện quy định BLHS về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" như: Điều 174 BLHS năm 2015 (tương tự ở Điều 173, Điều 175 BLHS năm 2015) quy định trường hợp chiếm đoạt tài sản dưới 2.000.000 đồng phải kèm theo một trong các dấu hiệu định tội sau mới cấu thành tội phạm: (i) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; (ii) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của BLHS, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, tuy nhiên quy định trên có điểm bất cập đối với hai đối tượng là người từ đủ 18 tuổi trở lên và người dưới 18 tuổi. Cụ thể:
Đối với tình tiết “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm”: Nếu một người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt…” sau đó lại thực hiện một trong các hành vi lừa đảo chiếm đoạt dưới 2.000.000 đồng (hoặc trộm cắp, công nhiên chiếm đoạt, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản dưới 4.000.000 đồng...) thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" hoặc tội tương ứng.
Đối với tình tiết “Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”: Người từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi nếu đã bị kết án về hành vi quy định tại khoản 1 của các Điều 169 (tội "Bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản"), Điều 170 (tội "Cưỡng đoạt tài sản"), Điều 171 (tội "Cướp giật tài sản') hoặc bị kết án về tội phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 của các Điều 172, 173, 175, 290, do các trường hợp này đều là các tội ít nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt đến 03 năm tù), tội nghiêm trọng (mức cao nhất của khung hình phạt đến 07 năm tù) nên người bị kết án không bị coi là có án tích theo quy định tại Điều 107 của BLHS.
Đồng thời, tình tiết “đã bị kết án về hành vi chiếm đoạt… mà chưa được xóa án tích” không thể áp dụng với đối tượng từ đủ 14 đến dưới 16 do họ cũng không được coi là có án tích. Trong khi, người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi bị xử phạt vi phạm hành chính về vi phạm hành chính do cố ý; người từ đủ 16 tuổi trở lên bị xử phạt vi phạm hành chính về mọi vi phạm hành chính.
Như vậy, có thể thấy đối với người dưới 18 tuổi nếu trước đó bị xử phạt hành chính thì lần sau sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong khi người đó bị kết án (hình thức cưỡng chế nặng hơn biện pháp hành chính) thì lần sau lại không phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là điều không hợp lý, do vậy tác giả đề xuất BLHS 2015 cần sửa đổi các tình tiết liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính được mô tả trong cấu thành tội phạm tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" (cũng như một số tội xâm phạm sở hữu) theo hướng sửa đổi tình tiết “Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt…” quy định tại khoản 1 Điều 174 (tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản"), thành “Người từ đủ 18 tuổi đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt…”.
Thứ hai, tăng cường tuyên truyền giáo dục pháp luật, xây dựng cơ sở pháp lý, áp dụng án lệ giải quyết một số vướng mắc trong thực tiễn khi một hành vi có dấu hiệu của nhiều tội danh có tính chất chiếm đoạt như lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa dối khách hàng... tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động lập pháp và áp dụng luật liên quan đến vấn đề này.
Thứ ba, đào tạo đội ngũ Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán mạnh về cả số lượng và chất lượng, bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp vững vàng. Mặt khác, là tội phạm có khá nhiều điểm tương đồng với pháp luật dân sự và bản thân tội phạm này cũng bắt nguồn từ các giao dịch dân sự, vì vậy người có thẩm quyền ngoài việc nắm rõ các quy định của pháp luật hình sự còn phải có vốn kiến thức nhất định về pháp luật dân sự, khả năng đánh giá sự việc và đưa ra kết luận, đó là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay là vi phạm pháp luật dân sự, kinh tế, từ đó mới có thể kết luận chính xác về tội danh của người phạm tội.
Bên cạnh đó, sự thay đổi trong cách thức tổ chức, quản lý là cần thiết nhằm tạo ra sự độc lập giữa các cơ quan trong quá trình giải quyết vụ án hình sự trên cơ sở có sự kết hợp và trao đổi ý kiến, quan điểm để đưa ra kết luận chính xác và thống nhất về hành vi của người phạm tội, đồng thời cần có chính sách hợp lý để đảm bảo điều kiện sống, làm việc của các chủ thể tiến hành tố tụng để họ an tâm công tác, làm việc và cống hiến, từ đó mới có cơ sở để nâng cao chất lượng của hoạt động định tội.
PHẠM LINH TRANG
Tòa án quân sự Quân khu 1
Áp dụng ‘án treo’: Khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị