/ Pháp luật - Đời sống
/ 7 văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7/2023

7 văn bản quy phạm pháp luật được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành trong tháng 7/2023

24/08/2023 06:09 |

(LSVN) - Trong tháng 7/2023, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 7 văn bản quy phạm pháp luật, gồm 6 nghị định của Chính phủ, 1 quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Ảnh minh họa.

Mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng là 2.055.000 đồng

Nghị định số 55/2023/NĐ-CP ngày 21/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 75/2021/NĐ-CP ngày 24/7/2021 của Chính phủ quy định mức hưởng trợ cấp, phụ cấp và các chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.

Trong đó, mức chuẩn trợ cấp ưu đãi người có công với cách mạng điều chỉnh tăng từ 1.624.000 đồng lên thành 2.055.000 đồng.

Sửa đổi mức quà tặng bằng tiền mặt và hiện vật đối với gia đình, cá nhân: quà tặng tiền mặt là 1.000.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân và hiện vật trị giá 250.000 đồng/gia đình hoặc cá nhân.

Cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ

Chính phủ ban hành Nghị định số 48/2023/NĐ-CP ngày 17/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 90/2020/NĐ-CP ngày 13/8/2020 về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức bị xử lý kỷ luật đảng hoặc kỷ luật hành chính trong năm đánh giá thì xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ, trừ trường hợp hành vi vi phạm chưa có quyết định xử lý kỷ luật của cấp có thẩm quyền nhưng đã được dùng làm căn cứ để đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá thì quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá đối với hành vi vi phạm đó (nếu có) không được tính để đánh giá, xếp loại chất lượng ở năm có quyết định xử lý kỷ luật.

Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật hành chính về cùng một hành vi vi phạm nhưng quyết định kỷ luật đảng và quyết định kỷ luật hành chính không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính là căn cứ xếp loại chất lượng ở một năm đánh giá.

Về đánh giá, xếp loại, Nghị định 48/2023/NĐ-CP quy định tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, tổ chức đơn vị và đối với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng không quá tỉ lệ đảng viên được xếp loại "Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ" theo quy định của Đảng.

Trường hợp cơ quan, tổ chức, đơn vị có thành tích xuất sắc, nổi trội, hoàn thành vượt kế hoạch các công việc được giao, hoàn thành tốt các công việc đột xuất, có đề xuất hoặc tổ chức thực hiện đổi mới sáng tạo, tạo sự chuyển biến tích cực, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực thì cấp có thẩm quyền quyết định tỉ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phù hợp với thực tế, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của cán bộ, công chức, viên chức.

Bổ sung quy định mới về cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm

Nghị định số 46/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm.

Trong đó, bổ sung quy định mới hoàn toàn so với hiện hành quy định về cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, gồm các nội dung về nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác, sử dụng và thu thập thông tin cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm, việc kết nối giữa cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm với các cơ sở dữ liệu quốc gia và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác.

Nhằm quy định chi tiết khoản 5 Điều 87, khoản 1 Điều 89 Luật Kinh doanh bảo hiểm, nghị định bổ sung hoàn toàn mới các quy định về thủ tục đăng ký cơ sở và phương pháp tính phí của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, sức khỏe và xe cơ giới.

Đảm bảo trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định

Nghị định số 47/2023/NĐ-CP ngày 03/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 62/2017/NĐ-CP ngày 16/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu giá tài sản.

Nghị định được xây dựng nhằm đảm bảo trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá và tài sản thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức thống nhất, đồng bộ, công khai, minh bạch, khách quan, trong đó có một số quy định riêng đối với một số loại tài sản đặc thù.

Tiếp tục hoàn thiện chức năng của Cổng thông tin điện tử quốc gia về đấu giá tài sản trước bối cảnh thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản theo hướng hoàn thiện hình thức đấu giá trực tuyến, bổ sung chức năng cung cấp dịch vụ đấu giá trực tuyến thống nhất do cơ quan quản lý nhà nước quản lý, vận hành.

Bổ sung quy định ưu đãi trong hoạt động dầu khí

Nghị định số 45/2023/NĐ-CP ngày 01/7/2023 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Dầu khí.

Trong đó, bổ sung quy định về điều tra cơ bản về dầu khí; kế hoạch xử lý tiếp theo đối với mỏ, cụm mỏ, lô dầu khí đang được khai thác tại diện tích hợp đồng dầu khí; an toàn trong hoạt động dầu khí; ưu đãi trong hoạt động dầu khí;...

Sửa đổi, bổ sung quy định điều kiện về an ninh, trật tự 

Nghị định số 56/2023/NĐ-CP ngày 24/7/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 96/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 quy định điều kiện về an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, Nghị định số 99/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 về quản lý và sử dụng con dấu, Nghị định số 137/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 quy định về quản lý, sử dụng pháo.

Nghị định ban hành nhằm thực hiện các phương án phân cấp trong giải quyết thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính và giấy tờ công dân trong các lĩnh vực: đăng ký, quản lý ngành nghề đầu tư, kinh doanh có điều kiện về an ninh, trật tự; quản lý và sử dụng con dấu; quản lý và sử dụng pháo đã được phê duyệt tại Quyết định số 1015/QĐ-TTg ngày 30/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định số 5714/QĐ-BCA-V03 ngày 28/7/2022 của Bộ trưởng Bộ Công an.

Khắc phục những tồn tại, hạn chế của pháp luật hiện nay trong giải quyết thủ tục hành chính cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất trong hệ thống pháp luật quy định về các giấy tờ của công dân; đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý hành chính về trật tự xã hội; góp phần phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội của đất nước.

Thay đổi phân bổ vốn ngân sách thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KTXH vùng đồng bào thiểu số và miền núi

Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg ngày 01/7/2023 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số điều của Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách trung ương và tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.

Trong đó, Quyết định số 18/2023/QĐ-TTg sửa đổi, bổ sung quy định tỷ lệ vốn đối ứng của ngân sách địa phương thực hiện Chương trình. Theo quy định mới, các địa phương bố trí đủ vốn ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2025 để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ đã được cấp thẩm quyền phê duyệt.

Địa phương được hỗ trợ vốn từ ngân sách trung ương thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia chịu trách nhiệm bố trí vốn ngân sách địa phương giai đoạn 5 năm, cân đối vốn ngân sách địa phương hằng năm không thấp hơn mức vốn đối ứng thực hiện Chương trình tại địa phương theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 6 Quyết định số 39/2021/QĐ-TTg.

PV

Bùi Thị Thanh Loan