Bộ sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”gồm 03 tập, 07 chương, ghi lại những chặng đường vẻ vang trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của TAND..
1. Tổ chức Hội nghị Chánh án toàn quốc lần thứ hai
Hội nghị triển khai công tác cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 09/11/2022 của Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết số 27 với mục tiêu đến năm 2030 hoàn thiện công tác tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới đặc biệt nhấn mạnh vai trò, nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp, trong đó có TAND.
Nhận thức được vai trò, chiều 26/02/2023, tại Hội trường Trung tâm Hội nghị Quốc gia, TANDTC đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác Cải cách Tư pháp theo tinh thần Nghị quyết này, với sự tham gia của Chánh án 4 cấp TAND trong cả nước.
Hội nghị tập trung nghiên cứu báo cáo về đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần các Nghị quyết của Đảng về cải cách tư pháp; báo cáo định hướng sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức TAND. Đến năm 2030, cần đẩy mạnh cải cách tư pháp, bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, thẩm phán, hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Nghị quyết cũng nêu những nội dung cốt lõi mà Tòa án phải thực hiện, đó là xây dựng chế định tố tụng tư pháp lấy xét xử là trung tâm, tranh tụng là đột phá; bảo đảm tố tụng tư pháp dân chủ, công bằng, văn minh, pháp quyền, hiện đại, nghiêm minh, dễ tiếp cận, bảo đảm và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Khuôn khổ của hội nghị cũng đã nghe giới thiệu nội dung cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh" của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.
2. Xây dựng và Báo cáo Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi)
Sau nhiều lần tổ chức hội thảo, lấy ý kiến và gửi Ủy ban Tư pháp của Quốc hội để thẩm tra, ngày 09/11/2023, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khóa XV đã cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), với nhiều nội dung đề xuất đáng chú ý liên quan mô hình tổ chức Tòa án; bảo đảm tính độc lập của Tòa án theo thẩm quyền xét xử, nâng cao tính chuyên nghiệp của Thẩm phán…
Qua hơn 08 năm thi hành, Luật Tổ chức TAND năm 2014 đã có nhiều đóng góp quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp, đã thể chế hóa để đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án theo chủ trương của Đảng về xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hiện nay, hệ thống Tòa án đang đứng trước những thách thức lớn như: yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao, trách nhiệm ngày càng lớn; số lượng vụ việc phải giải quyết ngày càng tăng, với tính chất ngày càng đa dạng, phức tạp; yêu cầu nội luật hóa cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên, giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài phát sinh nhiều vấn đề mới;…
Thực trạng đó đang đặt ra yêu cầu phải nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng Tòa án điện tử. Do vậy, phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp thông qua việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND năm 2014, pháp luật liên quan và bố trí các điều kiện bảo đảm để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ. Từ đó, nâng cao vị thế, uy tín, tạo điều kiện để Tòa án Việt Nam phát triển ngang tầm với trình độ phát triển chung của các Tòa án trong khu vực và trên thế giới.
Để tiếp tục thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, đường lối, chính sách trong các nghị quyết, văn kiện của Đảng về cải cách tư pháp, về Tòa án, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết số 27-NQ/TW, việc sửa đổi Luật Tổ chức TAND là hết sức cần thiết. TAND chủ động nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hồ sơ Dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Sửa đổi Luật Tổ chức TAND để tiếp tục hoàn thiện tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động và uy tín của TAND; xây dựng hệ thống Tòa án chuyên nghiệp, hiện đại, công bằng, nghiêm minh, liêm chính, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; hoàn thành trọng trách bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
3. Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo
Trong năm 2023, Tòa án các cấp đã nỗ lực rất lớn, quyết tâm, chủ động trong chỉ đạo, điều hành; đề ra nhiều chủ trương với những giải pháp đột phá, sáng tạo để nâng cao chất lượng xét xử, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao cho các Tòa án đã thụ lý 606.209 vụ việc, đã giải quyết được 540.490 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,16%; cao hơn năm trước 0,26%).
Trong đó, các Tòa án cũng đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm đối với các vụ án kinh tế, tham nhũng, chức vụ là 3.730 vụ với 8.670 bị cáo; xét xử 3.197 vụ với 6.417 bị cáo; thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 975 vụ với 1.913 bị cáo; xét xử 695 vụ với 1.359 bị cáo. Tuyên thu hồi tiền, tài sản tổng số trên 1.859 tỷ đồng; có 163 vụ với 631 bị cáo đã khắc phục hậu quả, nộp lại tài sản đã chiếm đoạt trên 490 tỷ đồng.
Đặc biệt, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được các Tòa án tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, theo tinh thần không có vùng cấm và không có ngoại lệ.
Các Tòa án đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 21 vụ án, đã xét xử 17 vụ án, quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung 03 vụ án (trong đó có 01 vụ được thụ lý lại); thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 15 vụ án, đã xét xử 12 vụ án và thụ lý theo thủ tục giám đốc thẩm 02 vụ án, đã xét xử 01 vụ án. Các Tòa án đã phối hợp tốt với liên ngành tố tụng ở Trung ương chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo như: vụ án Nhật Cường, Tân Hiệp Phát, Việt Á, Tân Hoàng Minh, vi phạm về đấu thầu tại Bệnh viện Bạch Mai, Viện tim Hà Nội, Bệnh viện đa khoa Đồng Nai, Vụ án FLC, vụ án chuyến bay giải cứu…
Sự kiện xử lý nghiêm nhiều vụ án gây ra thiệt hại đặc biệt lớn, gây bức xúc lớn trong xã hội, được đông đảo dư luận trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đánh giá cao, tin tưởng vào đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.
4. Lần đầu tiên phối hợp với VKSND tối cao tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến kết hợp với tập huấn trực tuyến toàn quốc
TANDTC phối hợp với VKSNDTC tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến toàn quốc tháng 9/2023, Chuyên đề "Phiên tòa rút kinh nghiệm trực tuyến của TAND cấp cao tại Đà Nẵng, kết nối trực tiếp trong hệ thống Tòa án", với sự kết nối từ điểm cầu trung tâm – TAND cấp cao tại Đà Nẵng với điểm cầu thành phần – TAND tỉnh Gia Lai, được truyền trực tuyến đến gần 800 điểm cầu trong toàn hệ thống. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình dự và chủ trì Hội nghị tại điểm cầu TANDTC.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu TANDTC có các đồng chí Phó Chánh án, Thẩm phán TANDTC; đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Đây là phiên tòa đầu tiên có sự kết hợp giữa hai giải pháp mang tính đột phá của TAND trong thời gian qua là phiên tòa rút kinh nghiệm và phiên tòa trực tuyến.
Thời gian qua, cùng với việc thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp mang tính đột phá, công tác xét xử của Tòa án nhân dân đã đạt được những thành tựu đáng khích lệ, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân.
Việc tổ chức phiên tòa trực tuyến tại các Tòa án đã chứng minh hiệu quả của phương thức tổ chức xét xử mới này, xét xử nhanh chóng, kịp thời; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của bị can, bị cáo, đương sự, tổ chức và cá nhân có liên quan; tạo cơ chế thuận lợi tổ chức, cá nhân tham gia tố tụng; góp phần bảo đảm tư pháp không chậm trễ; tiết kiệm thời gian và chi phí xã hội; nâng cao năng lực giải quyết, xét xử của Tòa án; bảo đảm hoạt động tư pháp từng bước chuyên nghiệp, hiện đại, phù hợp xu hướng, là bước đi cần thiết cho việc xây dựng Tòa án điện tử.
5. Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Việt Nam – Trung Quốc lần thứ nhất
Nhận lời mời của Chánh án TAND tối cao Trung Quốc, từ ngày 29/06 - 01/07/2023, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Chánh án TANDTC Việt Nam làm trưởng đoàn sang tham dự Hội nghị Tòa án các tỉnh biên giới Trung Quốc - Việt Nam lần thứ nhất, diễn ra tại Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc).
Trong khuôn khổ chuyến công tác, Chánh án TANDTC hai nước đã có buổi hội đàm để trao đổi tình hình hoạt động của hệ thống Tòa án, tiến hành cải cách tư pháp ở mỗi nước và thảo luận kế hoạch hợp tác trong thời gian tới.
Hội thảo đã tạo điều kiện cho các bên chia sẻ kinh nghiệm về đấu tranh phòng, chống tội phạm và tranh chấp dân sự xuyên biên giới; phối hợp nâng cao hiệu quả thực hiện Hiệp định Tương trợ Tư pháp năm 1998 về các vấn đề dân sự và hình sự giữa Việt Nam và Trung Quốc; đồng thời là cơ hội để thiết lập và tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác của Tòa án cấp địa phương của hai nước. Tại hội thảo, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cũng đã có bài phát biểu quan trọng.
Hội thảo đã tiến hành thảo luận về 3 chủ đề là: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin tại Tòa án; Hợp tác giữa các Tòa án cấp tỉnh giáp biên của hai nước và Tống đạt các tài liệu tố tụng liên quan đến các vụ án hình sự và tranh chấp dân sự xuyên biên giới. Thông qua thảo luận các chủ đề trên, Tòa án hai nước mong muốn tìm ra một số định hướng phù hợp và giải pháp hiệu quả nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
Sau khi kết thúc hội đàm, chánh án TAND tối cao hai nước đã chứng kiến lễ ký biên bản ghi nhớ giữa TAND hai tỉnh Quảng Ninh và Lạng Sơn của Việt Nam với TAND cấp cao Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây.
6. Xuất bản cuốn sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”
Quá trình hơn 75 năm xây dựng và phát triển của Tòa án luôn gắn với công cuộc đấu tranh cách mạng và sự nghiệp của Đảng. Lịch sử của Tòa án là một phần của lịch sử Đảng, lịch sử đất nước. Do đó, việc nghiên cứu, ghi lại lịch sử của Tòa án có ý nghĩa to lớn không chỉ đối với nền tư pháp mà còn góp phần hoàn thiện các công trình lịch sử Đảng đã và đang được nghiên cứu.
Để ghi lại những chặng đường vẻ vang trong suốt quá trình xây dựng và phát triển của TAND, Ban cán sự đảng TANDTC đã chỉ đạo nghiên cứu, xây dựng và xuất bản Bộ sách “Lịch sử Tòa án nhân dân Việt Nam”. Bộ sách gồm 03 tập, 07 chương, được biên soạn công phu, đồ sộ, số lượng lên đến hàng nghìn trang sách với nhiều hình ảnh, tư liệu quý, nhiều thông tin hữu ích.
Bộ sách là công trình khoa học có ý nghĩa quan trọng trong việc tổng kết quá trình xây dựng và trưởng thành của TAND; khẳng định những cống hiến, đóng góp quan trọng của Tòa án cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc, sự nghiệp cách mạng của Đảng; đánh dấu sự trưởng thành, lớn mạnh về mọi mặt của hệ thống Tòa án; đúc kết bài học kinh nghiệm lịch sử qua các giai đoạn phát triển; giáo dục truyền thống cho các thế hệ cán bộ Tòa án học tập, noi gương, yêu nghề và tự hào về sứ mệnh bảo vệ công lý rất trọng trách nhưng cũng rất vinh quang.
7. Đoàn công tác đại biểu TAND các cấp thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa
Cũng trong năm, Đoàn công tác số 16 do Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng Hải quân làm Trưởng Đoàn; đồng chí Nguyễn Biên Thùy, Thẩm phán TANDTC làm Phó trưởng Đoàn cùng hơn 200 đại biểu, trong đó có hơn 100 đại biểu là Thẩm phán TANDTC, các lãnh đạo đơn vị, công chức TANDTC và lãnh đạo, Thẩm phán giỏi đến từ Tòa án các tỉnh, thành phố trong cả nước thăm quân, dân huyện đảo Trường Sa.
Trong hải trình 7 ngày, Đoàn công tác số 16 đã đến thăm, giao lưu văn nghệ, trao quà tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A, Trường Sa và DK1/17; tổ chức thăm viếng và dâng hương tại tượng đài Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn trên đảo Song Tử Tây; Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên thị trấn Trường Sa…
Cùng với đó, Đoàn công tác đã tổ chức Lễ tưởng niệm các liệt sĩ đã hy sinh tại vùng biển Cô Lin, Gạc Ma, Len Đao với nghi lễ trang trọng, xúc động, mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc để tưởng nhớ những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Đoàn đã đến thăm và động viên quân và dân trên 4 đảo nổi, 1 nhà dàn DK với hải trình khoảng 1.200 hải lý, tương đương 2.200km. Để có chuyến đi thành công, các đại biểu đã khắc phục khó khăn, bố trí sắp xếp công việc hợp lý, dành thời gian và tình cảm quý báu để đến với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân nơi đầu sóng ngọn gió.
8. Số lượng người truy cập, sử dụng phần mềm Trợ lý ảo đạt mốc 3,4 triệu lượt
Có thể nói, trong những năm qua, việc ứng dụng CNTT vào hoạt động điều hành, xét xử hết sức ấn tượng. Theo đó, các Tòa án các cấp tiếp tục sử dụng và khai thác có hiệu quả hệ thống truyền hình trực tuyến; đẩy mạnh việc triển khai áp dụng các phần mềm nội bộ dùng chung và cung cấp các dịch vụ tư pháp công của TAND lên nền tảng số.
Khai thác, vận hành có hiệu quả Trung tâm giám sát điều hành hoạt động TAND; tiếp tục triển khai sử dụng phần mềm Trợ lý ảo cho toàn bộ Thẩm phán trong hệ thống TAND để phục vụ cho công tác xét xử, đến nay đã có hơn 11.000 Thẩm phán, Thư ký được cung cấp tài khoản, tổng số lượt truy cập vào phần mềm Trợ lý ảo là hơn 3 triệu lượt.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng và Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cùng đại biểu các ban, ngành Trung ương trải nghiệm "Trợ lý ảo" trong hoạt động giám sát và gợi ý các điều luật tại Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động TAND.
Phầm mềm “Trợ lý ảo” ứng dụng công nghệ 4.0 sẽ giúp Thẩm phán trong giải quyết các loại vụ án. Về lâu dài, khi số lượng bản án, quyết định được công bố lên Cổng thông tin điện tử của Tòa án ngày càng nhiều, số lượt tương tác, tham gia ý kiến của người dùng đối với Trợ lý ảo càng lớn thì sẽ tạo nguồn dữ liệu quan trọng cho Trợ lý ảo tìm kiếm, chỉ dẫn áp dụng, tiện ích mà Trợ lý ảo mang lại sẽ ngày càng lớn hơn.
Bên cạnh đó, các phần mềm quản lý việc thụ lý, giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm; Phần mềm quản lý nghiệp vụ thụ lý, giải quyết các loại vụ, việc của Tòa án nhân dân; Phần mềm thống kê - số liệu các loại án; Phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành; Phần mềm quản lý cán bộ công chức và thi đua, khen thưởng; Hệ thống phần mềm quản lý số hóa hồ sơ vụ án; Hệ thống phần mềm quản lý tài sản nhà nước; Phần mềm thư điện tử cũng được khai thác hết sức hiệu quả.
Ngoài ra, dịch vụ công đăng ký trực tuyến cấp sao bản án, tài liệu trong hồ sơ vụ án; Dịch vụ công gửi, nhận đơn khởi kiện, tài liệu, chứng cứ và cấp tống đạt, thông báo văn bản tố tụng của Toà án bằng phương tiện điện tử giúp người dân dễ dàng giải quyết công việc tại Tòa án mọi lúc, mọi nơi mà không cần phải đến trực tiếp trụ sở của Tòa án.
9. Phát động Cuộc thi sáng tác ca khúc về TAND
Cuộc thi nhằm hướng tới kỷ niệm 80 năm ngày Truyền thống TAND (13/9/1945-13/9/2025), nhằm tôn vinh những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, Nhân dân và TAND các cấp; để mọi người dân hiểu rõ hơn về TAND, khơi dậy truyền thống vẻ vang gần một thế kỷ hình thành và phát triển, khắc họa hình ảnh và nét đẹp cũng như ca ngợi sự hy sinh thầm lặng, những khó khăn, vất vả, hiểm nguy nhưng hết sức vinh quang của người Thẩm phán, cán bộ Tòa án trong việc thực hiện quyền tư pháp, bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thông qua hoạt động xét xử.
Các tác phẩm dự thi có giá trị nhất định cả về tư tưởng và nghệ thuật, trở thành những tài sản tinh thần quý giá của TAND, góp phần xây dựng đời sống văn hóa tinh thần, giáo dục chính trị tư tưởng không chỉ cho đội ngũ Thẩm phán, cán bộ trong hệ thống Tòa án, mà còn có ý nghĩa giáo dục chung trong toàn xã hội về sự nghiệp đấu tranh phòng chống tội phạm, bảo vệ công bằng, công lý, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của dân, do dân và vì dân.
10. TANDTC Việt Nam đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước CHDCND Lào trao tặng
Thừa ủy quyền của lãnh đạo Đảng, Nhà nước CHDCND Lào, ngày 22/8/2023, đồng chí Viêng Thoong Sỉ-phăn-đon, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Lào đã trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước CHDCND Lào cho TANDTC Việt Nam.
Đây là phần thưởng cao quý của Nhà nước CHDCND Lào ghi nhận những đóng góp to lớn của TANDTC Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển mối quan hệ hợp tác, tình hữu nghị đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước CHXHCN Việt Nam và CHDCND Lào.
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, được nhận những phần thưởng này vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác giữa hai nước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là sự động viên lớn lao đối với tập thể và cán bộ TAND Việt Nam trong việc gìn giữ, phát triển mối quan hệ hợp tác của TAND hai nước nói riêng cũng như trong sự nghiệp xây dựng và phát triển mối quan hệ gắn bó keo sơn đặc biệt giữa hai Đảng, Nhà nước, nhân dân hai nước nói chung.
PV