Thông tư số 02/2025/TT-BKHĐT quy định danh mục chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam gồm 145 chỉ tiêu thống kê phản ánh 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam gồm:
Mục tiêu 1. Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi.
Mục tiêu 2. Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.
Mục tiêu 3. Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi.
Mục tiêu 4. Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người.
Mục tiêu 5. Đạt được bình đẳng về giới; tăng quyền và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái
Mục tiêu 6. Đảm bảo đầy đủ và quản lý bền vững tài nguyên nước và hệ thống vệ sinh cho tất cả mọi người.
Mục tiêu 7. Đảm bảo khả năng tiếp cận nguồn năng lượng bền vững, đáng tin cậy và có khả năng chi trả cho tất cả mọi người.
Mục tiêu 8. Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục; tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người.
Mục tiêu 9. Xây dựng cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu cao, thúc đẩy công nghiệp hóa bao trùm và bền vững, tăng cường đổi mới.
Mục tiêu 10. Giảm bất bình đẳng trong xã hội.
Mục tiêu 11. Phát triển đô thị, nông thôn bền vững, có khả năng chống chịu; đảm bảo môi trường sống và làm việc an toàn, phân bổ hợp lý dân cư và lao động theo vùng.
Mục tiêu 12. Đảm bảo mô hình sản xuất và tiêu dùng bền vững.
Mục tiêu 13. Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai.
Mục tiêu 14. Bảo tồn và sử dụng bền vững đại dương, biển và nguồn lợi biển để phát triển bền vững.
Mục tiêu 15. Bảo vệ và phát triển rừng bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, phát triển dịch vụ hệ sinh thái, chống sa mạc hóa, ngăn chặn suy thoái và phục hồi tài nguyên đất.
Mục tiêu 16. Thúc đẩy xã hội hòa bình, công bằng, bình đẳng vì sự phát triển bền vững, tạo khả năng tiếp cận công lý cho tất cả mọi người; xây dựng các thể chế hiệu quả, có trách nhiệm giải trình và có sự tham gia ở các cấp.
Mục tiêu 17. Tăng cường phương thức thực hiện và thúc đẩy đối tác toàn cầu vì sự phát triển bền vững.
Danh mục chi tiết 145 chỉ tiêu thống kê phản ánh 17 mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam được quy định tại Phụ lục I Thông tư.
Nội dung chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam quy định tại Phụ lục II Thông tư này gồm khái niệm, phương pháp tính; phân tố chủ yếu; kỳ công bố, nguồn số liệu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.
Về tổ chức thực hiện, Thông tư nêu rõ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan: Thu thập, tổng hợp thông tin thống kê thuộc Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam bảo đảm cung cấp số liệu thống kê đầy đủ, chính xác, kịp thời và đáp ứng yêu cầu so sánh quốc tế; xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam và phổ biến thông tin thống kê các chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam
Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan có liên quan căn cứ vào Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển bền vững của Việt Nam có trách nhiệm thu thập, tổng hợp, biên soạn những chỉ tiêu được phân công và cung cấp cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để tổng hợp chung.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10/3/2025.