Ảnh minh họa.
Đài Tiếng nói Việt Nam có 27 đơn vị
Cụ thể, Nghị định số 92/2022/NĐ-CP ngày 02/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Đài Tiếng nói Việt Nam.
Theo đó, Đài Tiếng nói Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, là đài phát thanh quốc gia, cơ quan truyền thông chủ lực đa phương tiện thực hiện chức năng thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước; góp phần giáo dục, nâng cao dân trí, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân bằng các chương trình phát thanh và các loại hình báo chí, truyền thông đa phương tiện khác.
Về cơ cấu tổ chức, Đài Tiếng nói Việt Nam có 27 đơn vị.
Quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không
Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 về quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không.
Việc ban hành Nghị định nhằm hoàn thiện thể chế, pháp luật về công tác bảo đảm an ninh, trật tự nói chung và công tác quản lý cửa khẩu đường hàng không nói riêng, xác định rõ chức năng nhiệm vụ của các lực lượng trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự tại cửa khẩu đường hàng không, đặc biệt trong bối cảnh hoạt động xuất nhập cảnh qua đường hàng không chiếm tỷ lệ ngày càng cao.
Bên cạnh đó, khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm an toàn tuyệt đối hoạt động của cửa khẩu đường hàng không, hoạt động xuất nhập cảnh qua đường hàng không thuận lợi về mặt thủ tục nhưng cũng chặt chẽ về quy định; hoàn thiện cơ sở pháp lý, triển khai các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật tại cửa khẩu đường hàng không.
Triển khai thực hiện 02 chính sách được Chính phủ xem xét, thông qua gồm có xác định ranh giới các khu vực cửa khẩu đường hàng không và tăng cường biện pháp quản lý khu vực cách ly.
Quy trình biên soạn GDP, GRDP gồm 6 bước
Nghị định số 94/2022/NĐ-CP ngày 07/11/2022 của Chính phủ quy định nội dung chỉ tiêu thống kê thuộc hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia và quy trình biên soạn chỉ tiêu tổng sản phẩm trong nước, chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Nghị định quy định nội dung của 230 chỉ tiêu thuộc danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê. Nội dung của mỗi chỉ tiêu thống kê gồm: Khái niệm, phương pháp tính, phân tổ chủ yếu, kỳ công bố, nguồn số liệu của chỉ tiêu và cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp.
Nghị định quy định quy trình biên soạn GDP, GRDP gồm 6 bước như sau:
- Bước 1. Thu thập thông tin đầu vào phục vụ biên soạn GDP, GRDP.
- Bước 2. Tính các chỉ tiêu phục vụ biên soạn GDP, GRDP.
- Bước 3. Biên soạn số liệu GDP, GRDP.
- Bước 4. Rà soát, đánh giá lại GDP, GRDP.
- Bước 5. Công bố, phổ biến số liệu GDP, GRDP.
- Bước 6. Lưu trữ số liệu GDP, GRDP.
Nghị định mới về chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp
Nghị định số 98/2022/NĐ-CP ngày 29/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp.
Theo đó, Bộ Tư pháp là cơ quan của Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về: Xây dựng và thi hành pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, quản lý công tác thi hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; thi hành án dân sự, thi hành án hành chính, bồi thường nhà nước, hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý, công tác pháp chế; quản lý nhà nước các dịch vụ sự nghiệp công trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ.
Bộ Tư pháp thực hiện 38 nhiệm vụ và quyền hạn. Về cơ cấu tổ chức, Bộ Tư pháp có 25 tổ chức.
Đăng ký biện pháp bảo đảm
Chính phủ ban hành Nghị định số 99/2022/NĐ-CP ngày 30/11/2022 về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Việc xây dựng Nghị định là để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đăng ký biện pháp bảo đảm; thực hiện hiệu quả chiến lược cải cách thủ tục hành chính, chất lượng cung cấp dịch vụ công về đăng ký, hiệu quả của cơ quan đăng ký và hệ thống đăng ký; khắc phục những vướng mắc, bất cập phát sinh trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm hiện hành; nắm bắt, bao quát được những vấn đề, yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn và trong quy định của pháp luật về đăng ký biện pháp bảo đảm.
Nghị định gồm 05 Chương, 58 Điều về đăng ký biện pháp bảo đảm, cụ thể: Quy định chung; thủ tục chung; thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng tàu bay; thủ tục đăng ký biện pháp bảo đảm bằng động sản, cây hằng năm, công trình tạm;..
Thí điểm thủ tục chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác tại Khánh Hòa
Quyết định số 23/2022/QĐ-TTg ngày 18/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ quy định thí điểm về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa tại Nghị quyết số 55/2022/QH15 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 3.
Tại khoản 1 Điều 5 Nghị quyết số 55/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội khóa XV về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa quy định: “Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định chuyển mục đích sử dụng rừng sản xuất dưới 1.000 ha theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với quy hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền quyết định”.
"Trình tự, thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, sử dụng rừng thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh do Thủ tướng Chính phủ quy định".
Tại Quyết định số 917/QĐ-TTg ngày 01/8/2022, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ ủy quyền cho Hội đồng nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Do đó, để triển khai nhiệm vụ được giao tại các văn bản nêu trên, tạo cơ sở cho Hội đồng nhân dân chủ động trong công tác chấp thuận chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền; việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định là cần thiết và có cơ sở.
PV
Một số điểm mới trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 về quản lý chất thải rắn sinh hoạt