/ Thư viện pháp luật
/ 09 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự

09 hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự

23/07/2023 19:40 |

(LSVN) - Các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự được quy định rõ tại Điều 10, Luật Phòng thủ dân sự 2023 vừa được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 5.

Ảnh minh họa.

Cụ thể, theo Điều 10, Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng thủ dân sự bao gồm:

- Chống đối, cản trở, cố ý trì hoãn hoặc không chấp hành, sự chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự của cơ quan hoặc người có thẩm quyền; từ chối tham gia tìm kiếm, cứu nạn trong trường hợp điều kiện thực tế cho phép;

- Làm hư hỏng, phá hủy, chiếm đoạt trang thiết bị, công trình phòng thủ dân sự;

- Gây ra sự cố, thảm họa làm tổn hại đến tính mạng, sức khỏe con người; thiệt hại tài sản của Nhà nước, Nhân dân, cơ quan, tổ chức, môi trường và nền kinh tế quốc dân;

- Đưa tin sai sự thật về sự cố, thảm họa;

- Cố ý tạo chướng ngại vật cản trở hoạt động phòng thủ dân sự;

- Xây dựng công trình làm giảm hoặc làm mất công năng của công trình phòng thủ dân sự; xây dựng trái phép công trình trong phạm vi quy hoạch công trình phòng thủ dân sự, công trình phòng thủ dân sự hiện có;

- Sử dụng trang thiết bị phòng thủ dân sự chuyên dụng không đúng mục đích khai thác, sử dụng không đúng công năng của công trình phòng thủ dân sự chuyên dụng;

- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định của pháp luật về phòng thủ dân sự; bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật về phòng thủ dân sự; lợi dụng sự cố, thảm họa để huy động, sử dụng nguồn lực cho phòng thủ dân sự không đúng mục đích;

- Lợi dụng hoạt động phòng thủ dân sự hoặc sự cố, thảm họa để xâm phạm lợi ích Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, tại Điều 6, Luật Phòng thủ dân sự 2023 cũng quy định về thông tin sự cố thảm họa như sau:

- Thông tin về nguy cơ và diễn biến của sự cố, thảm họa phải kịp thời, chính xác, được truyền tải bằng ngôn ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ khác phù hợp với từng loại đối tượng, nhất là đối tượng dễ bị tổn thương. Trường hợp cần thiết được truyền tải bằng tiếng dân tộc thiểu số và tiếng nước ngoài;

- Thông tin cơ bản về sự cố, thảm họa bao gồm loại sự cố, thảm họa; thời gian địa điểm, cường độ, cấp độ, mức độ nguy hiểm của sự cố, thảm họa; dự kiến khu vực ảnh hưởng, dự báo diễn biến của sự cố, thảm họa, cảnh báo và khuyến cáo các biện pháp ứng phó;

- Chính phủ quy định việc sử dụng chung 01 số điện thoại để tiếp nhận thông tin về sự cố, thảm họa trên phạm vi toàn quốc.

Luật Phòng thủ dân sự 2023 này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2024.

MINH TRẦN

Nguyên tắc quản lý, điều tiết giá của Nhà nước

Nguyễn Hoàng Lâm