/ Luật sư - Bạn đọc
/ Tiếng chim thánh thót…

Tiếng chim thánh thót…

21/12/2021 10:59 |

(LSVN) - Ông Hà Mạnh Trí, nguyên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao là người có nhiều năm giữ các chức vụ rất cao, nhưng ông chẳng tơ hào tiền của, giàu sang.

Nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao Hà Mạnh Trí. Ảnh: Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao. 

Mặc dù đã được thông báo "Vì dịch Covid-19, hạn chế người đến dự tang lễ ông Hà Mạnh Trí, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân Tối cao...", nhưng chúng tôi, những cán bộ Kiểm sát bạc đầu chẳng ai bảo ai, vẫn tụ quần đông đủ để chờ tiễn ông về quê Đông Thọ, Đông Hưng, Thái Bình. Thương ông, có ai đó thốt lên: ''Ông Trí quá trong sạch, chẳng có của cải gì đáng giá...''. Tôi góp lời: "Hồi tôi được bổ nhiệm, ông Trí ở bên Quốc hội, rủ tôi sang đi ăn trưa. Tới nới, vừa uống xong chén nước, ông hỏi: "Cậu có biết chức vụ để làm gì không?". Tôi trả lời: "Để làm việc! Sao anh lại hỏi em thế?", ông Trí bảo: "Đúng rồi. Tôi hỏi cậu là vì ngày nay không ít người dùng chức vụ để làm tiền đấy...". Thế là mỗi người một ý, một chuyện về ông râm ran…

Đúng là như vậy! Ông Trí có nhiều năm giữ các chức vụ rất cao, nhưng chẳng tơ hào gì tiền của, giàu sang. Tôi thực sự gắn bó với ông từ khi ông cùng ở khu tập thể Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao ở số 108 Trần Hưng Đạo, Hà Nội. Lúc đó, ông đã là lãnh đạo Trường Cao đẳng Kiểm sát, nhưng vẫn lọ mọ "Cơm xoong, nước xô". Ông đi học Trường Cao cấp chính trị, chiều về trên xe đạp tòng teng bó rau, mấy bìa đậu phụ, rồi hì hụi xách nước leo tầng, loẹt xoẹt quét sân dọn vệ sinh khu tập thể.

Một lần nghỉ lễ, tôi và ông hì hụi xách đồ đạc ra bến xe khách Kim Liên để về quê (nhà tôi cách nhà ông một cánh đồng lúa), túi xách của ông có dăm cân gạo mậu dịch. Ông bảo gạo tiết kiệm mang về cho bà xã. Vợ ông là bà Sơn, lúc đó đang học Đại học Y khoa Thái Bình. Ngồi chờ xe tới lượt qua phà Tân Đệ, chiều tà, đói và rét, tôi mua cặp bánh dày 2 đồng. Ăn xong, ông đưa tôi một đồng nhưng tôi gạt đi từ chối. Rồi chúng tôi ngồi lặng lẽ nhìn dòng sông Hồng phờ phạc trôi xuôi, vài con thuyền buồm rách gầy gò oằn mình trước gió mùa đông bắc...

Thời ông làm Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân TP. Hà Nội, một chiều chủ nhật, tôi ghé thăm nhà tại tập thể Kim Liên, gặp ông đang cắt ống quần cũ, đưa để vợ khâu vá, bích kê chiếc quần tây đã rách đũng. Thấy tôi vẻ ái ngại, ông bảo quần này diện thời học ở Liên Xô, còn tốt lắm nên cần tiết kiệm. Tưởng quần đó ông chỉ mặc ở nhà, không ngờ sau đó vài tuần, tôi xuống làm việc tại Hà Nội, thấy Viện trưởng vô tư "diện'' chiếc quần mông đít bích kê nhằng nhịt...

Ngày ông đã làm đến chức Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Ủy viên Trung ương Đảng, ông nghèo cũng chẳng có gì ngoài tiền lương. Khi được Nhà nước phân cho mảnh đất như mọi người, xung quang nhiều căn nhà đã mọc lên lừng lững, nhưng lô đất của ông vẫn bỏ đó. Ông không có tiền làm nhà. Tôi thúc ông, rồi tìm cho ông tốp thợ xây dựng giỏi và cuối cùng là cho ông vay tiền. Đồng nghiệp trong cơ quan cũng sẻ chia, cho ông vay tiền, động viên “quyết liệt” ông mới quyết định làm nhà. Khi làm phần phòng khách căn nhà, ông mới thật mủi lòng. Ông đề nghị thợ đục tường đã xây để lắp chiếc máy lạnh một cục đang dùng mang từ khu tập thể Vạn Bảo về vì ông không đủ tiền để lắp máy hai cục (Chiếc máy lạnh một cục cũ rích hiện vẫn đang còn đó).

Sau khi nhà làm xong, thỉnh thoảng ông lại gọi điện trước là thăm tôi, sau là xin lỗi khất nợ. Có lần ông về Thái Bình công tác, tôi gửi mấy trăm tiền lương cho bà xã nuôi con, ông mang đến tận nhà, cho con tôi gói kẹo và bày tỏ xin lỗi gia đình vì chưa trả được nợ. Rồi loay hoay mãi, ông cũng trả xong khoản nợ mấy chục triệu cho tôi. Thương vợ chồng ông, tôi bày tỏ muốn tặng một chút trong số nợ ấy để "mừng nhà mới" nhưng ông dứt khoát không chịu.

Ngày bố ông Trí ốm nặng, nhân chuyến công tác tại Thái Bình, tôi đạp xe đến thăm ông. Ông là Hà Văn Quý, nhưng làng xã gọi ông là “ông Đồ Hiền”. Trước đây ông là người dạy chữ, với đức tính tốt bụng và hiền hòa nên mọi người gọi ông là Đồ Hiền. Nằm trên giường bệnh trong căn nhà cấp bốn, ông hỏi thăm người đến thăm trước khi tôi thăm hỏi sức khỏe của ông. Ông dặn chúng tôi động viên nhau dũng trí bảo vệ nhân dân, hoàn thành nhiệm vụ của Đảng và Nhà nước. Rồi ông kể chuyện về con trai mình: "Trí nhà tớ nhát lắm. Hồi còn bé, đầu cắt tóc chích chòe, theo mẹ đi chợ Hộ, sợ lạc nên tay cứ túm chặt váy mẹ. Hắn mải xem họ bán thỏ bạch, nên buông váy ra, mẹ cũng không để ý cứ thế đi. Tay Trí lại với tay túm áo theo người khác, khi ngước lên thấy không phải mẹ mình, thế là hắn khóc ngào ngào góc chợ. Thấy thằng cu gầy guộc, khóc tìm mẹ, mọi người tưởng nó bị đói, nên người cho cái bánh giò, người cho nắm lạc luộc, cu cậu cương quyết từ chối. Mấy bà đi chợ bảo nhau: "Con cái nhà ai mà lạ quá, thời buổi đói kém mà cho đồng quà tấm bánh chẳng chịu nhận…”.

Ông Trí nghỉ hưu, ốm đau bệnh tình trầm kha, tiền thuốc men tốn kém vô kể. Tôi và rất nhiều người muốn giúp đỡ nhưng ông không bao giờ đồng ý. Ngày Tết, chúng tôi đến chúc mừng năm mới, lì xì ông chiếc bao hồng mừng xuân, ông quyết không nhận, rồi quay sang lì xì cho chúng tôi. 

Cách đây ít năm, ông gọi điện khoe mua được con chim gáy hiếm, hót những năm tiếng (ngũ thông). Tôi ghé thăm ông. Chiếc lồng tre nhỏ bé trong gian nhà chật, ông ngắm nhìn, cho chim ăn, tiếp nước chim uống, thân thiện như người bạn ruột, mắt ông say đắm. Chim như không phụ lòng người, nhảy nhót, hót vang: "Cúc cù cu cu... Cu...! Cúc cù cu cu... Cu...!". Bà Sơn vợ ông bảo: "Khi mua về chim hót bốn tiếng, không biết ông Trí chăm sóc kiểu gì mà sau nó hót năm tiếng! ". Tôi thẫn thờ đứng lắng nghe tiếng chim thông thoát, hiếm gặp lạ lùng cất lên từ phía ông hoà giữa tiếng còi xe hỗn tạp đang gầm rú thị thành. Nhưng tiếng chim không lẫn vào đâu, vẫn trong trẻo vút cao, vút cao. Bất chợt tôi nhận ra tiếng chim thông trong và cao quý đó đang hót lên từ chính ông.

Đứng đợi tiễn ông về quê, trong ồn ã âm thông, tao tác những ánh mắt buồn trong nhà tang lễ, có tiếng chim gáy ngũ thông từ đâu đó văng vẳng lúc xa, thánh thót khi gần: Cúc cù cu cu.... Cu...! Cúc cù cu….Cu…!

PHẠM HUỲNH CÔNG

Phát triển đội ngũ Luật sư trong tình hình mới: Trọng tâm vẫn là nâng cao chất lượng

Lê Minh Hoàng