/ Luật sư - Bạn đọc
/ 15 con chó bị tiêu hủy vì chủ mắc Covid-19: Chủ vật nuôi có quyền khởi kiện

15 con chó bị tiêu hủy vì chủ mắc Covid-19: Chủ vật nuôi có quyền khởi kiện

11/10/2021 10:59 |

(LSVN) – Dưới góc độ pháp lý, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính những người chở vật nuôi ra khỏi vùng dịch. Riêng đối với vật nuôi, chỉ được phép tiêu hủy nếu xác định chúng mang mầm bệnh trong cơ thể.

Ảnh minh họa. 

Mới đây, thông tin đàn chó của một gia đình chở xe máy từ Long An về Cà Mau tránh dịch Covid-19 bị lực lượng chức năng địa phương tiêu hủy do chủ nhiễm Covid-19 đã khiến cộng đồng mạng phản đối, thậm chí là phẫn nộ.

Cụ thể, vào ngày 08/10, vợ chồng ông H. cùng nhóm người cùng làm thợ hồ chạy xe máy từ Long An về Cà Mau. Sau khi vào khu cách ly tại trường THPT Khánh Hưng để sàng lọc, ngày 5/7 người trong đoàn dương tính với Covid-19. Lúc này, 15 con chó cùng một con mèo của ông H. và một người khác trong đoàn bị cán bộ trong khu cách ly tiêu hủy.

Trước vấn đề này, nhiều người đã đặt ra câu hỏi “Việc tiêu hủy vật nuôi khi chủ mắc Covid-19 có đúng theo quy định pháp luật?”.

Chỉ được phép tiêu hủy nếu xác định vật nuôi mang mầm bệnh

Về vấn đề này, Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, theo thông tin từ Bộ Y tế, chó và mèo nằm trong số những động vật từng được ghi nhận nhiễm SARS-CoV-2 sau khi tiếp xúc với người mắc Covid-19. Vì vậy, hai vật nuôi này thuộc nhóm động vật mẫn cảm với dịch bệnh.

Điều 6 Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có quy định về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi vận chuyển động vật mẫn cảm với dịch bệnh qua vùng có dịch bệnh mà chưa được phép của cơ quan có thẩm quyền nơi có dịch. Trong khi đó, Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế cũng quy định phạt tiền 20 - 30 triệu đồng với hành vi đưa ra khỏi vùng dịch thuộc nhóm A những hàng hóa có khả năng lây truyền dịch bệnh. Nghị định này cũng quy định buộc tiêu hủy các động vật có khả năng lây truyền dịch bệnh được đưa ra khỏi vùng dịch trái phép.

Như vậy, dưới góc độ pháp lý, cơ quan chức năng có thể xử phạt hành chính những người chở chó, mèo ra khỏi vùng dịch. Còn đối với vật nuôi, chỉ được phép tiêu hủy nếu xác định chúng mang mầm bệnh trong cơ thể. Về nguyên tắc, các tang vật vi phạm hành chính không có giá trị sử dụng hoặc có thể gây nguy hiểm cho con người sẽ tiến hành tiêu hủy.

Chủ vật nuôi có quyền khởi kiện

"Trong sự việc này, nếu không xác định được số con chó, mèo trên dương tính với hay mang mầm bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nào khác thì việc tiêu hủy là không có căn cứ, chủ đàn chó có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện theo quy định pháp luật", Luật sư Cường nhận định. 

Theo quy định, động vật, vật nuôi là tài sản. Việc xử lý vi phạm, thu giữ vật nuôi phải đảm bảo có căn cứ, đúng thẩm quyền, đúng trình tự thủ tục luật định. Nếu cá nhân thu giữ, tiêu hủy tài sản của công dân trái quy định pháp luật thì người vi phạm tùy vào tính chất mức độ của hành vi, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra sẽ bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

LINH NHI

TP. HCM: Thống nhất phương án di lại với 4 tỉnh lân cận

Lê Minh Hoàng