Ảnh minh họa.
Theo thông tư, danh mục 101 vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài chính gồm: 30 vị trí việc làm ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và 71 vị trí việc làm ở cấp tổng cục, cấp cục, cấp chi cục.
Cụ thể, 30 vị trí việc làm ở cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện là chuyên viên về quản lý tài sản công; chuyên viên về quản lý giá; chuyên viên về quản lý tài chính doanh nghiệp; chuyên viên về bảo hiểm…
71 vị trí việc làm ở cấp tổng cục, cấp cục, cấp chi cục gồm: chuyên viên về quản lý thuế; nhân viên về giám sát quản lý hải quan; kiểm tra viên về điều tra chống buôn lậu; kiểm tra viên về quản lý rủi ro hải quan…
Thông tư cũng nêu rõ 6 nội dung mô tả công việc của vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành tài chính gồm: Tên vị trí việc làm; Mục tiêu vị trí việc làm; Các công việc và tiêu chí đánh giá; Các mối quan hệ công việc; Phạm vi quyền hạn; Yêu cầu về trình độ năng lực.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/10/2023.
Đối với các vị trí việc làm Nhân viên về kiểm soát chi ngân sách nhà nước và Cán sự về kiểm soát chi ngân sách nhà nước: Bộ Tài chính yêu cầu rà soát, hoàn thiện tiêu chuẩn để chuyển đổi sang vị trí việc làm tương đương hoặc thi nâng ngạch lên vị trí việc làm ngạch cao hơn liền kề đảm bảo trong vòng 06 năm kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực, bãi bỏ vị trí việc làm cán sự về kiểm soát chi ngân sách nhà nước và vị trí việc làm nhân viên kiểm soát chi ngân sách nhà nước quy định tại STT 64 (Cán sự về kiểm soát chi ngân sách nhà nước), STT 65 (Nhân viên về kiểm soát chi ngân sách nhà nước) tại Phụ lục II kèm theo Thông tư này.
Công chức được bố trí, phân công vào vị trí việc làm có ngạch công chức tương ứng với ngạch hiện giữ. Trường hợp công chức đang ở ngạch cao hơn so với ngạch công chức tương ứng của vị trí việc làm được phân công đảm nhiệm thì được bảo lưu ngạch hiện giữ cho đến khi có hướng dẫn mới về chế độ tiền lương theo quy định.
PV